(Minh họa: Ngọc Diệp)
Sự vắng bóng của đại học Việt Nam trong 500 trường đại học tốt nhất thế giới năm 2014 (Academic Ranking of World Universities) vừa được Đại học Giao thông Thượng Hải – Trung Quốc công bố, một lần nữa làm chạnh lòng những người thao thức với nền giáo dục nước nhà.
Người Việt hiếu học, yêu chữ, ít nhất có một lần mơ về “Top 500”, lãng mạn hơn là “Top 200” có tên của một trường đại học Việt Nam, nhưng giấc mơ đó kéo dài mấy chục năm vẫn chưa thành hiện thực.
Có lẽ những cố gắng đổi mới giáo dục đại học dù đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn có những khoảng cách quá xa với các nước tiên tiến. Cho nên, trường đại học dù tốt nhất Việt Nam cũng chỉ nằm trong “Top 2000”. Để bỏ được một con số 0 là điều không dễ dàng gì, nó đòi hỏi những cải cách mạnh mẽ hơn nữa.
Có lẽ cũng nên bình tĩnh để tự nhìn lại mình đang ở nơi đâu trên tấm bản đồ đại học thế giới để đưa ra một cách cạnh tranh phù hợp.
Đại học Việt Nam còn yếu, nên hãy tập chạy đua với một đường đua vừa sức, đó là cạnh tranh vào bảng xếp hạng “Top 10” đại học Việt Nam hằng nằm. Cứ mỗi năm, sẽ có công bố từ 1 đến 10 những trường đại học tốt nhất. Các tổ chức của thế giới xếp hạng là việc của họ, còn Việt Nam tự xếp hạng cho mình.
Tiêu chuẩn để xếp hạng trường đại học có rồi, hãy bắt chước các tổ chức trên thế giới mà làm, không cần sáng tạo ra gì thêm cho mất công. Có khi chế ra thêm lại làm hỏng việc.
Nhưng cái khó là tổ chức nào của Việt Nam đứng ra làm công việc quan trọng này. Tổ chức đó phải có uy tín đối với ngành giáo dục và toàn xã hội, đánh giá và đưa ra kết quả công bằng, minh bạch, chính xác. Tổ chức đánh giá có thể là cơ quan thuộc Bộ GD ĐT, Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam hay là nhiều cơ quan cùng đứng ra thực hiện. Nếu được cũng cần có sự hợp tác với một tổ chức quốc tế xếp hạng đại học chuyên nghiệp. Đừng ai tự cho mình quyền hành hơn ai, mà vì mục đích là đạt được kết quả xếp hạng chính xác.
Có được bảng xếp hạng “Top 10” đại học Việt Nam, sinh viên sẽ lựa chọn trường tốt phù hợp với sức học cũng như khả năng tài chính của mình. Tại Mỹ, những trường vào “Top 10” tuyển đầu vào toàn những sinh viên xuất sắc và học phí cũng rất cao. Chính vì vậy nên cái “bảng vàng” đại học Mỹ quốc luôn chỉ những tên tuổi Harvard, Princeton, Yale, Stanford, Viện công nghệ Massachusetts…
Sự cạnh tranh thứ hạng của các trường top đầu càng ngày càng dữ dội, họ tự nâng mình lên để không bị tụt hạng, kéo theo cả hệ thống đại học của nước Mỹ gồm các trường đang xếp hạng ở các top sau. Chất lượng giáo dục đại học của nước Mỹ luôn ở đỉnh cao của thế giới là vì động cơ cạnh tranh lành mạnh này.
Có nhiều tổ chức khác nhau xếp hạng đại học thế giới, và thông thường, luôn trùng với xếp hạng đại học của riêng nước Mỹ. Điều dó chứng tỏ, họ đã thực hiện rất nghiêm túc công việc xếp hạng đại học. Không thể có trường hợp đại học được xếp hạng cao tại Mỹ nhưng bị lọt xuống hạng thấp thế giới.
Việt Nam nên học cái hay của họ để làm. Hãy thành lập một tổ chức xếp hạng đại học càng sớm càng tốt. Nhưng điều quan trọng là đừng lập ra một tổ chức xếp hạng đại học theo quan hệ, thậm chí cửa sau cửa trước, bán mua như mua bằng tiến sĩ y khoa ở Đại học Y Thái Nguyên. Nếu dùng tiền để mua thứ hạng thì cuộc chạy đua xếp hạng hằng năm của đại học Việt Nam trở thành cái chợ.
Lại có kẻ béo bụng rung đùi cấp phát thứ hạng cho các trường.
Lại có những trường mua hạng cao như một thứ trang trí để thu hút sinh viên.
Lại có nhêm một thứ hư danh trong một môi trường giáo dục vốn đã có quá nhiều hư danh.
Lê Chân Nhân