Sinh sống ở nước ngoài từ rất lâu, có nhiều người nói thứ ngôn ngữ nơi mình đang sống còn giỏi hơn cả tiếng Việt Nam là tiếng mẹ đẻ, vậy mà không ít người khi tuổi đời đã xế chiều bất chợt cảm thấy nao nao nhớ về đất nước mình đã sinh ra, lớn lên cho đến khi phải gạt nước mắt ra đi.

 

Có người theo gia đình ra đi sau những năm kháng chiến chống Pháp, có những người được cha mẹ cho xuất ngoại du học rồi ở lại và nhiều nhất vẫn là những người ra đi sau biến cố lịch sử 1975.

Thế nhưng dù ra đi theo kiểu nào thì họ vẫn đã sinh ra là người Việt Nam và tuổi già là tuổi con người đã “tri thiên mệnh” để thấy ký ức bỗng trở về làm đôi khi nhớ quay quắt nơi mình đã chôn nhau cắt rốn. 

Nhớ quá nên về.

Rất nhiều người sau khi đã hoàn thành mọi nghĩa vụ với đất nước đã cưu mang mình, trong túi rủng rỉnh tiền, có thể là tiền hưu trí, tiền để dành, tiền con cái cấp dưỡng, giúp đỡ,.. quyết định trở về quê hương, sống nửa thời gian với con cháu ở nước ngoài những tháng ấm áp, nửa thời gian còn lại thời tiết lạnh lẽo quá nên về trú đông, sống lại với quê hương.

Theo thống kê, con số những người Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài còn đông hơn toàn dân số đảo quốc Singapore, chỉ cần một nửa số người này thường xuyên đi đi, về về thì du lịch Việt Nam cũng sống được rồi, huống chi lại có những người quyết định về hẳn, tiền hưu, tiền cấp dưỡng của con cái về Việt Nam sống khỏe quá và đây cũng là nguồn ngoại tệ dồi dào, ổn định, góp phần không nhỏ phát triển kinh tế Việt Nam.

thu tuc hanh chinhẢnh minh họa

Tôi cũng không ngoại lệ.

Tuy đã sống ở nước ngoài rất lâu, yêu mến rất nhiều đất nước mình đang sinh sống nhưng thôi đã già, hoàn cảnh lại cô đơn, những hôm trái gió trở trời, hắt xì, nhảy mũi thèm chi lạ một người nào đó cạo gió, đánh dầu, nấu cho bát cháo thì thật ấm lòng.

Chỉ nghĩ đến chuyện về Việt Nam hàng ngày không phải nấu ăn, muốn ăn gì cũng có, đi đâu cũng gần, bây giờ lại có cả xe bus đi đâu cũng dễ, đi về chỉ mất 20 cents là thấy sung sướng quá rồi.

Nhà cửa cũng có sẵn luôn, về ở chung với gia đình thì không phải mất tiền thuê nhà hàng tháng, cao lắm chỉ đóng góp chút đỉnh để trả điện nước là được rồi.

Vậy là quyết định cuốn gói đi về, biết bao nhiêu người khuyên lơn, ngăn cản mà tôi vẫn quyết tâm, ai cản cứ cản, đường ta ta cứ đi.

Điều mà những bạn bè quen biết nhắc nhở, khuyên can tôi nhiều nhất là đã quen sống trong không khí tự do liệu khi trở về có chịu được với những thiếu thốn về truyền thông, những thông tin một chiều luôn đi theo “lề phải”?

Thủ tục hành chính thì lề mề, rườm rà, nhất là chuyện đi đâu cũng phải “dấm dúi chút cà phê, thuốc lá” nếu muốn mọi chuyện được dễ dàng, nhanh chóng.

Rồi môi trường sống ô nhiễm theo cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, những quan hệ trong đời sống đều dựa trên nền tảng của đồng tiền, đi học cũng tiền, vô bệnh viện cũng tiền, chết cũng phải có tiền…

Còn nhiều, nhiều lắm những điều mà bạn bè liệt kê ra nhưng lúc đã mê say, lú lẫn rồi thì chẳng còn nghe ai nữa hết, phải làm cho được cái gì mình muốn.

Dù đã đi về Việt Nam rất nhiều lần nhưng lần này quyết định về luôn, trở về làm một người Việt Nam trăm phần trăm, không còn chân ngoài chân trong nên khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất là tự dưng trong lòng tôi cảm thấy bồi hồi, cứ như một đứa con đi xa sắp về gặp lại cha mẹ.

Ôi, thương làm sao “chùm khế ngọt” quê hương!

Trước khi trở về tôi đã thông báo với tất cả các nơi như Sở Thuế, ngân hàng, bảo hiểm y tế, … địa chỉ mới của tôi ở VN và yêu cầu mọi thư từ liên lạc sẽ được gởi về địa chỉ này. Bây giờ sẽ bắt đầu mở lại mọi thủ tục, giấy tờ nhân thân để trở lại làm người VN.

thu tuc hanh chinh 1

Bắt đầu bằng chuyện trú ngụ.

Phải ra công an phường đăng ký tạm trú lần đầu tiên để sau đó sẽ xin nhập lại hộ khẩu.

Rời khỏi VN hai mươi năm sau biến cố lịch sử nên tôi cũng đã từng là một người VN với đầy đủ những giấy tờ tùy thân hợp pháp như hộ khẩu, chứng minh nhân dân (xưa kia là căn cước), đã đi làm việc, đã từng đóng góp công sức để xây dựng lại đất nước trong suốt giai đoạn khó khăn nhất.

Rồi khi ra đi cũng thực hiện đầy đủ mọi thủ tục theo đúng yêu cầu nên tôi nghĩ chuyện xin nhập lại hộ khẩu của mình chẳng phải gặp khó khăn gì đâu, vậy là tôi mạnh dạn ra công an phường để hỏi thủ tục.

Trước khi về VN tôi đã ra Tòa đại sứ VN ở quốc gia tôi sinh sống để đăng ký giữ lại quốc tịch VN theo chủ trương của nhà nước là tạo mọi điều kiện dễ dàng cho kiều bào trở về với quê hương.

Thế nên tôi đã có trong người hộ chiếu VN của Tòa đại sứ cấp đồng thời vẫn giữ lại quốc tịch thứ hai của mình.

Nhập cảnh VN bằng hộ chiếu VN một tháng trước Tết, lo loay hoay mua sắm chuẩn bị đón Tết tôi quên mất chuyện phải đăng ký tạm trú, đến khi nhớ trực lại vội vàng đến công an phường để xin mẫu đơn đăng ký thì gặp ngay một cô công an xinh đẹp đang cười tươi hướng dẫn cho một thanh niên thủ tục gì đó, tôi nghĩ thầm mình đã may mắn.

Đến lượt tôi, sau khi nghe tôi giải thích trường hợp của mình, xem hộ chiếu của tôi được đóng dấu ngày về cách đó 20 ngày, cô liền sa sầm mặt lại, bảo tôi lên lầu tìm gặp công an phụ trách tổ dân phố.

Tôi lên lầu tìm được anh công an này, sau khi nghe tôi giải thích, lại bảo tôi trở xuống gặp cô công an kia. Trở xuống, cô lại bảo tôi trở lên,…

Một khởi đầu tốt đẹp, bóng đã được sút trượt khỏi khung thành! Lên xuống thêm một lần nữa, kết luận là tôi đăng ký trễ phải nộp phạt nhưng cô này cũng “nhân đạo” vì đã cho tôi số điện thoại riêng của anh CA phụ trách để liên lạc trực tiếp.

Chuyện phải đến đã đến, “miếng trầu là đầu câu chuyện” trầu đỏ nên con dấu đỏ đã được đóng trên tờ giấy đăng ký tạm trú trễ hạn của tôi mà không phải nộp phạt.

Nhất định phải xin nhập lại hộ khẩu thôi vì nếu không cứ mỗi ba tháng phải đi đăng ký tạm trú kiểu này thì mệt quá.

Tôi được hướng dẫn ra công an quận để xin mẫu đơn về điền và để được hướng dẫn theo đúng trình tự.

Lại một cô công an xinh đẹp, mặt hoa da phấn, phải công nhận một điều là bây giờ mấy cô công an tiếp dân thế hệ 8X, 9X này đẹp thiệt, cô nào cũng son phấn đúng kiểu Hàn quốc, áo quần ủi thẳng bon trông rất lịch sự.

thu tuc hanh chinh o viet nam

Cuối cùng cô bảo tôi chỉ có một mình về lại quê hương là đúng quá rồi và tôi nhận được hai mẫu đơn kê khai đem về điền, khi nào xong mang trở lại để được hướng dẫn tiếp.

Tuần sau đó tôi trở lại với hai mẫu đơn kê khai đầy đủ nhưng cô vắng mặt, một anh CA khác hướng dẫn tôi phải trở về làm bản sao giấy tờ nhà và hộ khẩu của địa chỉ nơi tôi muốn xin nhập vô, bản sao hộ chiếu tôi đã dùng để nhập cảnh VN.

Để làm bản sao không phải như ở nước ngoài chỉ cần đi photocopy rồi người nhân viên nhận đơn đối chiếu với bản chánh là xong đâu, ở đây photocopy xong phải ra UBND phường đóng dấu sao y bản chánh, đóng tiền mới hợp lệ.

Khổ thân tôi, hộ khẩu và giấy tờ nhà UBND phường được phép chứng nhận sao y bản chánh nhưng hộ chiếu thì phải là UBND quận mới được. Đành vậy, đi lên UBND quận lấy số ngồi chờ từ đầu buổi chiều đến gần cuối buổi mới xong.

Hôm sau, quay trở lại CA quận gặp cô cán bộ xinh đẹp kia, lại được hướng dẫn là một trong hai mẫu đơn đã kê khai phải về UBND phường đóng dấu.

May mắn là khi tôi quyết định tự đi làm mọi thủ tục cũng đã tự nhủ phải kiên nhẫn, kiên nhẫn để không bị stress.

Về lại UBND phường, lại giải thích đủ thứ, coi đơn xong người cán bộ tiếp dân bảo về xin lại cái đơn khác rồi mang đến kê khai tại chỗ, yêu cầu người chủ nhà đồng ý cho nhập hộ khẩu đến ký tại UBND phường trước sự chứng kiến của người chịu trách nhiệm, bỏ tờ đơn đã làm vì ký mà không ai chứng kiến.

Trời ơi, mấy chuyện như vậy sao không ghi chú trên đơn hay hướng dẫn rõ ràng, may là tôi về hưu, tôi đang là “tỷ phú thời gian” nên mới có thể đi hoài chứ nếu là người đi làm thì chỉ có cách áp dụng câu nói của ông bà ngày xưa “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Bạn bè, người thân ở đây cũng đã khuyến cáo tôi là nên nhờ anh CA phụ trách khu vực làm giúp cho rồi bỏ bao thư chừng 50 đô là xong, vừa mau, vừa đỡ bị hành xác. Có lẽ tôi không khôn, mà cũng hơi lì, muốn thử sức coi ai kiên nhẫn hơn ai nên giờ phải ráng chịu.

Cũng may bây giờ mọi thứ đều có trên internet, trở về download tờ đơn, kê khai lại rồi sáng hôm sau cùng người chủ nhà đến UBND phường thật sớm để ký trước khi chủ nhà đi làm.

Vậy là xong tờ đơn nhưng chiều quay lại lấy vì người có trách nhiệm ký tên hôm đó đến muộn.

À ra vậy, đi về chiều đến, cũng phải xong thôi.

Bây giờ thì đủ giấy tờ hết rồi nhe, ôm toàn bộ mớ giấy tờ này trở ra CA quận nộp vào, tờ bản sao giấy nhà đất, tờ bản sao hộ khẩu không cần thiết, trả lại, chỉ cần hai tờ đơn và quyển hộ khẩu chính để ghi tên nhập hộ khẩu vào.

Hết nói nổi, không cần mà cũng bắt mình làm, tốn công, tốn tiền vô ích.

Thôi, đừng than thở nữa, cầm được tờ giấy hẹn trong tay là mừng rồi, ráng thêm một lần nữa là xong rồi.

Đúng ngày hẹn, tôi đến từ sáng sớm, nộp giấy hẹn vào xong ngồi chờ.

Những bàn khác đều đã làm việc còn cô CA xinh đẹp của tôi đâu mất rồi.

Chờ thêm nửa tiếng nữa, cô đến bàn làm việc, gom tất cả giấy hẹn vào và khi cô nhìn thấy tôi thì quen quá rồi, cô biết cả tên tôi nữa (ngay cả anh giữ xe trước cửa cũng biết mặt tôi) liền nói ngay là “Cô ơi, chưa có, đang đi xác minh, một tuần nữa cô quay lại giúp con!”. CA mà nói chuyện như vậy là lịch sự quá rồi, tôi hoan hỉ đi về, chờ một tuần nữa trở lại.

Thưa quý vị, điệp khúc này lặp lại thêm sáu lần nữa, khi thì xác minh rồi nhưng chưa vô sổ, khi thì lễ lạt nên chậm, khi thì đã vô sổ nhưng chưa ký tên, v.v… và v.v… tổng cộng đúng bảy lần tất cả, mỗi lần cách nhau khoảng trên dưới một tuần, đi tới đi lui dưới cái nắng thiêu đốt, tốn tiền gửi xe, coi như mất khoảng ba tháng thì tôi cũng đạt được điều mình mong muốn.

Trong hộ khẩu, ngày đóng dấu ký tên cấp cách ngày tôi nhận khoảng hai tháng!!

Cho đáng đời cái tội vừa bướng, vừa không hào phóng, “nhập gia phải tùy tục”, cũng may chỉ có mình tôi đã về hưu nên mới kiên nhẫn như vậy, chứ nếu ai cũng giống như tôi thì “Hành” là “Chính” của VN chắc phải cáo chung rồi.

 

Nguồn: Báo Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC