Hỏi:

Trước đây, tôi có nhờ mẹ tôi mua và đứng tên hộ một mảnh đất (vì Việt kiều không thể đứng tên được). Nhưng tôi cũng sợ khi mẹ qua đời thì sẽ bị anh em tranh chấp, nên định nhờ người bạn đứng tên dùm, sau đó nhờ người bạn này làm Giấy Thiếu Nợ tôi, đến tháng 11/2014 nếu không hoàn trả số nợ thì tôi sẽ lấy mảnh đất này để trừ nợ. Như vậy có được không? Nếu được thì làm giấy tờ này như thế nào?

Trả lời:

Việc nhờ người bạn của ông (bà) đứng tên dùm trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất và hình thức lập Giấy Thiếu nợ của ông (bà) nêu trên là trái với các quy định của pháp luật Việt Nam trong giao dịch bất động sản.

Hơn nữa, giao dịch này rất có thể sẽ bị vô hiệu, vì bị coi là giả tạo (Điều 129 Bộ Luật Dân sự). Sẽ có nhiều rủi ro xẩy ra khi ông (bà) thực hiện giao dịch trên đây mang tính chất che giấu cho một giao dịch khác. Chẳng hạn, sau khi đứng tên trên mảnh đất, bạn của ông (bà) sẽ có quyền định đoạt đối với mảnh đất này, như chuyển nhượng, cầm cố, thế chấp… Hoặc, việc lập Giấy Thiếu nợ, cũng chỉ xác định được một khoản nợ nhất định giữa ông (bà) và người bạn, nhưng đến thời điểm (11/2014) giá trị của mảnh đất sẽ tăng lên nhiều, đến lúc này ông (bà) cũng chỉ nhận được khoản tiền theo nội dung của Giấy Thiếu nợ (nếu Giấy Thiếu nợ được coi là hợp pháp).

Đối với trường hợp ông (bà) nêu, sẽ có 02 hình thức để thực hiện việc giao dịch về đất đai như sau:

+ Trường hợp ông (bà) chưa có ý định về Việt Nam nhưng muốn giữ đất:

Mẹ của ông (bà) đứng tên trên giấy tờ về đất, sau đó cụ sẽ viết di chúc để lại toàn bộ mảnh đất cho ông (bà) hưởng thừa kế (Điều 13 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP của Chính phủ). Sau khi được nhận thừa kế, nếu ông (bà) chưa có ý định về Việt Nam, nhưng vẫn muốn giữ mảnh đất thì có thể lập văn bản ủy quyền cho một người nào đó quản lý mảnh đất này (văn bản ủy quyền phải được hợp pháp hóa lãnh sự).

Đến thời điểm, ông (bà) có nhu cầu về Việt Nam sống ổn định lâu dài thì sẽ thực hiện thủ tục đăng ký cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật (Khoản 1, Điều 121 Luật Đất đai).

+ Trường hợp, ông (bà) có dự định sắp về Việt Nam sinh sống:

Mẹ của ông (bà) sẽ lập Hợp đồng tặng cho ông (bà) mảnh đất này. Tuy nhiên, phải lưu ý rằng, nếu ông (bà) là bên được tặng/cho thuộc đối tượng có nhu cầu về Việt Nam sinh sống lâu dài; về đầu tư lâu dài có nhu cầu nhà ở tại Việt Nam; có công đóng góp với đất nước… (Khoản 1, Điều 121 Luật Đất đai) thì sẽ được đứng tên trên giấy tờ về đất đai. Nếu ông (bà) không thuộc đối tượng này, thì sẽ ủy quyền cho một người khác quản lý mảnh đất đó, khi có đủ điều kiện được đứng tên trên mảnh đất thì ông (bà) sẽ thực hiện thủ tục đăng ký sang tên mình trên Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC