Do có nhiều câu hỏi của khách hàng liên quan đến vấn đề về thuế khi đầu tư vào nước Đức. Nhưng do không có đầy đủ thông tin cần thiết để có thể trả lời một cách chính xác nên chúng tôi viết một cách tổng quan những yếu tố căn bản về thuế cần phải để ý tới trong hoạt động kinh doanh trên nước Đức
Các loại thuế và những hoạt động kinh doanh liên quan đến thuế là một lĩnh vực hết sức phức tạp và được xây dựng cực kỳ chặt chẽ, tỉ mỉ nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách cho nhà nước Đức. Do đặc thù kinh tế của mỗi nước cũng như mô hình kinh tế, sự phát triển kinh tế đi trước nhiều năm so với Việt Nam. Nên có nhiều từ được dùng trong lĩnh vực thuế và kinh tế tại nước Đức nhưng không thể có từ dịch sang nghĩa tương đương tiếng Việt, cũng như mỗi từ chuyên môn trong lĩnh vực này được định nghĩa chính xác theo từng trường hợp cụ thể. Nên chúng tôi chỉ cố gắng dùng những từ thông dụng nhằm truyền tải một cách đơn giản nội dung để độc giả có thể hiểu được.
Nếu bạn là người nước ngoài và nhiều khi cảm thấy khó chịu trong vấn đề bị phân biệt đối xử thì chúng tôi xin khẳng định với bạn một điều để bạn cảm thấy mình đỡ bị thiệt thòi là :
Tất cả những người sống trên nước Đức hoặc đăng ký thường trú trên nước Đức đều “được” áp dụng tất cả các loại hình thuế một cách “công bằng” giống như người Đức (người có quốc tịch Đức thì được gọi là người Đức theo quy định của hiến pháp Đức), tiếng Đức gọi là “Unbeschränkte Steuerpflicht”
Những người không sống tại nước Đức hoặc không đăng ký thường trú tại nước Đức nhưng lại có những “hoạt động kinh tế” * trên nước Đức và mang lại lợi nhuận thì phải chịu áp dụng một số loại thuế nhất định tiếng Đức gọi là “Beschränkte Steuerpflicht”theo điều§ 49 EStG luật thuế của Đức, có nghĩa là người ta không áp dụng toàn bộ luật thuế của Đức nên những đối tượng này. Thuế này tùy theo từng hình thức kinh doanh, mô hình kinh doanh, loại hình kinh doanh hay hình thức mang lại lợi nhuận mà sẽ có những mức áp dụng thuế khác nhau.
Tất cả những mục có dấu ” * ” trên đầu đều có định nghĩa riêng theo từng trường hợp cụ thể.
ví dụ:
1. Thu nhập có được trong lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp *
2. Thu nhập có được do hoạt động “kinh doanh” *
3. Thu nhập do tự hành nghề *
4. Thu nhập có được do vốn tài sản cá nhân mang lại ( lãi suất cho vay hoặc chia lợi tức ) *
và còn nhiều trường hợp khác nữa được quy định theo điều § 49 EStG EStG
Trước đây những người này bị đánh thuế ít nhất 25 % ngoài ra họ còn bị một thiệt thòi khác là những chi phí cho hoạt động sinh ra lợi nhuận không được tính là chi phí để khấu trừ thuế. Từ năm 2008/2009 (Unternehmenssteuerreform 2008) thì quy định này bị bỏ, người ta bỏ mục thuế phải đóng tối thiều là 25 % và những chi phí cho hoạt động sinh lời cũng được xem xét khí nó liên quan đến những hoạt động kinh tế trong nước Đức.
Để được hưởng ưu đãi “beschränkte Steuerpflicht” theo điều § 49 EStG thì không được phép có hộ khẩu hoặc thường trú tại Đức trên 183 ngày/năm (§ 1 Abs. 4 EStG, §§ 8, 9 AO)Ngày xưa Boris Becker áp dụng hình thức này, đăng ký một hộ khẩu tại Monaco để tránh thuế. Nhưng do không chứng minh được là bỏ hẳn hộ khẩu tại Đức (Wohnsitz) vì còn giữ chìa khóa cho một phòng trong căn hộ mà người chị em gái đứng tên, nên sau đó vẫn bị sở thuế truy thu và phạt tù án treo 2 năm.
Một người sống ở nước khác, nhưng trụ sở hoặc cơ quan quản lý và hoạt động kinh doanh của công ty (GmbH) sinh lời tại Đức, thì phần lợi nhuận của người này có được trong vai trò là một cổ đông (phần lợi nhuận của công ty sau khi đã khấu trừ hết các khoản thuế, chi phí và chia cho các cổ đông) sẽ phải đóng thuế tại Đức với mức là 25 % (§§ 49 Abs. 1 S. 1 Nr. 5 a, 20 Abs. 1 Nr. 1, 43a Abs. 1 Nr. 1 EStG). Phần lợi nhuận này họ chỉ phải đóng thuế tại nước mà họ đang sinh sống hoặc đăng ký hộ khẩu thường trú nếu luật thuế nước đó quy định như vậy.
Nhưng ngược lại thì những lãi suất từ việc cho vay tiền thông thường không phải chịu thuế thu nhập tại Đức, nếu không liên quan đến chứng khoán hoặc bất động sản.
Có một số ngành nghề, chẳng hạn như những người làm nghệ thuật, vận động viên, các thành viên hội đồng quản trị của một doanh nghiệp có trụ sở tại Đức (§ 50a Abs. 1 Nr. 4 EStG), thì phần họ phải đóng thuế sẽ do người trả tiền cho họ chịu trách nhiệm chuyển thẳng cho sở thuế, còn được gọi là thuế nguồn (“Quellenbesteuerung” hoặc Abzugssteuer) theo điều § 50a EStG
Để tránh việc bị đánh thuế 2 lần thì mọi người cần phải chú ý đến thỏa thuận về thuế giữa nước Đức với những nước khác mà người có hoạt động sinh lời trên nước Đức sinh sống trên nước đó (Doppelbesteuerungsabkommen).
Việt Nam và Đức đã ký kết một công ước như vậy để tránh đánh thuế 2 lần cho những cá nhân.
Trên đây là một số thông tin rất căn bản chúng tôi trình bày với độc giả. Chúng ta chỉ có thể tối ưu hóa lợi ích về thuế trong mỗi một trường hợp, một điều kiện cụ thể nhất định. Có thể là lợi ích trước mắt tại thời điểm hiện tại nhưng về lâu dài sau một vài năm.lại có thể bị thiệt và ngược lại. Đó là quyết định của mỗi người.
Kanzlei Relide
Rechtsanwältin Julia Yen Vu