Câu hỏi:
Chúng tôi hiện đang định cư tại Đức, chúng tôi có một thắc mắc muốn được tư vấn về nhà cửa ở Việt Nam như sau : Năm 2009 chúng tôi có mua lại căn nhà của bố mẹ chồng tôi.
Trước đó chúng tôi cũng đã có một căn nhà khác đã được cấp sổ đỏ mang tên hai vợ chồng tôi. Căn nhà vợ chồng tôi mua năm 2009 thì chỉ đứng tên một mình chồng tôi. Hiện nay tôi đã nhập quốc tịch Đức, còn chồng tôi hiện đang trong thời gian chờ đợi để nhập quốc tịch Đức. Vậy khi cả hai vợ chồng tôi đã nhập xong quốc tịch Đức và không còn là người Việt Nam nữa thì cả 2 căn nhà chúng tôi đã mua trước đây có phải sang tên cho người khác hay không ? Khi chúng tôi đã trở thành người Đức thì có ảnh hưởng gì đến quyền lợi của chúng tôi đối với 2 căn nhà ở Việt Nam không ? Kính mong chuyên mục giải đáp giúp tôi.
Trả lời:
Trường hợp vợ chồng bạn thôi quốc tịch Việt Nam và nhập tịch Đức thì vợ chồng bạn sẽ trở thành công dân nước ngoài.
Theo quy định tại khoản 1 điều 766 Bộ luật dân sự 2005, việc xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt quyền sở hữu tài sản trong trường hợp có yếu tố nước ngoài sẽ được xác định theo pháp luật của nước nơi có tài sản. Như vậy, khi thôi quốc tịch Việt Nam, quyền sở hữu tài sản của bạn sẽ được điều chỉnh theo pháp luật Việt Nam.
Theo Luật quốc tịch Việt Nam 2008 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành, không có quy định về hậu quả pháp lý của việc thôi quốc tịch Việt Nam là sự chấm dứt quyền sở hữu đối với tài sản ở Việt Nam, kể cả đối với bất động sản. Theo đó, khi thôi quốc tịch Việt Nam, vợ chồng bạn không bị chấm dứt quyền sở hữu đối với 2 căn nhà mà vợ chồng bạn hiện đang đứng tên sở hữu.Vì vậy, vợ chồng bạn không nhất thiết phải sang tên cho người khác khi thôi quốc tịch Việt Nam.
Tuy nhiên, khi trở thành người nước ngoài, bạn sẽ bị hạn chế quyền sở hữu trong trường hợp nhận chuyển nhượng mới đối với quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại Luật sửa đổi bổ sung điều 126 Luật nhà ở và điều 121 Luật đất đai. Trường hợp được tặng cho hoặc được thừa kế quyền sở hữu nhà ở thì bạn chỉ được hưởng phần giá trị của quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Như vậy, hai căn nhà là tài sản thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bạn, vợ chồng bạn sẽ không bị hạn chế quyền lợi gì đối với hai căn nhà đó, theo đó bạn vẫn có quyền được chiếm hữu, sử dụng và định đoạt đối với tài sản này.
Theo DiaOcOnline.