Chú Minh là người gốc Việt đầu tiên tôi gặp tại Pháp hơn chục năm về trước. Nhóm chúng tôi, những sinh viên Việt Nam nghèo, vô cùng lơ ngơ với một đất nước xa lạ.

Nhiều người mang trong hành lý những gói mì tôm, ruốc, những lọ thịt chưng mắm tép để tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó.

Và thật may mắn, chúng tôi gặp chú, một người Việt đã định cư ở Pháp vài chục năm. 

Bài viết của Tiến sĩ Lê Thị Thiên Hương

Thấy sự rụt rè của tụi học sinh Việt Nam, chú và cô dốc lòng giúp đỡ. Cô chú lo liệu từ những chuyện nhỏ như vận chuyển đồ đạc, bảo lãnh để được thuê nhà cho đến tìm việc làm thêm cho cả chục đứa mỗi mùa hè.

Thỉnh thoảng, họ nấu những món Việt cho chúng tôi tại gia đình. Bún chả, phở, nem rán… những món thuần Việt đã trở thành xa xỉ trên đất Pháp đối với sinh viên.

42 1 Viet Kieu Ve Que Huong Cong Hien Ve Roi Lai Phai Xach Vali Ra Di

Cũng qua chú, tôi được gặp cố giáo sư Dũng, cũng là người đỡ đầu hàng chục du học sinh Việt. Ông là giáo sư có tiếng tại Pháp trong ngành cơ khí hàng không, và cũng là người đặt nền móng cho sự ra đời của bộ môn hàng không vũ trụ tại hai trường đại học lớn của Việt Nam. Bao nhiêu thế hệ sinh viên Việt Nam đã được thầy Dũng tạo điều kiện sang học hành, nghiên cứu tại Pháp. Sau khi ông qua đời, gia đình, bạn bè và các sinh viên đang nỗ lực lập một quỹ khuyến học dành cho người Việt trẻ để tiếp nối di sản ông để lại.

Những sinh viên lơ ngơ ngày nào được cô chú Minh, thầy Dũng đỡ đầu giờ đây đều đủ lông đủ cánh. Người lập nghiệp ở nước ngoài, người về Việt Nam làm việc với tấm bằng hạng ưu, người sang nước khác tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu. Nhưng không ai quên tấm chân tình của các cô chú ngày ấy. Trong mắt tôi, họ là những người vô cùng Việt Nam.

Họ không quên đất nước nơi họ sinh ra, cho dù đã mang quốc tịch Pháp, đã gắn bó với quê hương mới và thành danh nơi này. Bằng cách này hay cách khác, họ tìm cách đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, hoàn toàn không vụ lợi, không chờ đợi bất cứ hình thức “đền đáp” nào cho bản thân. Có lẽ, điều duy nhất mà chú Minh và thầy Dũng mong đợi ở chúng tôi, là hãy tiếp tục truyền lửa cho những người trẻ khác.

Trong những năm tháng ở nước ngoài, tôi gặp rất nhiều người Việt như thế. Đó là những trí thức luôn sẵn sàng mang nguồn kiến thức và cả nguồn vật chất của bản thân để góp phần thay đổi đất nước. Tôi nhận thấy một phần bởi triết lý “uống nước nhớ nguồn” đã ăn sâu vào con người họ, và phần khác là tự ái dân tộc. Tại nhiều cuộc gặp, họ từng đặt câu hỏi: Người Việt không kém cỏi, vậy tại sao đất nước vẫn nghèo?

Vài năm gần đây, tôi chứng kiến một làn sóng mới trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Làn sóng nỗ lực kết nối, tạo mạng lưới trí thức với mục tiêu đóng góp cho sự thay đổi của đất nước.

Ngày nọ, trong một căn hộ không xa tháp Eiffel tráng lệ, tôi may mắn được nghe các buổi tranh luận sôi nổi giữa những Việt kiều không chỉ đầy kiến thức chuyên môn mà còn có thừa nhiệt huyết.

Họ gồm đủ thành phần. Một giáo sư ngành năng lượng đi tàu mấy tiếng đến Paris chỉ vì mong muốn góp ý cho chính phủ Việt Nam về năng lượng tái tạo; một giáo sư toán cho dù tuổi đã cao vẫn tham gia đóng góp với hy vọng cải tổ nền giáo dục; các trí trức trẻ vừa ra trường và đang đi làm tại châu Âu, các bạn trẻ đang là nghiên cứu sinh hay sinh viên tới để lắng nghe và bày tỏ quan điểm…

Điểm chung giữa những người Việt này, đó là họ luôn mong muốn làm được một điều gì đó cho Việt Nam – nơi xa xôi bên kia bờ đại dương. Lòng yêu nước vốn rất mơ hồ khi là lý thuyết, nhưng với những gì tôi chứng kiến, nó cụ thể và rõ nét hơn nhiều khi được chuyển thành hành động, thành các bản kiến nghị gửi đi.

Cũng phải ghi nhận rằng gần đây, chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thu hút trí thức Việt ở nước ngoài và đã có một số kết quả ban đầu. Nhiều chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài đã về nước tham dự chương trình “Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam”. Họ trở về Pháp với động lực rõ ràng. Họ đang nỗ lực biến các ý tưởng đã bàn với nhau thành hiện thực. Nếu tận dụng được trí tuệ Việt kiều theo cách này, chúng ta có thể cải thiện vấn nạn chảy máu chất xám mà Việt Nam đang đối mặt.

Nhưng chỉ kêu gọi lòng yêu nước thôi thì chưa đủ để thu hút người tài. Nếu như tôi vô cùng tán thành động thái vừa qua của chính phủ trong việc khuyến khích các chuyên gia, trí thức gốc Việt ở nước ngoài hướng về Việt Nam, thì phải thừa nhận rằng, cần nhiều thay đổi hơn nữa, để tất cả không chỉ dừng lại ở “một tín hiệu đáng mừng”.

Tôi vẫn nhớ câu nói hào hứng của một bạn trẻ người Việt trở về Pháp sau chuyến đi tham dự chương trình kết nối:

“Có nhiều việc để làm lắm chị ạ!”. Nhưng ta vẫn nghe câu chuyện Việt kiều này kia về nước làm việc, rồi lại phải ra đi. Hay kiều hối lại đạt kỷ lục, hàng chục tỷ USD.

Còn nhiều chục, trăm tỷ USD nữa nằm trong các bộ óc đã được đào tạo qua các nền giáo dục tiên tiến chưa được khai thác. Trong câu chuyện với tôi, nhiều chuyên gia gốc Việt làm việc tại nước ngoài vẫn mong chờ từ chính phủ các chính sách cụ thể, định hướng lâu dài và bền vững, để họ quyết định có nên về quê lập nghiệp hay cộng tác với các cơ quan ở Việt Nam.

Ngoài việc Việt Nam đang trở thành một thị trường mới đầy hấp dẫn, với chúng tôi còn là hai chữ “quê hương”. Tôi biết rằng những trí tuệ Việt đang mong đợi cơ chế thông thoáng, minh bạch, một môi trường nghiên cứu khoa học thuận lợi, tự do tư tưởng trong nghiên cứu và sáng tạo cho những bộ óc nhiều ý tưởng.

Sự nhiệt thành không thiếu, nhưng nếu không có kênh hấp thụ năng lượng đó hợp lý thì mọi mong ước hướng về quê nhà đều chỉ nằm ở dự định và lời nói. Chừng nào Việt Nam chưa thực sự tận dụng được nguồn lực tri thức ở nước ngoài, thì chừng đó chúng ta còn đang lãng phí trầm trọng những “mỏ vàng” lộ thiên.

Nguồn: Vnexpress.

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC