Qua câu chuyện của "nhà báo quốc tế" về thăm trường cũ với cái baner treo đủ các chức danh, học vị của nhà báo kia khiến nhiều người choáng váng và cho rằng nó chứng minh do bệnh háo danh của không ít người Việt.

42 1 Tu Vu Nha Bao Quoc Te Gs Nguyen Van Tuan Chi Ra 6 Ly Do Chung Minh Su Hao Danh

Ông Lê Hoàng Anh Tuấn xưng danh 'nhà báo quốc tế'

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – sống tại Úc (giáo sư khoa Y thuộc Đại học New South Wales) cho biết chỉ cần nhìn cái baner treo khi về thăm trường cũ dường như thể hiện một triệu chứng xã hội mới của không ít người đó là: Háo danh.

Theo GS Tuấn ban đầu ông nghĩ chỉ bên y khoa có hiện tượng háo danh nhưng giờ đây nó là hiện tượng xã hội.

Khó biết rõ động cơ đằng sau dùng danh xưng và phẩm hàm, nhưng có thể đặt ra vài giả thuyết. 

Giáo sư Tuấn đặt ra những giả thuyết có thể nghĩ tới về bệnh hám danh xưng có thể tóm tắt như sau: 

Thứ nhất, nuôi nấng niềm kiêu hãnh. 

Danh xưng thường có xu hướng bơm phồng “cái tôi” của một cá nhân, và do đó làm cho cá nhân đó tự đánh giá cao chính mình hơn là thực tế.

Bà Jill Biden, vợ phó tổng thống Mĩ Joe Biden, từng phàn nàn rằng bà rất “bệnh” khi nhận email và thư gửi đến gia đình với dòng chữ “Sen. and Mrs Biden” (Thượng nghị sĩ và Bà Biden). Bà muốn được danh xưng là “Sen. and Dr. Biden”, và thế là bà đi học đế lấy bằng tiến sĩ Anh văn.

Sau 4 năm nghiên cứu, bà được trao bằng tiến sĩ ở tuổi 55. Câu chuyện bà Biden sính danh là đề tài đàm tiếu của giới báo chí Mĩ hồi đầu năm nay.

Thứ hai, tự quảng cáo.

Thật ra, một số người sử dụng danh xưng "Tiến sĩ" hay "Giáo sư" nhắm mục đích tăng giá trị, trọng lượng của ý kiến của họ. Trong thực tế, công chúng cũng có khuynh hướng xem ý kiến của một “Giáo sư tiến sĩ” có giá trị cao hơn ý kiến của một … nông dân. Bởi vì đánh giá cao ý kiến của những vị này, nên ít ai dám chất vấn hay phản bác lại ý kiến của họ.

Nhưng không có bất cứ một lí do nào để xem ý kiến của một vị giáo sư hay tiến sĩ có giá trị hơn ý kiến của một nông dân; vấn đề là logic và bằng chứng, vì hai khía cạnh này mới chính là thước đo giá trị của ý kiến.

Thứ ba, muốn được người khác kính trọng. 

Đây là biện minh (hay lí lẽ) của những người chức sắc tôn giáo, vì họ cho rằng họ cần những “Thượng tọa”, “Hòa thượng”, “Linh mục”, “Mục sư”, v.v… để tín đồ tỏ lòng kính trọng họ.

Thế nhưng tôi lại nghĩ các Phật tử hay tín đồ Công giáo vẫn có thể gọi “thầy” và “cha” mà đâu có tỏ ra thiếu kính trọng gì đâu!

Thứ tư, gây chú ý. 

Người sử dụng danh xưng ngầm nói cho người khác rằng họ là người quan trọng và đáng được kính trọng. Mặc dù họ không bao giờ thú nhận ý đồ ngầm này, nhưng nghiên cứu tâm lí cho chúng ta biết động cơ sử dụng danh xưng là để gây chú ý như ca sĩ thích làm trò khác lạ để thu hút khán giả.

Thứ năm, khao khát quyền lực. 

Một nghiên cứu ở Mexico cho thấy rất nhiều chính trị gia không có văn bằng tiến sĩ nhưng họ vẫn tìm cách mua danh xưng “Dr” bằng cách tranh thủ hay vận động để được một đại học nào đó cấp cho bằng “tiến sĩ danh dự” (honorary doctor).

Với danh xưng này, họ rất dễ thu hút cảm tình của cử tri và có cơ may đắc cử hơn những người không có danh xưng.

Thứ sáu, tỏ thái độ kẻ cả. 

Những người này thường tự tô son điểm phấn cho mình bằng cách “tiêm” vào mình những danh xưng thật kêu và thật ấn tượng và bắt đầu nhiễm thói kiêu ngạo xem thiên hạ như dưới tay mình.

Theo GS Tuấn, tất cả 6 giả thuyết trên đều có chung một mẫu số: muốn làm người có học và thể hiện tư cách lãnh đạo. Nhưng có 3 hạng có học:

  • hạng 1 là những người hiểu mình, hiểu người;
  • hạng 2 là những người cảm nhận những gì người khác hiểu;
  • và hạng 3 là những người không tự hiểu mình mà cũng chẳng nhận thức được kẻ khác.

Hạng thứ nhất là xuất sắc, hạng thứ hai là tốt, và hạng thứ ba là vô dụng. Người dùng danh xưng thái quá thuộc vào hạng 3 vì họ không hiểu mình và chẳng hiểu người khác.

Người háo danh thích được xem là lãnh đạo. Nhưng ai cũng biết rằng lãnh đạo không phải là danh xưng hay tước hàm. Đặc điểm của lãnh đạo là tác động, ảnh hưởng, và truyền cảm hứng.

Tác động qua hiệu quả của việc làm. Ảnh hưởng là lan tỏa lí tưởng và đam mê. Truyền cảm hứng qua việc làm thực tế và giá trị của việc làm nhằm khơi dậy tiềm năng của mọi người. Danh xưng không thể gây được tác động, ảnh hưởng hay cảm hứng.

Núp đằng sau những danh xưng để tạo ra sự tự tin thực ra là thiếu tự tin.

 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn​

sống tại Úc (giáo sư khoa Y thuộc Đại học New South Wales)




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC