Ngày 21/1, Chính quyền bang Niedersachsen đã đệ trình lên nghị viện bang một đề nghị tạo điều kiện cho người nước ngoài được nhập quốc tịch Đức một cách dễ dàng và nhanh chóng hơn. Tại Niedersachsen đang có khoảng một nửa triệu người nước ngoài sinh sống.
Theo đề nghị của Thủ hiến bang Niedersachsen Stephan Weil, Chính quyền bang sẽ mở một chiến dịch nhằm tạo điều kiện dễ dàng và nhanh chóng hơn khi làm thủ tục để khuyến khích nhiều người nước ngoài gia nhập quốc tịch Đức. Các đảng SPD, Đảng Xanh và FDP đã bỏ phiếu ủng hộ đề nghị này, chỉ có CDU bỏ phiếu phản đối. CDU cảnh báo trước gánh nặng tài chính gia tăng đối với các chính quyền địa phương và viêc hạ thấp không cần thiết những trở ngại của thủ tục hành chính. Ngược lại, FDP cho rằng đây là định hướng đúng.
Nữ Bộ trường Bộ Xã hội Cornelia Rundt (SPD) cho biết, Chính phủ liên hiệp giữa SPD và Đảng Xanh có kế hoạch mở một chiến dịch thông tin về nhập quốc tịch và xem xét có thể đơn giản hóa những quy định về thủ tục nào và trong phạm vi quyền hạn của bang sẽ tận dụng những tiềm năng để tối ưu hóa các thủ tục này.
Những điều kiện khung về pháp lý đã được quyết định ở cấp liên bang. Tại đây, chính quyền bang tiếp tục ủng hộ nguyên tắc cho phép có nhiều quốc tịch. Hiện nay ở CHLB Đức, trẻ em sinh ra và lớn lên ở Đức, khi từ 18 tới 23 tuổi phải quyết định chọn quốc tịch Đức hay là quốc tịch của cha, mẹ.
Tính vào thời điểm cuối năm 2013, tại Niedersachsen có 525.689 người nước ngoài sinh sống, tăng 33.600 người so với một năm trước đó. Nhưng số người nhập quốc tịch Đức lại giảm. Năm 2013 có 8.216 người nước ngoài được nhận quốc tịch Đức, giảm hơn 300 người so với năm 2012. Các nước có nhiều người nhập quốc tịch Đức nhất là Thổ Nhĩ Kỳ 1.864 người, Ba Lan 655 người, Việt Nam 387 người và Ucraina 382 người.
Thông thường, Giấy chứng nhận nhập quốc tịch được trao cho các công dân mới một cách trọng thể trong khuôn khổ chính quyền địa phương.
Ngày 21/1, tại Tòa Thị chính thành phố Hannover, 61 người từ 28 quốc gia đã được nhận Giấy chứng nhận nhập quốc tịch, trở thành công dân mới của Đức. Nhiều người trong đó được sinh ra ở Đức, nhưng cho tới nay chỉ mang quốc tịch của cha, mẹ. Một số người là người tị nạn cũng được nhận quốc tịch Đức.
Mai Lan
Theo Thoibao,