Tại buổi tiêu hủy công khai hàng hóa giả mạo nhãn hiệu thương mại do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Công an TP.Hà Nội tổ chức, hàng chục người, gồm quan khách, cán bộ cơ quan chức năng và nhà báo đã lao vào chia nhau toàn bộ số hàng hóa đang chờ tiêu hủy. Sự việc này xảy ra ngày 21.10.

Những vụ hôi của đôi khi vẫn xảy ra bởi những đám đông vô danh tính, và để lại nỗi xấu hổ bao trùm cho những người phải chứng kiến, hoặc phải đặt mình ở vị trí tồn tại trong môi trường đó.

Lòng tham, sự a dua, những thúc đẩy dục vọng được che mờ bởi những đám đông vô nhân tính là điều có thể thấy, có thể hiểu được.

Song, thật khó tưởng tượng một câu chuyện đáng xấu hổ như thế lại xảy ra tại một buổi tổ chức tiêu hủy hàng giả, trước sự chứng kiến của truyền thông.

Họ đã lao vào tranh nhau, chia nhau chính những thứ của cải phi pháp mà họ có chức năng, nhiệm vụ loại trừ khỏi cuộc sống văn minh. Họ không phải một đám đông vô danh tính.

Họ là những người có vị trí nhất định trong xã hội, là quan khách đến chứng kiến việc tiêu hủy hàng giả, là cán bộ có trách nhiệm đấu tranh với hàng giả, là nhà báo đến phản ánh, đưa tin nhằm truyền thông giáo dục công chúng nói không với hàng giả.

Nhưng, họ tranh nhau số hàng giả đó, thay vì tiêu hủy.

Cán bộ cướp đồ tiêu hủy, sự khốn cùng của nhân cách - 0

Nhiều người tranh vào nhặt đồ trong buổi tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp (ảnh cắt từ clip). Nguồn: TP

Ông Chánh Thanh tra Bộ KH&CN - thành viên Ban tổ chức buổi tiêu hủy  này - xác nhận sự việc, và phân trần:

“Do chúng tôi tin tưởng anh em nên mới xảy ra cơ sự này”.

Tôi không rõ, ông Chánh thanh tra đã tin tưởng điều gì? 

Nếu ông Chánh thanh tra tin tưởng vào nhân cách và lòng tự trọng của những con người trong buổi lễ tiêu hủy hàng giả ấy, niềm tin của ông thật đáng thương. Bởi vì có lẽ, không nhiều người trong buổi lễ đó chia sẻ niềm tin ấy với ông.

Những người mà ông Chánh Thanh tra tin tưởng, họ đều có thân phận, và họ không ngại ngùng gì làm một việc tồi tệ như thế. Dĩ nhiên, họ chỉ có thể làm được điều đó khi không hề tin rằng có thứ được gọi là lòng tự trọng tồn tại trong chính con người mình. 

Không tin vào lòng tự trọng của bản thân. Họ cũng không tin rằng hành động hôi của phi pháp đó sẽ bị trừng phạt bởi pháp luật.

Những món đồ lẽ ra phải được tiêu hủy để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, song người ta đã cướp chúng một cách công khai, liệu có phải những người cướp đồ đó không tin vào sự tồn tại của luật pháp?

Không tin bản thân, không tin luật pháp, và không tin cả đạo đức cộng đồng nữa. Họ đã dễ dàng thể hiện hành vi cướp đồ trước những ống kính truyền thông bởi không có bất cứ sự ngại ngần nào.

Họ tin rằng đối với xã hội mà họ đang sống, việc ăn cướp một vài món đồ trước khi bị tiêu hủy là điều bình thường, là thứ đạo đức được chấp nhận trong cộng đồng.

Con người, khi không còn tin vào giá trị của bản thân, không tin vào sự nghiêm minh của pháp luật, không tin cả những giá trị đạo đức của cộng đồng... Điều đó có nghĩa họ đã hoàn toàn thoát khỏi mọi yếu tố ràng buộc giữ gìn họ lại với đời sống của một con người, đã có thể để mặc lòng tham chi phối mọi hành động của bản thân.

Những con người đó đã trở về với bản năng của mình, bỏ qua mọi giá trị để hình thành nên phẩm giá của một con người.

Đó là nỗi lo cho tự trọng và nhân cách!

Phạm Trung Tuyến - Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC