Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe... đắt tiền hơn.

Thấy người ta xây căn nhà mới, nếu sau đó nhà mình cũng xây thì luôn cố gắng làm to hơn một tí, cao hơn một tí... Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì.

Nhà văn Tạ Duy Anh tổng kết rằng, thói tự mãn, nói dối và đố kỵ là ba thứ khiến người Việt không thể lớn.

Trong đó, đố kỵ là bệnh nặng nhất của giới trí thức Việt, đồng thời cũng là bệnh nặng nhất của dân tộc.

Vì sao vậy?

Bệnh nặng nhất của giới trí thức

Nhà văn Tạ Duy Anh đau đáu khi bàn về tính đố kỵ của người Việt.

Ông bảo, với người Việt thì thói đố kỵ là "vô cùng kinh hoàng".

"Khi gặp một người nào đó, chỉ cần xác định 3 điều: Đố kỵ, háo danh, nói dối thì khẳng định luôn là ông không có tài.

Người có tài thì họ chỉ có một trong ba thứ đó thôi:

Nói dối thì có thể vì làm thế mới sống được, chấp nhận được; có tài thì làm gì người ta phải háo danh nữa, vì họ hiểu danh hay không sẽ chẳng thể liên quan đến việc anh có muốn hay không mà phải là do sự nỗ lực, cố gắng của bản thân mới "hữu xạ tự nhiên hương".

Nhưng đố kỵ là bệnh nặng nhất của giới trí thức Việt Nam, mà đã là giới trí thức thì đó cũng là bệnh của cả một dân tộc", ông khẳng định.

top 3 cung hoang dao hay bi nguoi doi ghen ghet do kiẢnh chỉ mang tính minh họa

Cũng theo nhà văn, đáng ra, người ta phải bài trừ những tính xấu này.

Đằng này xã hội lại tạo danh tiếng cho người ta háo danh hơn bằng đủ các thể loại giấy khen, bằng khen, chứng nhận gia đình văn hóa, làng xã văn hóa...

Nhà này thấy nhà kia đạt được danh hiệu thì cũng ấm ức trong lòng, quyết mua danh bằng được. Cứ thế mà thói đố kỵ đẩy lên.

Rồi chuyện hai nhà đang sống cạnh nhau thân thiết. Sau đó một nhà giàu có lên thì nhà kia sẽ không chơi nữa, nhưng nếu nhà giàu đó mà gặp chuyện tai ương thì nhà kia sẽ quay lại, chơi rất thật lòng.

Trong một tập thể thì không ai ngoi lên được hoặc có ngoi lên sẽ bị gièm pha, nhòm ngó. Lại có ông giám đốc phấn đấu cả đời mới lên được chức ấy thì tự cao tự đại, coi mình là nhất.

Những người không hợp phe cánh, phấn đấu mãi cũng chỉ làm cấp phó quay ra chống đối, cốt sao được ngoi lên cái chức vị ấy.

Ngay trong giới văn nghệ sĩ, nhiều người đạt được một giải thưởng nào đó thì tự đắc, coi mình tài giỏi lắm.

Người khác thì chậc lưỡi "nó viết có ra cái gì đâu, chẳng qua là ăn may thôi"...

"Thói đố kỵ ăn sâu đến nỗi nhiều khi tôi cũng giật mình xấu hổ vô cùng khi giả dụ thấy ai trúng vé số mấy tỷ, có một phần triệu giây trong ý nghĩ mong cho người ta bị vấn đề gì đó. Cực xấu hổ!", ông chia sẻ.

Đố kỵ vì không có tiêu chí về đạo đức, tài năng

Theo nhà văn Tạ Duy Anh, sở dĩ người Việt đố kỵ vì cộng đồng không có tiêu chí về đạo đức, tài năng. Đó là một cộng đồng trọng tuổi "sống lâu lên lão làng" hơn là trọng tài, thích được ve vuốt hơn là nói thật.

Tất cả những cái đó được tích tụ lại dẫn đến thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình.

"Trong một cộng đồng không biết tôn vinh thủ lĩnh thì nó sẽ kéo nhau xuống.

Có câu "chết cả đống còn hơn sống một mình" là nét khái quát nhất, thể hiện rõ nhất tính đố kỵ của người Việt.

Thấy người ta viết tác phẩm hay thì nói xấu hòng kéo thanh danh của họ.

Nhiều khi nói xấu chỉ để thỏa mãn bản thân chứ chẳng hại đến người ta, nhưng nó cũng cho thấy rõ ràng tính đố kỵ đã làm người ta không thể kiểm soát nổi mình", nhà văn Tạ Duy Anh nói.

Đố kỵ làm người Việt nhỏ nhen

Còn theo PGS.TS Ngô Văn Giá thì cái gốc của thói đố kỵ là cấu trúc xã hội đẳng cấp, trọng tiêu chí hơn - kém, đúng - sai hơn là biết nhìn ra điểm khác biệt, ưu thế của mỗi cá nhân.

Từ đó mà sinh ra so bì, đố kỵ, thóc mách, rất sợ người ta hơn mình và không muốn người ta hơn mình, không dám thừa nhận năng lực kém.

Còn ThS Trần Phương thì chỉ ra rằng, thói đố kỵ, so bì cũng có nguồn gốc "dây mơ rễ má" từ tính tò mò, tâm lý đám đông của người Việt.

Ông phân tích:

Người Việt hay để ý của nhau nên mới biết nhà kia có gì hay, có gì hơn của nhà mình. Nếu thấy người ta mua được con xe máy đắt tiền thì cũng cố để mua được con xe... đắt tiền hơn.

Thấy người ta xây căn nhà mới, nếu sau đó nhà mình cũng xây thì luôn cố gắng làm to hơn một tí, cao hơn một tí...

Ngược lại, nếu mình không được như nhà hàng xóm thì sinh ra ganh ghét, so bì, thậm chí còn viện lý do để an ủi bằng những suy nghĩ nhỏ nhen kiểu "chắc nó lại được bố mẹ, anh em cho", "chắc gì tiền để làm những thứ ấy là trong sạch", "trời không cho ai tất cả"...

Cũng theo ông Phương, chính vì văn hóa làng coi trọng tập thể hơn cá nhân; yếu tố "bản vị" coi cái gì của làng mình, của dòng họ, gia đình mình cũng là nhất nên khi thấy người khác hơn mình sẽ cảm thấy khó chịu.

Cứ thế, thói đố kỵ làm người Việt luôn phải nhìn nhau, đề phòng nhau, hơn thua nhau thay vì cùng san sẻ với nhau.

"Song có một điểm đáng chú ý là khi gặp thiên tai, ngoại xâm, tính đố kỵ dường như không còn chỗ nữa mà người Việt lại tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Đó là tính hai mặt của văn hóa làng", ông Phương bình luận.

Làm sao để người Việt bớt đố kỵ?

Thừa nhận đố kỵ, so bì cũng thuộc cơ chế tự vệ của con người, song theo GS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học thì cơ chế ấy ở mức độ nào, có thường xuyên xuất hiện hay không lại do môi trường xã hội chi phối.

Ông nói: Khi môi trường xã hội không an toàn thì cơ chế này xuất hiện thường xuyên.

Ngược lại, môi trường trong lành, mức sống của người dân ở đó được đảm bảo, con người có thể tồn tại dễ dàng, có thể kết bạn thì cơ chế ấy sẽ ít xuất hiện.

Điều đó lý giải cho việc vì sao người phương Tây rất cởi mở, ít so bì, đố kỵ nhau hơn người Việt Nam, người miền Nam ít đố kỵ hơn người miền Bắc, vì ở đó mức sống cao hơn, cơ chế sòng phẳng hơn, đánh giá con người thông qua năng lực tốt hơn.

Vì thế, để giảm bớt tính đố kỵ của người Việt, theo ông Nghị, cần phải xây dựng rõ ràng tiêu chí đánh giá con người.

Phải đánh giá bằng năng lực, có thang điểm cụ thể thay vì kiểu "sống lâu lên lão làng".

Phải khắc phục bằng thiết chế, thể chế, giáo dục.

Tuy nhiên, nói đến sự đổi mới của giáo dục nhằm hạn chế tính đố kỵ, nhà văn Tạ Duy Anh tỏ ra khá bi quan khi cho rằng, ngay trong giáo dục cũng đang tồn tại háo danh thông qua những bằng khen, giấy khen, phiếu bé ngoan, thầy cô giáo nhận tiền của phụ huynh để sửa điểm cho học sinh... thì thật khó để nghĩ đến sự thay đổi.

Bên cạnh đó, giới trí thức - những người "dẫn đường chỉ lối" cho xã hội cũng mắc phải căn bệnh đố kỵ thì dường như, để hạn chế tính đố kỵ của người Việt vẫn còn là ước muốn khá xa vời.

Song, "dù gì cũng cần phải làm một cái gì đó, trước hết và căn bản vẫn phải từ giáo dục", ông nói.

 

"Người Việt có câu "thà chết cả đống còn hơn sống một mình" là câu cô đúc nhất về thói đố kỵ, không muốn ai hơn mình mà chỉ muốn kéo mọi người xuống ngang bằng với mình.

Đó chính là nguyên do của việc Việt Nam bị chậm phát triển.

Tất nhiên, ở một góc độ nào đó, tính đố kỵ làm cho con người ta có động lực để phấn đấu, cố cho bằng bạn bằng bè. Song về cơ bản nó vẫn kìm hãm sự phát triển, không thúc đẩy được sự sáng tạo cá nhân" PGS.TS Ngô Văn Giá

 

Nguồn: KIẾN THỨC




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC