Ngày 11/3, Chính phủ Đức đã thông Dự luật đồ dùng điện sửa đổi. Theo Dự luật này, các cửa hàng bán đồ điện lớn sẽ bắt buộc phải nhận lại các đồ điện và điện tử cũ để xử lý và tái chế, qua đó tận thu lại được những nguyên liệu quý trong các máy móc cũ.
Dự luật đồ dùng điện sửa đổi do Bộ trưởng Môi trường Barbara Hendricks (SPD) soạn thảo quy định, những cửa hàng đồ dùng điện có diện tích lớn hơn 400 m² trong tương lai sẽ phải nhận lại những máy móc cũ cùng loại, khi khách hàng mua một máy mới. Những máy móc nhỏ (có chiều dài cạnh dưới 25 cm) như điện thoại di động, máy xạc pin, modem hoặc máy nướng bánh mỳ thì phải nhận lại cho dù khách hàng không mua máy mới. Trong cả hai trường hợp, khách hàng không phải trình hóa đơn mua máy cũ. Như vậy, quy định mới liên quan tới những chuỗi cửa hàng điện lớn Saturn hoặc Media Markt, nhưng không liên quan tới siêu thị là những nơi chỉ bán một vài máy móc điện và điện tử.
Nếu được Quốc hội và Hội đồng liên bang thông qua, Đạo luật sẽ có hiệu lực từ cuối năm nay.
Dự luật này tạo điều kiện cho người tiêu dùng trả lại đồ dùng điện và điện tử cũ, vừa bảo vệ môi trường, vừa thu hồi được những nguyên liệu quý.
Với việc sửa đổi Luật đồ dùng điện này, Chính phủ Đức theo đuổi ba mục tiêu: Thứ nhất là thu thập máy cũ. Hai là tái sử dụng những kim loại quý như đất hiếm và xử lý những chất thải độc hại phù hợp với môi trường. Thứ ba là hạn chế việc xuất khẩu sắt vụn có hại cho sức khỏe sang châu Phi.
Một lý do nữa có thể là muốn hạn chế việc các nhà sản xuất cố tình sản xuất đồ dùng điện có tuổi thọ ngắn để quay vòng nhanh.
Theo ước tính, mỗi năm bình quân một người ở Đức thải ra 23 kg rác thải điện và điện tử. Theo Cục Môi trường liên bang, mỗi năm Đức thu hồi gần 780.000 tấn máy móc điện, điện tử cũ, trong đó có 723.000 tấn từ các hộ gia đình. Cho tới nay thu hồi được bình quân đầu người 8,8 kg trong một năm. Với đạo luật mới, số thu gom được sẽ tăng mạnh. Thêm vào đó cần thông báo tốt hơn về 1.500 địa điểm thu gom ở các địa phương, nơi người dân có thể vứt đi những máy móc điện và điện tử cũ miễn phí.
Thi Mai
Theo Văn Long
Thoibao