Việc bố mẹ bạn nói nhiều lần trước mặt cả gia đình sẽ cho bạn toàn bộ mảnh đất khi họ còn sống không được coi là căn cứ để xác lập quyền sở hữu cho bạn.
Theo Điều 467 Bộ luật dân sự, việc tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký quyền sở hữu. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Bên cạnh đó, Điều 129 Luật Đất đai cũng quy định, văn bản cam kết tặng cho hoặc hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất hoặc chứng nhận của công chứng nhà nước.
Ngoài ra, khoản 4 Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật Đất đai còn quy định: hợp đồng hoặc văn bản tặng cho quyền sử dụng đất… có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Theo các quy định nói trên, nguyện vọng của bố mẹ bạn muốn tặng cho bạn mảnh đất nói trên chỉ được pháp luật công nhận khi nguyện vọng đó được lập thành văn bản (hợp đồng tặng cho hoặc văn bản tặng cho) có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có mảnh đất hoặc được công chứng và phải đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, việc bố mẹ bạn nói nhiều lần trước mặt cả gia đình là sẽ cho bạn toàn bộ mảnh đất nói trên khi còn sống không được coi là căn cứ để xác lập quyền sở hữu cho bạn. Do đó, mảnh đất đó được coi là di sản thừa kế của bố mẹ bạn để lại. Trong trường hợp này, nếu bố mẹ bạn có di chúc thì di sản sẽ được phân chia theo di chúc; nếu bố mẹ bạn không để lại di chúc thì di sản thừa kế sẽ được chia đều cho 4 anh em bạn.
Đối với các mảnh đất và nhà mà bố mẹ bạn bỏ tiền xây dựng cho các anh trai của bạn trước đây cần phải xem xét việc tặng cho giữa bố mẹ bạn và các anh trai bạn được thực hiện như thế nào? Việc tặng cho có thể thể hiện ở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cấp cho những người anh của bạn.
Nếu nhà đất đã đứng tên các anh bạn, đó là tài sản riêng của các anh bạn, không thể đem phân chia cho các đồng thừa kế khác. Trong trường hợp nhà đất vẫn mang tên bố mẹ bạn, nhà đất đó là di sản thừa kế của bố mẹ bạn; những nhà đất này sẽ được gộp chung vào với mảnh đất bạn đang ở để chia cho các đồng thừa kế.
Thạc sĩ, Luật sư Phạm Thanh Bình
Theo VNE.