Nhà tôi do cha mẹ để lại, tôi là người đại diện thừa kế khai nhận. Gần đây, vợ của người em (đã mất sau mẹ tôi) gửi đơn kiện đòi phần thừa kế của em tôi.

1 Toi O Nha Cha Me De Lai Da Lau Gio Em Dau Doi Chia Thua Ke

Tôi ở nhà cha mẹ để lại đã lâu, giờ em dâu đòi chia thừa kế - Ảnh minh họa: NGỌC THÀNH

Cha mẹ tôi mất không để lại di chúc. Cha tôi mất năm 1970, mẹ mất năm 1985. Từ khi mẹ mất, tôi sống trong căn nhà do cha mẹ để lại, nhiều lần sửa chữa, thờ cúng cha mẹ. 

Gần đây, vợ của một người em (đã mất sau mẹ tôi) gửi đơn kiện phần thừa kế của em tôi. 

Việc này có đúng quy định pháp luật không khi tôi đã sử dụng nhà suốt thời gian rất lâu rồi? 

Một bạn đọc ở Nguyễn Kiệm, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM

Luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) tư vấn:

Căn cứ Bộ luật Dân sự 2015:

1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản kể từ thời điểm mở thừa kế. 

Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại điều 236 của bộ luật này.

b) Di sản thuộc về Nhà nước nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

2. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ khi mở thừa kế.

3. Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Căn cứ thông tin bạn cung cấp thì cụ ông mất năm 1970, cụ bà mất năm 1985. Như thế thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản đối với bất động sản đã hết, di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

Tuy nhiên, điều 156 Bộ luật Dân sự 2015 về thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự quy định:

Thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, thời hiệu yêu cầu giải quyết việc dân sự là khoảng thời gian xảy ra một trong các sự kiện sau đây:

1. Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.

Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ của mình.

2. Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế trong trường hợp sau đây:

a) Người đại diện chết nếu là cá nhân, chấm dứt tồn tại nếu là pháp nhân.

b) Người đại diện vì lý do chính đáng mà không thể tiếp tục đại diện được.

Như thế, nếu trường hợp vợ (của người em đã qua đời sau cụ bà) thuộc quy định tại điều 156 viện dẫn thì vẫn còn thời hiệu khởi kiện.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC