Câu hỏi:

Vợ chồng tôi hiện thường trú tại CHLB Đức. Chúng tôi có một căn nhà nằm trên mảnh đất mua lại của người anh ruột (mua sau khi hai người đã kết hôn), nhưng trên Giấy chứng nhận Quyền Sở hữu nhà và Quyền Sử dụng đất ở đã được cấp chỉ có một mình tôi đứng tên chủ sở hữu và sử dụng (Không có một giấy tờ gì nêu lý do, hoặc thỏa thuận về việc một mình tôi đứng tên sổ đỏ)...

Vậy xin hỏi:

1- Trong trường này, tôi có quyền một mình làm hợp đồng bán, hoặc tặng, cho v.v…  mà không cần sự đồng ý của vợ tôi hay không? Nếu hợp đồng bán, tặng, cho do một mình tôi ký thì có hợp pháp không?

2- Nếu cả vợ và chồng cùng đứng tên Giấy chứng nhận Quyền Sở hữu nhà và Quyền Sử dụng đất ở (có nghĩa là tài sản này là của chung của cả hai vợ và chồng, kể cả lý và tình), vậy xin hỏi trong trường hợp này, tôi có quyền bán, hoặc tặng, cho một nửa phần giá trị tài sản của tôi không? Nếu hợp đồng bán, tặng, cho một nửa phần giá trị tài sản của tôi do một mình tôi ký thì có hợp pháp hay không?

Trả lời:

Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2000, tại Điều 27 quy định: Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 43 của Nghị định 181/2004/NĐ-CP của Chính phủ và Điều 12 của Luật Nhà ở năm 2005 thì: quyền sử dụng đất là tài sản chung của cả vợ và chồng thì ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng; trường hợp hộ gia đình đề nghị chỉ ghi họ, tên vợ hoặc họ, tên chồng thì phải có văn bản thoả thuận của vợ và chồng có chứng thực của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn. Đối với nhà ở: nếu nhà ở thuộc sở hữu chung của vợ chồng thì ghi đủ tên của cả vợ và chồng.

Áp dụng quy định pháp luật trên đây với trường hợp của ông thì bất động sản nêu trên là sở hữu chung của vợ chồng ông. Mặc dù, Giấy chứng nhận Quyền Sở hữu nhà và Quyền Sử dụng đất chỉ đứng tên ông, nhưng không có tài liệu nào chứng minh tài sản đó là tài sản riêng của ông theo thỏa thuận hợp pháp của vợ chồng ông.

  1. Theo quy định tại Điều 96 của Luật Nhà ở và Điều 146 Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì: Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất và mua bán nhà ở phải được sự đồng ý của tất cả chủ sở hữu tài sản chung thì mới đủ điều kiện để giao dịch. Nếu chỉ có chữ kí của ông đối với các giao dịch về nhà ở như: bán, tặng cho thì sẽ không được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận trong việc thực hiện thủ tục đăng kí giao dịch bất động sản hợp pháp.

Nếu ông muốn bán hoặc tặng cho phần giá trị bất động sản của mình trong khối tài sản chung thì vẫn phải được sự đồng ý của vợ ông (có chữ kí của vợ ông) thì giao dịch đó mới được coi là hợp pháp. Trừ khi ông thỏa thuận với vợ về việc phân chia tài sản riêng và thực hiện thủ tục đăng kí đứng tên trên tài sản riêng theo quy định của pháp luật thì mới có quyền tự quyết trong giao dịch bán hoặc tặng cho bất động sản.

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC