Vì xấu hổ, vì danh dự quốc gia, đại diện Đại sứ quán Việt Nam phải chắp tay xin lỗi quan khách vì bị lấy hết đồ ăn.
Câu chuyện trên được ông Trương Văn Món, Giám đốc Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa Chăm kể.
Ông Món kể:
"Tôi từng ở Malaysia 3 năm và là thành viên trong ban bí thư chi bộ. Ở Malaysia, mỗi khi đến dịp lễ 2/9, Đại sứ quán Việt Nam tổ chức sự kiện rất lớn, có mời đại diện đại sứ quán các nước khác và người lao động Việt Nam ở nước ngoài tới dự. Chúng tôi được yêu cầu hỗ trợ tổ chức chương trình đón tiếp như chuẩn bị bàn ghế, đồ ăn tiếp khách.
Tiệc đứng tổ chức ngoài trời, lễ kỷ niệm tổ chức trong hội trường.
Buổi lễ sẽ rất hoàn hảo nếu người Việt có lòng tự trọng và có ý thức cao hơn.
Khi buổi lễ chưa kết thúc, trước bao nhiêu quan khách đã ào vào lấy thức ăn. Tạo ra một khung cảnh hỗn loạn vô cùng xấu hổ. Đến mức khách tham dự không còn gì ăn.
Lúc đó, vì xấu hổ, vì danh dự của một quốc gia, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại đây phải chắp tay xin lỗi quan khách vì bị cướp hết đồ ăn".
Cứ tưởng cảnh tượng trên chỉ diễn ra một lần, tuy nhiên nó lặp lại y như cũ và năm nào cũng vậy, ông nói.
"Đến năm sau, rút kinh nghiệm, chúng tôi tổ chức một nửa tiệc ngoài trời, một nửa trong hội trường. Nhưng tình hình cũng không cải thiện được bao nhiêu. Họ ăn hết ngoài trời lại xông vào hội trường, leo lên cả tầng hai cướp đồ ăn luôn. Không biết xấu hổ là gì. Ăn xong còn vứt rác bừa bãi, chỗ nào cũng vứt. Xấu xí vậy nhưng không cải thiện được", ông Món kể.
Hết chuyện tranh ăn, ông lại kể tiếp việc thiếu ý thức ở sân bay.
Theo ông, ở sân bay có những xe đẩy đồ dùng để đẩy đồ cho khách thì người Việt Nam lại lấy để đẩy người.
"Cứ 2-3 người ngồi lên một cái xe rồi đẩy nhau. Thật không thể hiểu nổi".
Điều đáng nói là ý thức nhận thức của người Việt Nam quá thấp, khi biết rõ những việc làm không đẹp, không đúng nhưng vì thói quen, vì lợi ích của mình nên cứ làm.
Theo ông, không phải người dân nước nào cũng hoàn hảo, cũng đều tốt có điều ở trong một đất nước mà pháp luật, kỷ cương được thiết lập chặt chẽ, người dân có ý thức vươn lên, thấy sai sẽ sửa.
Chứng minh cho lời nói của mình, ông Món kể lại câu chuyện của chính bản thân ông khi còn ở Malyasia.
Ông cho biết trong một lần đi công tác ở Malaysia, trong lúc đợi lên tàu ông được gặp lại người bạn là người Nhật Bản.
Người bạn Nhật của ông đã mua hoa quả, đồ ăn chuẩn bị cho lúc đợi tàu.
Do lâu ngày mới gặp lại, hai người bị cuốn vào câu chuyện và quên mất yêu cầu không được phép mang đồ ăn, hút thuốc khi ra đảo.
Ngay lập tức, cảnh sát Malaysia bước tới yêu cầu quay lại, xử phạt ngay.
"Không như Việt Nam, hút thuốc thoải mái, dù có cấm nhưng cũng chả phạt được ai. Ở đây rõ ràng là ý thức nhưng cũng còn phải do cơ chế quản lý. Không thể chỉ kêu gọi ý thức suông nữa", ông Món nói.
Nguồn: Báo Đất Việt