(1) Chúng tôi có nghe nói đến chính sách giao trả lại nhà đất cho kiều bào hiện đang cư ngụ tại nước ngoài, và hiện nay đang có một số thay đổi trong chính sách ấy. Xin quý báo cho chúng tôi được biết thêm chi tiết và các hướng dẫn về thủ tục cần thiết để có thể xin lại được nhà.
Nguyên gia đình chúng tôi có căn hộ ở quận Tân Bình, hiện đang được một công ty dệt may trưng dụng, căn nhà này cho đến nay về mặt luật pháp vẫn còn thuộc quyền sở hữu của gia đình chúng tôi vì chúng tôi không có ký kết hiến hay giao nhà cho nhà nước. Căn nhà đứng tên cha chúng tôi nhưng ông đã mất và người thừa hưởng là mẹ của chúng tôi năm nay đã ngoài 70 tuổi.
Mẹ chúng tôi và chúng tôi tha thiết mong muốn được trở về quê hương sinh sống và làm việc, nên muốn xin lại căn nhà để có thể hoàn thành được nguyện vọng của mình và của người đã khuất. Căn nhà được cha chúng tôi xây dựng nên với mong ước để chúng tôi có thể lập thành một bệnh viện nhỏ và đó cũng là ý nguyện của chúng tôi. Cách đây 1 năm chúng tôi cũng đã có nộp đơn xin cứu xét nhưng cho đến giờ, vẫn chưa được Sở nhà đất TPHCM trả lời.
(2) Xin cho chúng tôi biết hiện đã có chính sách mới về việc Việt kiều sinh sống ở nước ngoài, nhưng còn giữ quốc tịch Việt Nam được đứng tên mua nhà ở Việt Nam không? Các điều kiện là gì? Chế độ thuế má ra sao?
Trả lời:
Về vấn đề bạn hỏi chúng tôi xin trao đổi một số thông tin như sau:
1/ Nếu nhà của bạn đã bị coi là nhà vô chủ hoặc nhà thuộc diện nhà nước thu hồi quản lí sử dụng hoặc giao cho người khác sử dụng thì theo chúng tôi được biết, chính sách của Nhà nước hiện nay là không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách liên quan đến nhà đất trước 15/10/1993. (Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa XI)
Ngày 2/4/2005, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 755/2005/NQ UBTVQH11 quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể sau đây:
- Nhà đất thuộc diện thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 1 tháng 7 năm 1991 ( theo Nghị quyết số 23/2003/QH11) nhưng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó;
- Nhà đất mà Nhà nước đã có văn bản quản lý nhưng thực tế chưa quản lý, chưa bố trí sử dụng;
- Nhà đất mà Nhà nước đã trưng mua nhưng chưa thanh toán tiền hoặc đã thanh toán một phần cho chủ sở hữu;
- Nhà đất mà Nhà nước đã trưng dụng;
- Diện tích nhà đất mà Nhà nước đã để lại khi thực hiện chính sách cải tạo nhà đất cho thuê và chính sách quản lý nhà đất của tổ chức, cá nhân.
Bạn có thể tham khảo thêm văn bản các Nghị quyết nói trên trên trang VĂN BẢN PHÁP LUẬT tại địa chỉ trang nhà hoặc liên hệ với cơ quan quản lý nhà thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh để được hướng dẫn, giải quyết.
2/ Theo Nghị định 81/CP của Chính phủ ban hành ngày 5/11/2001 (hiện đang có hiệu lực), các đối tượng Việt kiều được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam gồm:
- Người về đầu tư lâu dài tại Việt Nam;
- Người có công đóng góp với đất nước;
- Nhà văn hóa, nhà khoa học có nhu cầu về hoạt động thường xuyên tại Việt Nam;
- Người có nhu cầu hồi hương về sinh sống ổn định tại Việt Nam.
Ngoài ra, theo điều 121 Luật Đất đai (hiệu lực từ 1/7/2004), ngoài bốn đối tượng trên có các đối tượng khác theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Hiện nay Bộ Xây dựng đang cùng các cơ quan hữu quan xây dựng Dự thảo Nghị định mới của Chính phủ để thay thế Nghị định 81CP, theo đó, ngoài các đối tượng nói trên, sẽ có thêm hai đối tượng Việt kiều được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở Việt Nam là: Người cao tuổi được chính phủ nước sở tại cho hưởng chế độ hưu trí hoặc bảo hiểm xã hội; Việt kiều được phép về Việt Nam từ 6 tháng trở lên và tạm trú liên tục từ 3 tháng trở lên.