“Mày biết tao là ai không?” Một câu hỏi không để hỏi, mà là câu nói hống hách của người cậy tiền, cậy quyền để hành xử ngang ngược trước một sự cố nào đó.

Câu hỏi này quen đến nỗi chúng ta vẫn thường gặp đâu đó trong cuộc sống, từ những chuyện bé tới chuyện to…

 

42 1 May Biet Tao La Ai Khong

Tranh biếm của Tuổi trẻ cười: “Mày biết tao là ai không”?

Bệnh… “coi thường” người khác

Theo các chuyên gia văn hóa, người Việt ta, bên cạnh những đức tính rất tốt mà ai cũng nhận thấy và đã trở thành những nét đẹp truyền thống từ bao đời nay, thì cũng có không ít những xấu xí. Trong đó, không thể không kể đến tính đố kị, khinh người và cậy thế. Người Việt mắc một căn bệnh rất lạ là thấy ai giàu hơn thì ghen tị, tức tối, thấy ai nghèo hơn thì khinh và cho rằng mình có tiền, có quyền thì thích sao cũng được. 

Và cậy quyền, cậy tiền, cậy “quan hệ” dường như luôn là những tấm “thẻ bài” cho nhiều người. Từ những chuyện nhỏ nhặt như hàng xóm cãi vã nhau đến những kẻ hành xử côn đồ, tàng trữ vũ khí, tấn công người thi hành công vụ,… dù ở bất kỳ đâu, cơ quan Nhà nước hay công ty, đâu đâu cũng có thể xuất hiện câu: “Mày biết tao là ai không?”.

Được biết, cách đây hơn 10 năm, một nữ doanh nhân là tổng giám đốc tập đoàn bảo hiểm cũng gây ra một vụ lộn xộn trên máy bay. Bà này có gì đó không hài lòng, chửi bới tiếp viên bằng ngôn ngữ rất thô tục. Câu nói “Mày biết tao là ai không?” cũng được ghi vào biên bản.

Từ đó, thi thoảng người ta lại được nghe câu này lặp đi lặp lại trong cuộc sống. Nó cho thấy một thực tế: Có một bộ phận công dân tự cho rằng mình có thứ hạng cao hơn những người còn lại và thứ hạng này, một cách bất thành văn, được xây dựng trên những mối quan hệ “khủng” khiến người bình thường không dám đụng vào.

Trở lại “ Mày biết tao là ai không?”, Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) bày tỏ: Câu chuyện vị khách thương gia tên Vũ Anh Cường có hành vi sàm sỡ khách nữ và tiếp viên trưởng trên chuyến bay của Vietnam Airlines ngay lập tức tạo ra nhiều phản ứng trong dư luận.

Mức “xử phạt kịch khung” 10 triệu đồng của Cảng vụ Hàng không miền Bắc đối với ông Cường dường như vẫn chưa đủ để dư luận tiếp tục đặt câu hỏi: “Ông Cường liệu có bị cấm bay? Còn hình thức xử lý tiếp theo với vị doanh nhân này hay không?”.

Thế nhưng, câu hỏi làm “dậy sóng” dư luận và mạng xã hội vừa qua lại xuất phát từ chính ông Vũ Anh Cường. Khi bị xử lý vì hành vi quấy rối, vị doanh nhân này đã lớn tiếng đe dọa bằng câu nói: “Mày biết tao là ai không?”.

Thực ra, bản thân câu nói ấy không còn xa lạ. Các giai thoại lẫn câu chuyện thực tiễn đã cho thấy: Nhiều người có những vị trí nhất định trong xã hội, được đánh giá có vị thế, nhận thức, khi vi phạm chuẩn mực đạo đức, vi phạm pháp luật đã tự cho mình cái quyền đứng trên tất cả.

Khi bị phát hiện có hành vi xấu, nhiều người thường đem những vị thế xã hội hoặc những mối quan hệ quen biết của mình ra để mong gây áp lực cho người khác. Đây là việc khá phổ biến trong xã hội những năm gần đây.

Việc ông Vũ Anh Cường dùng câu nói “Mày biết tao là ai không?” như một “lệnh bài miễn tử” với suy nghĩ nó sẽ giúp mình phủi mọi trách nhiệm đối với hành vi quấy rối tình dục - trong bối cảnh xã hội đang có nhiều hoài nghi vì cách xử lý chưa thoả đáng các vụ tai tiếng liên tiếp gần đây, là một động thái không thể xem nhẹ, cho qua như đóng phạt rồi thôi.

Năm 2014, một báo cáo có tên “Thành phố an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái” do tổ chức ActionAid chỉ ra: Rất nhiều đàn ông ở Việt Nam nghĩ việc trêu ghẹo phụ nữ là “bình thường” và thậm chí chính phụ nữ cũng thấy vậy.

Theo đó, “87% phụ nữ và trẻ em gái từng bị quấy rối tình dục nơi công cộng”. Trong khi ở các nước phương Tây, nhất là khu vực Trung Đông, da thịt và thân thể phụ nữ là ranh giới cuối cùng “bất khả xâm phạm”. Phụ nữ Phương Tây vốn được cho là suy nghĩ thoáng, nhưng là sự đồng thuận, chứ đàn ông không thể “vỗ mông xã giao”, “nựng yêu” hay là “trượt tay” vô lý như ở ta.

Vào nhầm nhà vệ sinh, bế hay trêu đùa các bé gái, nhìn sâu vào mắt phụ nữ quá 10 phút bị gọi cảnh sát... Những hoàn cảnh đó, câu nói “Mày biết tao là ai không?” là vô giá trị.

Đâu là “kẻ mạnh”?

Trong cuộc sống này, lâu lâu lại bắt gặp ai đó buông ra mệnh đề khẳng định bản thân một cách trực diện kiểu “Mày biết tao là ai không”?. Với câu hỏi ấy, đôi khi một ai đó đã tự “lột trần” bản thân! Cho dù anh ta hào nhoáng, ông nọ, bà kia hay đại gia khủng… thì câu hỏi ấy đã cho bạn biết anh ta là ai? Là người khẳng định sức mạnh của mình bằng việc dựa dẫm vào quyền lực, vào tiền…

Và khi tự vỗ ngực khẳng định hay hù dọa “tao là ai?”, đó sẽ thật sự là một bi kịch của ứng xử. Khi mà chỉ cần lột bỏ hết tất cả những “phụ kiện” như chức vụ, cấp bậc, vai vế, tiền bạc… thì muôn con người đều cũng giống như một con người mà thôi. Nói vậy để thấy rằng, nếu không ỷ quyền cậy thế thì cho dù “tao là ai” cũng chẳng mảy may động chạm đến ai cả!

Đành rằng, ai cũng cần mối quan hệ trong cuộc sống. Bởi thế có câu “giàu vì bạn, sang vì vợ”... Khong thể không phủ nhận các mối quan hệ rộng rãi là không tốt đẹp . Nhưng đại gia bất động sản Vũ Anh Cường đã biến “mối quan hệ” trở thành thứ vũ khí đủ sức sát hại danh dự và nhân phẩm của người khác, đó là một phụ nữ! Và đại gia ấy hiện nguyên hình trần trụi một phông văn hóa ở đâu… Dù cho, mối quan hệ đôi khi mạnh hơn cả luân lý, pháp luật và rất điển hình cho kiểu “mối quan hệ sản sinh ra tiền, quyền” đang lộng hành không ít trong xã hội ta.

Người Nhật có câu: “Quan hệ tốt coi như đã hoàn thành tới 70% công việc”. Ngạn ngữ Anh cũng có câu tương tự: Hãy nói cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ nói cho anh biết anh là người thế nào). Khái niệm quan hệ mà người Nhật, người Anh nói chủ yếu là quan hệ giao tiếp, ứng xử, quan hệ hợp tác, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Nhưng ở Việt Nam hiện nay, cụm từ “quan hệ” chủ yếu nói về quan hệ thân quen, nhờ vả. Một người đi đường vi phạm luật lệ giao thông bị cảnh sát xử phạt, việc đầu tiên anh ta làm không phải là nhận lỗi và chấp hành mà là... gọi điện cho người thân.

Chỉ khi không có mối quan hệ thân quen nào hỗ trợ, anh ta mới phải dùng đến những biện pháp khác. Đi vào cơ quan hành chính, bệnh viện… nhìn thấy cảnh xếp hàng chen chúc, lập tức gọi điện cho lãnh đạo để được chen ngang… Sừng sộ, gây gổ ngoài đường cũng vênh vang “Mày biết tao là ai không?”...

Những câu chuyện này phản ánh một thực tế bất cập và một đặc điểm xấu xí trong tính cách của người Việt. Tất nhiên để thay đổi điều này là câu chuyện không thể một sớm một chiều. Nó trước tiên đòi hỏi tính nghiêm minh của pháp luật, tiếp đến là thái độ thượng tôn pháp luật của người thừa hành, đồng thời là sự tự trọng trong ứng xử của mỗi người.

Cũng theo TS Khuất Thu Hồng, việc dùng vị thế xã hội hay mối quan hệ thân quen để gây áp lực cho thấy, thực tế trong xử lý từng có sự nể nang, nương nhẹ, bỏ qua. Không thể để pháp luật hay các quy ước của chúng ta tồn tại ở một chuẩn mực kép. Tức là cùng một hành vi vi phạm nhưng với người này thì bị xử lý, với người khác lại không.

Việc thực thi pháp luật không nghiêm dẫn đến tình trạng coi thường pháp luật, bất chấp luân thường đạo lý. Muốn như vậy, luật pháp phải  thực sự nghiêm minh, thống nhất cách áp dụng với bất kỳ ai. Có như vậy, tâm lý ỷ thế, cậy quyền mới không còn đất để dung dưỡng. Để từ đó, thay đổi nhận thức xã hội và răn đe những người khác…

Và khi câu hỏi hù dọa “Mày biết tao là ai không? được bật ra, sẽ đồng nghĩa với một con người chưa đủ độ trưởng thành! Thay vì tự trọng, tự chịu trách nhiệm là sự “ăn hiếp”, như lũ trẻ vẫn thành lập hội nhóm để bắt nạt bạn yếu thế mà thôi!

Do đó, khi câu hỏi đó được bật ra, họ trở về đúng bản chất con người họ: sự hào nhoáng, tiền bạc, vị thế đã không thể đủ mua cho họ một phông văn hóa lịch thiệp, tôn trọng bản thân, tôn trọng con người…

Bởi bất kì là ai, làm bất cứ công việc nào, cao hay thấp, cũng cần được tôn trọng…

Mỗi con người đều có những giá trị riêng để làm nên cuộc sống này… 

Miên Thảo

 

 

Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC