Tính đại khái, sự nửa vời và tinh thần vô trách nhiệm đã trở thành phổ biến trong xã hội. Để lâu ngày, nó trở thành căn bệnh trầm kha và tạo thành nhân cách của con người.
Sự nửa vời không làm chết ai ngay lập tức nhưng nó tạo ra các sản phẩm không hoàn thiện, làm xã hội xộc xệch, luật pháp tùy tiện và ngăn cản sự phát triển.
Ảnh: Internet
Bất cứ ai khi qua các con đường đang sửa cũng phải khó chịu vì bụi và vì những đoạn đường gồ ghề rất khó đi. Các nhà thầu chỉ cần lấy máy ủi có sẵn gạt bằng và phun nước, họ có thể tạo ra một cảm giác dễ chịu và được tôn trọng hơn rất nhiều cho người đi đường.
Ngay như nước láng giềng Cambodia khi sửa chữa sân bay, bạn có thể thấy bạt được che cẩn thận và dòng chữ “xin lỗi vì đã làm phiền” bằng tiếng Anh đặt trang trọng nơi dễ nhìn. Còn ở Việt Nam, những người thi công chỉ lo công việc của họ. Những khó khăn mà những người xung quanh phải chịu như là lẽ tất nhiên.
Chính vì vậy mà có những con đường đau khổ nhiều năm mọi người phải chịu mà không nhận được một lời xin lỗi, những công trình đang xây trở thành nỗi kinh hoàng của cộng đồng mà không mảy may áy náy.
Những hàng cây bên đường, trong công viên sau khi trồng bỗng dưng chết khô. Khi đào lên mới thấy người trồng cây không bóc lớp ni lông bọc gốc cho cây. Có lẽ, những cây xanh kia đã phải chịu khát, chịu ngạt với cảm giác tương tự một con người bị chụp một bao ni lông lên đầu đến khi tắc thở. Nhưng với những người trồng cây kia, họ vô tâm hay họ vô trách nhiệm nên chỉ đào hố và lấp đất. Vì sự dối trá và cẩu thả được che đậy dưới lớp đất kia nên mầm cây đã bị chết. Không đòi hỏi những người làm công việc này phải yêu cây, coi cây như những sinh linh sống. Chỉ cần họ làm đúng quy trình kỹ thuật như trách nhiệm của mình thì những cái cây kia không bị ngạt mà chết khô, và tiền của không bị lãng phí.
Trong những trận chung kết bóng đá nảy lửa, sự hò hét cổ vũ của khán giả Việt cho hai đội thể hiện sự đam mê và cuồng nhiệt cho môn thể thao vua.
Tuy nhiên, trọng tài chưa kịp tuýt còn kết thúc trận đấu, một nửa sân đã vội vã ra về bỏ mặc nhà vô địch nhận cúp. Các cổ động viên quan tâm đến sự dễ dàng cho mình hơn là tôn trọng những cống hiến hết mình của cầu thủ. Chứng kiến sự tôn trọng của khán giả Mỹ ở lại sân tennis , hay khán giả Anh reo hò chúc mừng đội bóng lên nhận cúp thì thấy tủi thân cho các nhà vô địch Việt Nam.
Sau khi reo hò, thăng hoa và sung sướng họ đã vội vã bỏ rơi chính các thần tượng của mình ngay trên sân cỏ với chiếc cúp lạnh lẽo trên tay!
Khi cây xăng ở giữa Hà Nội cháy nhà quản lý mới tá hỏa hét toáng lên là cây xăng không nằm trong quy hoạch, không có giấy phép kinh doanh.
Một cây xăng nằm ngay trung tâm thành phố, người xe tấp lập ra vào mà nhà quản lý chỉ biết khi nó bốc cháy thì quả là “con voi chui lọt lỗ kim”. Khi hàng chục người bị ngộ độc vì ăn bánh mì ở Bình Dương phải vào viện cấp cứu, khi đó cơ quan quản lý mới phanh phui ra là giấy phép kinh doanh đã hết hạn, quy trình bảo quản và chế biến thực phẩm không đúng quy cách. Và họ vội vàng phạt tiệm bánh, coi như đã hoàn thành trách nhiệm của mình.
Trong tất cả những câu chuyện tương tự như hai câu chuyện này, nhà quản lý luôn vô can và họ chỉ xuất hiện khi việc đã rồi, viết biên lai phạt, và thu tiền.
Đây là những ví dụ rất đời thường để thấy rằng tính đại khái, sự nửa vời và tinh thần vô trách nhiệm đã trở thành phổ biến trong xã hội.
Để lâu ngày, nó trở thành căn bệnh trầm kha và tạo thành nhân cách của con người.
Sự nửa vời không làm chết ai ngay lập tức nhưng nó tạo ra các sản phẩm không hoàn thiện, làm xã hội xộc xệch, luật pháp tùy tiện và ngăn cản sự phát triển.
Sự nửa vời cũng dễ làm người ta hài lòng với những cái gì mình có, tự biện minh cho những yếu kém và ngại thay đổi.
Trong chính trị, nó dễ dẫn đến những thỏa hiệp trong cải cách, ngay cả trên những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Có lẽ, chỉ khi Việt Nam đối mặt với nạn đói thì người dân mới được tự sản xuất trên mảnh đất của mình, và hình thành công cuộc đổi mới năm 1986.
Những vấn đề nghiêm trọng nhất của đất như khiếu kiện kéo dài và tranh chấp xảy ra liên quan đến việc thu hồi, đền bù và sử dụng đất đai vì chúng ta chưa thừa nhận quyền con người trong sở hữu tài sản đất đai. Đó là tham nhũng và lợi ích nhóm, vì chúng ta chưa có hệ thống giám sát quyền lực giữa ba nhánh quyền lực nhà nước và vai trò độc lập của xã hội dân sự.
Có lẽ, người Việt nổi tiếng vì cái sự “lười” đi khám bệnh định kỳ để phát hiện bệnh tật sớm còn chữa trị.
Thậm chí, nhiều người biết mình có bệnh nhưng vẫn lần nữa không muốn chữa vì hy vọng “mọi sự sẽ ok thôi, rồi bệnh sẽ tự khỏi”. Tiếc rằng, khi bệnh quá nặng vội vàng vào viện thì đã quá muộn, nếu chữa được thì cũng để lại di chứng lâu dài.
Có vẻ, tính cách này đang được thể hiện trong mọi mặt đời sống gia đình, kinh tế, xã hội và chính trị của nước ta.
Mỗi người không cần làm hơn, chỉ cần làm đúng và đủ trách nhiệm, khi đó chắc chắn thay đổi sẽ đến thần kỳ. Hãy dậy con trẻ làm “đến nơi đến chốn” vì đó chính là một kỹ năng, một tính cách và một đạo đức của một con người.
Nó sẽ giúp trẻ hình thành nhân cách, một nhân cách có trách nhiệm, không nửa vời và không đại khái với bản thân mình và với những người xung quanh!
Nguồn: Thái Tuấn/Dienngon