Hỏi: Năm 1977 bố đẻ của tôi là Pham Quoc Phu, có một nhà và cửa hàng mang tên Đông Kinh tại số 195 Trần Quốc Toàn cũ, nay là Đại lộ 3-2, quận 10, TPHCM, chuyên bán bánh, kẹo, trà… và phục vụ dịch vụ cưới hỏi. Do hoàn cảnh, năm 1979, gia đình tôi ra nước ngoài và định cư tại Đức. Nay bố tôi đã già yếu, muốn trở về và chết tại quê hương nên muốn xin lại căn nhà nói trên thì có được không? Nếu được, cần phải có những thủ tục, giấy tờ gì? Làm ở đâu? Xin cho biết địa chỉ các cơ quan chuyên trách giải quyết vấn đề này. Xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Quyền lấy lại nhà:
Theo Nghị quyết số 23/2003/QH11 của Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam ngày 26/11/2003 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/07/1991, tại Điều 1 quy định: «Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất đã ban hành trước ngày 01 tháng 7 năm 1991. Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất».
Cũng tại văn bản này, Khoản 6 Điều 2 quy định: «Nhà nước hoàn thành thủ tục pháp lý về sở hữu toàn dân đối với các loại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất của những người di tản, chuyển vùng hoặc ra nước ngoài».
Áp dụng quy định trên đây đối với trường hợp ông (bà) nêu thì: nếu nhà và đất của bố ông (bà) thuộc trường hợp đã được Nhà nước Việt Nam có văn bản quản lý, bố trí sử dụng khi thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa thì nay Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất này.
Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 4, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 02/04/2005 quy định về việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo XHCN trước ngày 01/07/1991 thì nếu nhà và đất của bố ông (bà) thuộc trường hợp: «Nhà đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 (nêu ở phần trên) nhưng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (01/07/2004), cơ quan nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không thực hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây. Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật».
Trong trường hợp này, nhà của bố ông (bà) sẽ được giải quyết theo quy định tại Điều 5, 9 và 23 của Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH 11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 27/07/2006 về giao dịch dân sự về nhà ở được xác lập trước ngày 01/07/1991 có người Việt Nam định cư ở nước ngoài tham gia, cụ thể như sau:
Nhà và đất nêu trên sẽ được lấy lại khi có đủ các điều kiện thuộc một trong các trường hợp sau: 1) Nhà này đang cho người khác thuê nhà ở; 2) Nhà đang cho người khác mượn, ở nhờ; 3) Nhà ở có Uỷ quyền quản lý giữa cá nhân với cá nhân.
1) Nhà đang cho người khác thuê:
Trường hợp thời hạn thuê nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày 01/09/2006 thì bên cho thuê và bên thuê nhà ở có thể thoả thuận việc tiếp tục thuê nhà ở; nếu thoả thuận được thì các bên phải ký kết hợp đồng thuê nhà ở theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2005; nếu không thoả thuận được thì được giải quyết như sau:
Bên thuê đã có chỗ ở khác thông qua các hình thức mua nhà ở, xây dựng nhà ở, thuê nhà ở khác hoặc được thừa kế nhà ở, được tặng cho nhà ở, được Nhà nước giao đất để xây dựng nhà ở hoặc bên cho thuê đã tự nguyện tạo điều kiện cho bên thuê có chỗ ở khác thì bên cho thuê được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất sáu tháng; Trường hợp bên thuê không có chỗ ở thì bên cho thuê vẫn được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên thuê biết trước ít nhất mười hai tháng.
2) Nhà đang cho người khác mượn, ở nhờ:
Trường hợp thời hạn cho mượn, cho ở nhờ nhà ở theo hợp đồng đã hết trước ngày 01/09/2006 thì bên cho mượn, bên cho ở nhờ nhà ở được lấy lại nhà ở, trừ trường hợp có thoả thuận khác nhưng phải thông báo bằng văn bản cho bên mượn, bên ở nhờ nhà ở biết trước ít nhất sáu tháng.
3) Nhà ở có Ủy quyền quản lý giữa cá nhân với cá nhân:
- Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã uỷ quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu thời hạn uỷ quyền đã hết trước ngày 01/09/2006 thì bên uỷ quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất sáu tháng.
- Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã uỷ quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu đến ngày 01/09/2006 mà thời hạn uỷ quyền vẫn còn thì chủ sở hữu được lấy lại nhà ở, kể từ ngày hết thời hạn uỷ quyền nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất sáu tháng.
- Trường hợp trước khi xuất cảnh, chủ sở hữu nhà ở đã uỷ quyền cho người khác thường trú tại Việt Nam quản lý, nếu thời hạn uỷ quyền không xác định thì bên uỷ quyền được lấy lại nhà ở nhưng phải thông báo bằng văn bản cho người đang quản lý, sử dụng nhà ở đó biết trước ít nhất mười hai tháng.
Thủ tục lấy lại nhà:
Theo Điều 38 của Nghị quyết số 1037/2006/NQ-UBTVQH 11 thì thủ tục xác lập quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp được lấy lại nhà ở cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, mua bán, đổi, thừa kế, đối với uỷ quyền quản lý nhà ở giữa cá nhân với cá nhân được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Đề nghị ông (bà) xem Điều 127, 128 và 130 của Luật Nhà ở số 56/2005/QH11 của Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam ngày 29/11/2005 để biết thêm chi tiết.