Thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được pháp luật quy định như sau.
Ba năm trước, sau lễ kết hôn ở Đại sứ quán Việt Nam tại Đức, tôi làm đơn thôi quốc tịch và hiện là công dân Đức. Tôi đang muốn ly hôn, vậy giải quyết theo luật của nước nào?
Trả lời:
Theo luật quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là:
- quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- giữa các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài.
Theo Điều 127 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, thẩm quyền giải quyết ly hôn có yếu tố nước ngoài được quy định như sau:
1. Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này.
2. Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
3. Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Như vậy, với quy định trên, trường hợp vợ chồng bạn đang thường trú ở Việt Nam thì có thể yêu cầu tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi thường trú giải quyết việc ly hôn. Trường hợp này áp dụng luật của Việt Nam.
Hồ sơ xúc tiến ly hôn tại tòa án Việt Nam gồm:
- Đơn xin ly hôn
- Bản chính Giấy chứng nhận kết hôn
- Bản dịch Hộ chiếu của người nộp đơn
- Bản dịch Giấy khai sinh
- Bản sao thẻ thường trú do Việt Nam cấp
- Bản sao Giấy chứng nhận sở hữu tài sản đối với tài sản ở Việt Nam (nếu có)
- Các giấy tờ, tài liệu khác mà người nộp đơn thấy cần thiết để tòa án có căn cứ giải quyết vụ việc.
Lưu ý:
Với giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để sử dụng giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình trước hết phải được hợp pháp hoá lãnh sự. Sau khi đã hợp pháp hóa lãnh sự thì đương sự tiến hành việc dịch tài liệu theo quy định.
Trường hợp vợ chồng bạn đều đang thường trú ở Đức thì tòa án có thẩm quyền của Đức sẽ là cơ quan giải quyết vụ việc. Để xác định được luật áp dụng cần căn cứ pháp luật tố tụng của nước sở tại. Bạn cần tìm hiểu và tuân thủ pháp luật của Đức về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xin ly hôn.
Luật sư Vũ Tiến Vinh
Công ty luật Bảo An, Hà Nội
Nguồn: VnExpress.