Có thể nói, từ xưa đến nay những lời chúc tụng đã trở thành món quà tinh thần vô cùng lớn, là cầu nối gắn kết mọi người với nhau. Đặc biệt vào dịp Tết, khi mà những câu chúc mở đầu năm mới mang đầy ý nghĩa may mắn và thịnh vượng lại càng không thể thiếu. T
uy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin ngày nay, những lời chúc nhau đó có còn giữ được vẹn nguyên giá trị ban đầu hay đang dần bị "tha hóa"?
Xưa, người thân, bạn bè hay người quen mỗi khi có dịp vui thì lại quây quần bên nhau, có thể dắt nhau ra hàng quán hay đến tận nhà tay bắt mặt mừng.
Bên cạnh những món quà trao tay thì người ta lại trao thêm những câu chúc ấm lòng, từ những ngày lễ truyền thống như Tết Nguyên Đán, Giáng Sinh, Tết Dương Lịch, Ngày Nhà giáo, Ngày Quốc Tế Phụ Nữ... cho đến những ngày quan trọng khác như sinh nhật, cưới gả, tốt nghiệp...
Riêng đối với chúc Tết, dù chỉ là quy ước, nhưng nó lại trở thành điểm đặc trưng đáng tự hào của người Việt ta. Tết sum vầy là khi cả nhà cùng dắt tay nhau đến nhà bà con, láng giềng không chỉ thăm hỏi năm cũ, mà còn cầu chúc gia quyến năm mới bình an. Hẳn suốt một năm bận rộn, chúng ta thường không có cơ hội hỏi han nhau và đây chính là dịp để thắt chặt mối quan hệ, vừa cho đi vừa nhận lại. Không tự nhiên mà câu chúc Tết lại trở nên đặc biệt đến vậy.
Ngày nay, chúng ta vẫn còn giữ nét đẹp đó, vẫn truyền nhau những lời chúc hoa mỹ nhưng lại dưới hình thức khác, thông qua mạng xã hội - kênh giao tiếp tiện ích cho người hiện đại trong lối sống bộn bề. Vì thế, ai cũng sẽ chọn sử dụng một trong những ứng dụng như Facebook, Zalo, Viber, Skype...
Những nhà cung cấp dịch vụ này đã nhận ra được xu hướng phát triển, từ đó linh động nắm bắt thời cơ, tích cực "lăng xê" những kiểu thiệp điện tử kèm lời chúc đa dạng trong các dịp sinh nhật, giáng sinh, năm mới.
Và mọi người lại dễ dàng truyền nhau những câu chúc được thiết kế đẹp mắt, sinh động khi chỉ cần nhấn chọn và gửi lời chúc tới nhiều người cùng lúc. Điều mà kiểu chúc truyền thống không thể làm được.
Như một lẽ thường, điều gì cũng sẽ có mặt trái. Nếu những người lần đầu nhận được lời chúc qua mạng có thể thấy một chút thú vị và ngạc nhiên bởi sự nhanh chóng tiện lợi mà công nghệ mang lại. Bạn không cần vắt óc suy nghĩ, đắn đo, viết rồi lại xóa những câu chúc mà bản thân nghĩ ra hay sưu tầm được.
Nhưng dần dà, kiểu chúc đại trà này khiến người nhận nhiều khi lâm vào thế dở khóc dở cười, thậm chí không cảm nhận được thành ý mà còn thấy như bản thân không được coi trọng. Ví như một anh trai gửi lời chúc Tết cho hàng loạt người thân, bạn bè mà không thèm bỏ vài giây xem lại, thành thử ra mới có chuyện người còn độc thân mà lại chúc "đôi lứa yêu nhau, lại thêm nồng thắm", hay người vô sinh lại gặp phải kiểu "sớm sanh quý tử, con đàn cháu đống", người vừa có tang cha hay mẹ lại tái mặt với câu "song thân đắc thọ, may đến rủi qua", thậm chí có người còn lười gõ đến mức chỉ gửi "snvv" hay "hpny". Chúc nhau cho hợp tình, hợp lý, vui vầy đôi bên là cả một nghệ thuật chứ không phải là chuyện đùa.
Những hình ảnh này đang được truyền từ người này sang người khác để chúc Tết "online'
Thử đặt mình vào hoàn cảnh của người nhận được tin chúc mừng qua mạng, đảm bảo bạn sẽ nhận ra ngay đó là tin nhắn được soạn sẵn, người gửi chỉ chuyển tiếp cho những người khác, họ xem như đã hoàn thành nghĩa vụ, một việc phải làm trong dịp năm mới.
Và người nhận thường sẵn sàng ngó lơ, cảm ơn cho qua hoặc gửi lại những mẫu chúc mừng tương tự. Thật sự, việc sàng lọc ra đâu là tin nhắn "thật" đâu là "giả" cũng chẳng hề khó khăn.
Từ đó, người ta mới nhận ra những lời chúc trực tiếp lại càng trở nên quý giá hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, nếu nhìn theo một góc độ khác, kiểu chúc nhau qua mạng lại thật sự mang ý nghĩa khi mà người chúc phải dùng đến nó trong trường hợp bất khả kháng. Ví dụ như một ngôi sao nổi tiếng dù bận rộn với lịch diễn vẫn gửi những lời chúc cho người thân hay người hâm mộ, một người đi du học xa đúng dịp vẫn gọi điện và chúc mừng cho người thân ở nhà... Cho nên, nếu được dùng trong hoàn cảnh thích hợp, những câu chúc online vẫn truyền tải được tấm lòng chân thành và sự quan tâm, thương yêu của người chúc khiến người nhận cảm thấy xúc động và hạnh phúc.
Có những lời chúc, những sự quan tâm mang ý nghĩa như một liều thuốc tinh thần, giúp con người vượt dậy mỗi khi mệt mỏi. Khi cần, bạn lại mở chúng ra xem, đọc và ngẫm, cảm thấy trân trọng cuộc sống này vì chúng ta không hề cô đơn.
Nhìn chung, mạng xã hội chính là một con dao hai lưỡi, vừa gắn kết vừa khiến chúng ta xa cách nhau hơn. Công nghệ hiện đại không thể hiện được hết nét đẹp văn hóa, nó hỗ trợ và có ích với ta trong những hoàn cảnh đặc biệt.
Không chỉ ngày Tết mới là ngày ta gìn giữ giá trị của những câu chúc mà ngay cả trong những dịp kỷ niệm khác, mọi người vẫn nên coi trọng chúng như chính là cách trân trọng mọi người xung quanh.
Ngọc Linh
Nguồn: nld.com.vn