Đức là một nhà nước pháp quyền, nên hiến pháp và các đạo luật được đặt ở vị trí cao nhất. Không ai được đứng trên luật pháp và mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.
Người ta thậm chí có thể kiện cả tổng thống hay thủ tướng ra Tòa án Hiến pháp, nếu thấy những quyết định của họ vi phạm Hiến pháp.
Các bức tượng Thần Công lý thường được thể hiện dưới hình thức một người phụ nữ được bịt kín mắt để chứng tỏ không cần biết người được đưa ra xét xử là ai, một tay cầm cán cân công lý và tay kia cầm thanh gươm công lý.
Mọi việc làm, lời nói của các bên đều được soi rọi dưới góc độ luật pháp để tìm ra chân lý sự việc, công bằng với mọi người, người có tội sẽ bị thanh gươm công lý trừng phạt.
Các vụ kiện hình sự được tiến hành với những bước đi theo quy định, được gọi là thủ tục tố tụng hình sự, nếu như hai bên tranh cãi không thể đạt được thỏa thuận với nhau ngoài tòa án.
Thủ tục tố tụng hình sự được chia thành ba giai đoạn với những nhiệm vụ khác nhau là giai đoạn điều tra, giai đoạn xét xử và giai đoạn thi hành án.
Trong giai đoạn điều tra, nếu một cá nhân bị tố cáo trước cơ quan cảnh sát về những hành vi nghi là phạm tội thì cảnh sát sẽ tự tiến hành điều tra hoặc trên cơ sở ủy quyền của Viện Công tố bằng các biện pháp điều tra như thẩm vấn, lấy lời khai của cả hai bên nguyên và bên bị, hoặc tiến hành khám xét.
Sau khi thẩm vấn, lấy lời khai và điều tra, cảnh sát sẽ lập hồ sơ và trình lên Viện Công tố. Viện Công tố sẽ xem xét, nếu thấy cần điều tra thêm sẽ tự mình điều tra hoặc ủy quyền cho cảnh sát điều tra.
Mặc dù độc lập về mặt tổ chức, nhưng sự điều tra của cơ quan cảnh sát và Viện Công tố là thống nhất với nhau.
Những biện pháp cưỡng chế như khám nhà, tịch thu tang vật hoặc quyết định tạm giam đề điều tra đều cần có lệnh của tòa án.
Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, Viện Công tố có toàn quyền quyết định (chứ không phải cảnh sát), là có quyết định khởi tố bị can, nếu có đầy đủ nghi ngờ về hành vi phạm tội, hoặc là đình chỉ vụ án, nếu nghi ngờ về hành vi phạm tội không đủ.
Nếu quyết định khởi tố, Viện Công tố sẽ đệ trình Bản cáo trạng lên tòa án.
Tòa án cấp nào thụ lý vụ án phụ thuộc vào mức độ tội phạm bị cáo buộc theo luật định, từ Amtsgericht, Landgericht cho tới Oberlandesgericht.
Trước tiên Tòa án chuyển Bản cáo trạng của Viện Công tố cho bị can, quy định thời hạn cho bị can đưa bằng chứng chống lại những cáo buộc và xem xét các bằng chứng để đưa ra quyết định có mở phiên tòa chính xét xử hay không.
Trong phiên tòa sơ thẩm, thẩm phán sẽ nghe luận tội của Công tố viên, bào chữa của luật sư, xem xét các tang chứng, vật chứng, lời khai của các nhân chứng, của bị cáo… sau đó sẽ thảo luận và ra phán quyết.
Bị cáo và Viện Công tố có thể chấp nhận hoặc kháng cáo phán quyết này trong một thời hạn nhất định.
Sau khi bản án có hiệu lực, bản án sẽ được thi hành, ví dụ như phạt tiền, phạt tù. Viện Công tố sẽ là cơ quan thi hành án.
Thủ tục tố tụng hình sự ở Đức được thực hiện rất thận trọng và công bằng, đúng luật pháp nên cũng mất nhiều thời gian, nhưng không phải là „thân cô, thế cô“ sẽ bị thua thiệt, nhưng cũng đừng tưởng cứ lớn tiếng rêu rao, „Cả vú lấp miệng em“ là thắng.
Mai Lan