Luật quốc tịch sửa đổi đáp ứng được nguyện vọng của kiều bào Luật Quốc tịch sửa đổi, bổ sung lần này đã đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đông đảo kiều bào, là biểu hiện sinh động sự quan tâm của Đảng, Nhà nước ta đối với gần 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở 101 quốc gia trên thế giới.

 

Trả lời phỏng vấn báo chí về Luật Quốc tịch sửa đổi, bổ sung của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/7/2009, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước VNVNONN Nguyễn Thanh Sơn cho rằng: Luật Quốc tịch bổ sung, sửa đổi lần này đem lại lợi ích rất thiết thực cho bà con kiều bào ta ở nước ngoài vì hiện có rất nhiều người muốn giữ quốc tịch Việt Nam khi nhập quốc tịch nước sở tại hoặc ngược lại muốn trở lại quốc tịch Việt Nam mà vẫn mang quốc tịch quốc gia nơi họ đã sinh sống.

Hiện nay với cơ chế mềm dẻo và thể theo nguyện vọng của bà con, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến yếu tố này, tùy từng trường hợp chúng ta sẽ xem xét cho họ nhập quốc tịch. Đây là cơ chế rất linh hoạt trong Luật Quốc tịch bổ sung, sửa đổi lần này, nó có tác động rất tốt đến đời sống tinh thần của bà con, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của gần 4 triệu kiều bào đang sinh sống ở 101 quốc gia trên thế giới.

Thứ trưởng cho biết, một trong những nét nổi bật của Luật Quốc tịch sửa đổi lần này là công dân Việt Nam trong tất cả các trường hợp đặc biệt có thể vẫn giữ được quốc tịch Việt Nam và quốc tịch nước sở tại nơi họ đang sinh sống. Về nguyên tắc Nhà nước ta vẫn công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch nhưng trong một số trường hợp cụ thể, đặc biệt chúng ta vẫn có cơ chế mềm dẻo để cho công dân có hai quốc tịch.

Điều thứ hai là tất cả những công dân từ xưa đến nay chưa bị mất quốc tịch Việt Nam (chưa bị tước quốc tịch hoặc chưa xin thôi quốc tịch) thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam. Sau khi Luật Quốc tịch bổ sung, sửa đổi có hiệu lực từ 1/7/2009 thì trong vòng 5 năm tất cả những người còn quốc tịch Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới sẽ đăng ký tại các Cơ quan đại diện Ngoại giao của ta ở các địa bàn nơi bà con đang sinh sống để khẳng định là họ tiếp tục giữ quốc tịch Việt Nam.

Thứ ba là tính cải cách hành chính trong Luật Quốc tịch. Tất cả các thủ tục, yêu cầu về xin thôi quốc tịch, xin nhập quốc tịch và hồi tịch đều có các tiêu chí cụ thể và quy định thời gian rõ ràng. Cơ chế phân cấp cho cơ quan nào giải quyết, xử lý và khung thời gian sẽ được quy định chi tiết tại Nghị định tới đây các cơ quan chức năng sẽ ban hành.

Thứ tư là Luật Quốc tịch lần này đã khẳng định được và đã có cơ chế để giải quyết cho những người không có quốc tịch và đang thiếu các loại giấy tờ tùy thân hợp pháp để nhập quốc tịch Việt Nam. Những người đã sinh sống 20 năm ở đất nước Việt Nam, không vi phạm pháp luật, có công việc ổn định để đảm bảo cuộc sống thì có thể xem xét theo trình tự luật quy định cho họ nhập quốc tịch Việt Nam.

Về điều kiện và thủ tục để có hai quốc tịch và các quyền lợi có liên quan khi đăng ký quốc tịch Việt Nam, Thứ trưởng cho biết: Căn cứ vào Nghị định sắp được ban hành Nhà nước ta sẽ có hướng dẫn cụ thể chi tiết. Nhưng quy trình để thực hiện thủ tục này sẽ rất đơn giản.

Người muốn hồi tịch chỉ cần một điều kiện là còn thân nhân ở Việt Nam. Vấn đề nhập Quốc tịch nước ngoài nhưng vẫn giữ Quốc tịch Việt Nam là cơ chế mà Nhà nước ta cho phép trong Luật sửa đổi lần này.

Các thủ tục cụ thể như: khi nộp hồ sơ qua Cơ quan đại diện ngoại giao sau bao nhiêu ngày sẽ chuyển về trong nước và hồ sơ thủ tục cần có những gì, ở trong nước cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm thụ lý giải quyết, ra quyết định cho bà con được nhập quốc tịch hoặc thôi quốc tịch. Điều này sẽ có quy định chi tiết tại Nghị định mà hiện nay các cơ quan đang triển khai thực hiện.

Luật trước đây quy định một quốc tịch cứng: mọi công dân muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải thôi quốc tịch nước ngoài. Việc bà con được giữ hai quốc tịch trong từng trường hợp, từng địa bàn cụ thể là theo nguyện vọng của bà con và cũng là để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con hội nhập với nước sở tại hoặc khi hồi hương trở về bà con được hội nhập như công dân trong nước.

Luật Quốc tịch bổ sung, sửa đổi cũng quy định trong vòng 5 năm kể từ khi luật có hiệu lực thi hành, những người còn quốc tịch Việt Nam ở khắp nơi trên thế giới cần đăng ký công dân ở các Cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài để Nhà nước ta có điều kiện thống kê, quản lý dân số ở bên ngoài một cách chính xác.

Thứ trưởng cho rằng việc đăng ký công dân vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của bà con. Nếu công dân Việt Nam đăng ký tại các Cơ quan đại diện để giữ quốc tịch Việt Nam theo luật này thì bà con được hưởng đầy đủ quyền bảo hộ công dân của nhà nước sau khi luật có hiệu lực. Trong tất cả các trường hợp có rủi ro hoặc có những vấn đề liên quan đến quá trình tố tụng ở các cơ quan luật pháp sở tại, bà con sẽ được pháp luật Nhà nước ta cũng như nước sở tại xử lý và giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng của luật quốc tế hoặc luật của nước sở tại đã quy định. Việc bảo hộ công dân là nhiệm vụ rất quan trọng mà bà con được hưởng từ trách nhiệm của Nhà nước ta.

Tổng hợp.

 

Dat Cau Hoi




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC