Tư vấn Pháp luật về việc kết hôn với chồng người Đức có được ở lại Đức khi ly dị hay không
Tôi là người Việt, kết hôn với chồng người Đức. Giấy Aufenthalt của tôi đến tháng 9 năm 2011 thì hết hạn 2 năm.
Tôi đã thi có bằng B1 tiếng Đức, có bảo hiểm y tế.
Tôi về Việt Nam học nghề massage 10 tuần, chồng tôi có bay sang Việt Nam thăm tôi 2 tuần. Nhưng giờ tôi học xong chuẩn bị bay về Đức thì chồng tôi yêu cầu tôi phải ở lại Việt Nam sống, vì anh không còn yêu tôi nữa, giờ đang quen với người phụ nữ Đức khác vì thế anh muốn ly dị tôi.
Trước khi cưới chúng tôi có làm hợp đồng hôn nhân rằng nếu ly hôn tôi sẽ không nhận và đòi hỏi tài sản của anh. Hợp đồng này có công chứng và luật sư, phiên dịch sang tiếng Việt.
Vậy cho tôi hỏi:
Tôi bay về Đức và đến sở ngoại kiều gia hạn Aufenthalt được không? Chồng tôi không muốn đi với tôi đến đăng ký Aufenthalt thì cá nhân tôi đến có được sở ngoại kiều gia hạn thêm thời gian cư trú được bao lâu?
Việc anh có người phụ nữ khác thì có được xem là ngoại tình không, người phụ nữ đó và anh có phạm tôi ngoại tình? Anh có ghi Email thừa nhận mối quan hệ này thì có được xem là bằng chứng ngoại tình hay không?
Xin cám ơn
Trả lời:
Chiểu theo điều 31 phần 1 luật cư trú – Quyền cư trú độc lập của vợ chồng sửa đổi và bổ sung có hiệu lực từ 01.07.2011 ghi rõ: giấy phép lưu trú của vợ hoặc chồng là người nước ngoài sang Đức đoàn tụ, trong trường hợp không còn chung sống với nhau được gia hạn 1 năm như là quyền lưu trú độc lập không phụ thuộc vào mục đích đoàn tụ ban đầu nếu cuộc sống vợ chồng đã tồn tại hợp pháp ở Đức ít nhất được 3 năm (trước đây là 2 năm).
Chiểu theo quy định trên chị không còn lý do cư trú tại Đức nữa. Chị sẽ phải về nước, khi chồng chị báo ly thân thì chị ra sở ngoại kiều chị sẽ bị thu hồi giấy phép cư trú và được cấp giấy tạm dung (Duldung).
Họ yêu cầu chị trong vòng 1 tháng phải rời khỏi nước Đức.
Vì chồng chị là người Đức, nên muốn ly hôn phải ly thân 1 năm. Thủ tục đệ đơn ly hôn sẽ phải được luật sư của chị tiến hành. Trong trường hợp chị không đồng ý ly dị thì sau 3 năm toà án sẽ quyết định cho ly dị.
Các thủ tục ly dị và chi phí chúng tôi đã tư vấn trên các số báo trước.
Bắt buộc chị phải có luật sư để tiến hành thủ tục ly dị. Vì chị có hợp đồng hôn thú nên toà án sẽ căn cứ vào đó để xử. Riêng tiền bảo trợ (Unterhaltsgeld) chị sẽ nói với luật sư để phân giải trước toà.
Còn ngoại tình ở Đức không được xem là phạm tội mặc dù chị có đủ bằng chứng. Nếu vợ chồng không ở được với nhau thì chia tay, đó là lý do để ly hôn chứ không thể tố tụng đưa ra toà được.
Chuyên gia tư vấn: Bùi Quang Huy - TUẦN TIN TỨC