Chính phủ Đức đồng ý cấp tiền cho các bang để hỗ trợ người tỵ nạnPhóng viên TTXVN tại Berlin cho biết bất đồng về vấn đề hỗ trợ cho người tỵ nạn tại Đức đã được giải quyết sau khi chính quyền liên bang đồng ý trợ cấp cho các bang để hỗ trợ người tỵ nạn. (Foto: Người nhập cư tìm cách vào Đức. Nguồn: en.qantara.de)

Sáng 28/11, đại diện chính quyền liên bang và thủ hiến các bang đã đạt được thoả thuận giải quyết vấn đề trên, theo đó, các địa phương ở Đức trong năm 2015 sẽ được nhận bổ sung 500 triệu euro để hỗ trợ người tỵ nạn trong bối cảnh dòng người tỵ nạn tới Đức đang ngày một tăng. 

Chính quyền liên bang cũng sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 500 triệu euro trong năm 2016 nếu chính quyền các địa phương vẫn tiếp tục phải đối mặt với gánh nặng người tỵ nạn. 

Tuy nhiên, các bang sẽ phải hoàn lại một nửa số tiền nhận được trong vòng 20 năm cho chính quyền trung ương. 

Sự đồng thuận này là một phần trong dự luật trợ cấp cho người xin tỵ nạn vốn được các bang tuyên bố ủng hộ trước đó. Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble đã phản đối việc cấp tiền cho các bang, cho rằng vấn đề người tỵ nạn thuộc trách nhiệm của từng bang.

Cũng trong sáng 28/11, Hội đồng Liên bang Đức (Thượng viện) đã thông qua hai bộ luật, gồm Luật trợ cấp cho người xin tỵ nạn và Luật tự do đi lại trong Liên minh châu Âu (EU). 

Với luật Luật trợ cấp cho người xin tỵ nạn, số tiền trợ cấp trong tương lai sẽ gần tương ứng số tiền của một người nhận trợ cấp thất nghiệp ở Đức. 

Trong khi việc sửa đổi Luật tự do đi lại trong EU sẽ giúp ngăn chặn việc lạm dụng hệ thống phúc lợi xã hội ở Đức, chống lừa đảo trong vấn đề khai báo việc làm, thất nghiệp cũng như xin tiền chăm sóc con cái. Công dân EU vi phạm có thể bị phạt tù hoặc bị cấm nhập cảnh Đức.

Do những bất ổn xã hội ở nhiều nước Trung Đông, đã có rất nhiều người tới Đức xin tỵ nạn, trong khi số người di cư từ các nước Đông Âu tới Đức tìm việc làm cũng tăng mạnh. 

Kể từ năm 2012, số người tới Đức xin tỵ nạn đã tăng 64% lên gần 130.000 người và dự kiến lên tới 200.000 người vào cuối năm nay. 

Đây là gánh nặng đối với nhiều chính quyền địa phương ở Đức.

Phương Linh
Theo TTXVN




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC