Sau nhiều tuần tập trung quân gần biên giới Ukraine và đấu tranh ngoại giao với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin sáng nay tuyên bố mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine. Kiev đã ban bố tình trạng khẩn cấp và nhiều tiếng nổ đã xuất hiện. Bộ Quốc phòng Nga sau đó tuyên bố tấn công các mục tiêu quân sự của Ukraine và phủ nhận dùng pháo binh tấn công thành phố của nước này.
Dân Việt đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng, Giáo sư Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó viện trưởng Viện chiến lược quốc phòng (Bộ Quốc phòng) về cuộc chiến.
Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng Việt Nam. Ảnh: Gia Chính/VNE.
Binh sĩ Ukraine được nhìn thấy ở một vị trí chiến tuyến với phe ly khai do Nga hậu thuẫn gần thị trấn Schastia, gần thành phố Lugansk, miền đông Ukraine, vào ngày 23/2. Ảnh: Guardian
Thiếu tướng có thể phân tích tương quan sức mạnh quân sự các bên?
- Nga là một quốc gia có quân sự đứng top đầu thế giới và cũng là quốc gia xuất khẩu vũ khí nhiều thứ 2 thế giới, lực lượng hải quân, không quân, pháo binh, xe tăng... tất cả đều gấp rất nhiều lần Ukraine. Trong khi đó, Ukraine quân số ít, phương tiện trang bị không được hiện đại và ngay trong nội bộ Ukraine cũng không thống nhất. Một phần phía Đông Ukraine chủ yếu là người Nga sinh sống, ảnh hưởng văn hoá, tư tưởng Nga, gọi nôm na là "thân Nga". Phía Tây thì ngược lại, muốn tách ra khỏi ảnh hưởng của Nga và theo phương Tây.
Nói về trình độ tác chiến, quân đội Nga tinh nhuệ hơn nhiều, những năm gần đây quân đội Nga chiến đấu ở Syria trong khi quân đội của Ukraine chưa chiến đấu ở đâu cả. Đem ra so sánh có thể thấy bất lợi của Ukraine nếu chiến tranh xảy ra bây giờ.
Tuy nhiên, chiến tranh xảy ra không chỉ là tương quan lực lượng mà còn tuỳ thuộc vào quyết tâm của lãnh đạo đất nước, nếu toàn dân đoàn kết một lòng, trên cũng như dưới chống sự xâm lược thì có lẽ là đất nước đó sẽ huy động được lòng dân, có chiến lược đánh lâu dài, tiêu hao lực lượng, đó cũng là cách nhiều quốc gia đã từng áp dụng trong quá khứ.
Thứ hai là ủng hộ về mặt dư luận của nhân dân thế giới, nhân dân nước Nga và nhân dân của các nước Liên Xô cũ có tán thành cuộc chiến với Ukraine không. Nếu nhân dân phản đối thì nhà cầm quyền Nga cũng phải có điều chỉnh.
Thứ ba, chúng ta thấy chiến tranh xảy ra, những nước có tiềm lực mạnh như Mỹ cũng từng phải rút quân khỏi Afghanistan, Liên Xô ngày xưa mạnh hơn bây giờ mà 10 năm Afghanistan cũng thất bại và chết hơn 20.000 chiến sĩ hồng quân. Cuộc chiến tranh này nổ ra, các nước phương Tây sẽ lợi dụng chuyện đó để vươn lên, Nga sẽ bị sa lầy bởi nếu cứ tiếp tục thì sẽ rất nhiều thiệt hại cho nền kinh tế cũng như quân sự và tầm ảnh hưởng của mình.
Phía Mỹ tuyên bố không điều quân tới Ukraine để chống lại Nga, Thiếu tướng nhìn nhận về phản ứng của Mỹ như thế nào?
- Từ trước tới nay, chưa bao giờ Mỹ tuyên bố đưa quân vào Ukraine để chống Nga vì lý do đơn giản: Ukraine không phải thành viên của NATO.
Về mặt pháp lý, Mỹ không có lý do để đưa quân Mỹ có mặt tại Ukraine. Về mặt quân sự, có thể nói chủ trương, ưu tiên chiến lược của Mỹ không phải ở châu Âu, không phải Ukraine mà là châu Á Thái Bình Dương, sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Một bức ảnh do văn phòng Tổng thống Ukraine cung cấp cho thấy một vụ nổ lớn ở thủ đô Kiev của nước này vào đầu ngày thứ Năm 24/2 sau khi Tổng thống Nga Putin công bố một chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ukraine. Ảnh CNN
Bản thân nhân dân Mỹ cũng không đồng tình việc đưa quân đội Mỹ đi chiến đấu ở Ukraine, chỉ có 16% đồng tình nên một Tổng thống dân cử như Tổng thống Mỹ không thể tự ý đem quân ra nước ngoài mà phải được Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Mỹ chỉ có thể đưa quân tới hỗ trợ các nước thành viên NATO và huấn luyện thêm một số lực lượng. Bên cạnh đó, Mỹ đã trang bị giúp quân đội Ukraine 200 triệu đô la rồi và có thể sẽ tăng cường thêm.
Bên cạnh đó, có thể Mỹ sẽ cùng các nước EU gia tăng các biện pháp trừng phạt kinh tế, tài chính đối với Nga. Ví dụ rõ nét chúng ta đã thấy đó là lệnh trừng phạt đối với 5 ngân hàng trong đó có ngân hàng quân đội của Nga. Hay có thể tới đây có thể sẽ có thêm những biện pháp trừng phạt nặng hơn nữa nhưng tôi cho rằng chưa đến mức phải dùng biện pháp cắt đứt Nga ra khỏi SWIFT (Society for Worldwide Interbank and Financial Telecommunication - Hiệp hội viễn thông liên ngân hàng và tài chính quốc tế), điều này phải diễn tiến theo bước phát triển của cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine.
Theo Thiếu tướng, liệu những lệnh trừng phạt đồng thời đến từ nhiều quốc gia có thể gây ra cản trở đối với những hành động tiếp theo của Nga tại Ukraine?
- Có hai hướng. Một là có thể sẽ không tác động gì nhiều bởi tiềm lực của Nga hiện nay cộng với việc Nga đã có vài năm chuẩn bị dự trữ ngoại tệ cho tình huống như thế này.
Tình huống thứ hai có thể do tác động khác, yếu tố quốc tế cùng sự không đồng tình của nhân dân Nga sẽ tác động tới việc Chính phủ Moskva có dừng xung đột tại Ukraine hay không.
Trong khi dòng người sơ tán cũng như nhiều quốc gia kêu gọi công dân của mình rời khỏi Ukraine, cá nhân ông cho rằng liệu có xảy ra một cuộc khủng hoảng tị nạn mới tại châu Âu trong vụ việc này không?
- Hiện nay người dân Donbass cũng đã sơ tán sang Nga rồi. Việc có xảy ra một cuộc khủng hoảng tị nạn vì cuộc chiến hay không còn tuỳ thuộc vào mức độ lan toả của cuộc xung đột này đến đâu. Nếu gói gọn như hiện nay thì nó chỉ xảy ra tại Donbass và một số vùng lân cận mà thôi. Nếu nó lan rộng ra, một khi quân đội Nga mở rộng vùng chiếm đóng ra toàn bộ Ukraine thì người dân sẽ chiến đấu nhưng người già, phụ nữ, trẻ em sẽ phải sơ tán, di tản... lúc đó sẽ tạo ra một cuộc di dân lớn ở Ukraine sang các nước châu Âu.
Xin cảm ơn Thiếu tướng (!)
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT