Từ đầu năm 2015, Chính phủ CHLB Đức bắt đầu áp dụng mức lương tối thiểu 8,50 Euro một giờ. Với quyết định này, nhiều người lo ngại rằng nạn làm chui sẽ gia tăng, gây thất thoát tiền thuế lên tới hàng tỉ Euro.

Nhưng nhiều người không biết rằng Tòa án tối cao Liên bang Đức đã đưa ra hai phán quyết khiến việc làm chui có thể trở thành lợi bất cập hại.

Theo kết quả một công trình nghiên cứu, việc áp dụng mức lương tối thiểu ở Đức đã làm doanh thu của nền kinh tế ngầm ước tính tăng thêm 1,5 tỉ Euro.

Viện nghiên cứu kinh tế ứng dụng (IAW) có trụ sở tại Tübingen hợp tác với trường Đại học Linz cho biết, lần đầu tiên kể từ nhiều năm nay, việc làm chui và thuê người làm bất hợp pháp đã không tiếp tục giảm.

Ông Bernhard Boockmann, Giám đốc Viện này nêu rõ:

„Việc làm chui được sử dụng làm một trong những khả năng để tránh mức lương tối thiểu“.

Mặc dù theo định nghĩa, kinh tế ngầm hoạt động trong bóng tối, nhưng thông qua việc thăm dò dư luận và từ các số liệu chính thức, các nhà kinh tế quốc dân có thể ước tính mức độ của hoạt động này.

Các tác giả của công trình nghiên cứu ước tính doanh số của nền kinh tế ngầm ở Đức năm 2015 có thể lên tới 339 tỉ Euro, so với Tổng sản phẩm trong nước của Đức khoảng 2.945 tỉ Euro.

Trong khi việc áp dụng mức lương tối thiểu gây lo ngại là nạn làm chui gia tăng thì nhiều người đã không để ý tới sự thay đổi của Tòa án tối cao Liên bang Đức (Bundesgerichtshof –BGH) thông qua hai phán quyết thắt chặt những quy định đối với nền kinh tế ngầm, qua đó làm gia tăng nguy cơ khốn đốn về tài chính, nếu thuê người làm chui.

 Thuê người làm chui tại Đức có thể bị phạt tới 500.000 Euro_0

Những người thợ thủ công, những người lau chùi dọn dẹp trong gia đình, những người trông trẻ và tất cả những người thuê họ làm chui phải chú ý. Bởi vì các thẩm phán đã thay đổi hoàn toàn cách đánh giá việc làm chui về mặt pháp lý, đảo ngược thói quen từ hàng chục năm nay và xiết chặt thêm quy định đối với cả hai bên.

Trong khi cho tới nay, những người làm chui có thể kiện để đòi tiền, thì giờ đây Tòa án tối cao bác bỏ nguyên tắc này.

Theo phán quyết của vụ kiện có số hồ sơ (Az: VII ZR 241/13), khi một người làm thuê cố tình vi phạm Luật chống làm chui thì người đó không thể đòi tiền cho công việc của mình. Hợp đồng giữa hai bên vi phạm một điều cấm của luật nên trở thành vô hiệu.

Bởi vì theo „Luật chống làm chui và thuê người làm bất hợp pháp“ thì làm chui có thể bị trừng phạt.

Với phán quyết này, Tòa án tối cao đã bác bỏ đơn kiện của một xí nghiệp thợ thủ công ở bang Schleswig-Holstein. Công ty này đã hoàn tất công việc lắp đặt điện cho nhiều ngôi nhà liền kề với giá 18.800 Euro. Theo thỏa thuận, 5.000 Euro trong đó được trả bằng tiền mặt và không có hóa đơn.

Nhưng bên thuê đã không trả số tiền này.

Theo phán quyết trước đây cũng của Tòa án tối cao, mặc dù hợp đồng của xí nghiệp với thỏa thuận „làm việc không có hóa đơn“ cũng vô hiệu, nhưng bản thân người thợ thủ công vẫn có quyền đòi hỏi tiền công của mình với người thuê làm.

Theo phán quyết mới, người làm thuê sẽ chịu rủi ro lớn về tài chính, nếu đồng ý làm chui.

Chánh án Rolf Kniffka, người đưa ra phán quyết mới đây, nhấn mạnh: „Theo luật, làm chui không phải là lỗi nhỏ, mà là tội phạm kinh tế“.

Theo phán quyết trước đây, mặc dù làm chui, nhưng người làm thuê vẫn phải chịu trách nhiệm đối với sản phẩm của mình, nếu làm không tốt.

Nhưng giờ đây, theo phán quyết mới, người thuê nhân công làm chui không có quyền đòi hỏi người làm chui bảo hành cho công việc của họ. Như vậy, nếu họ làm tồi thì người thuê làm chui phải chịu hậu quả.

Theo phán quyết vụ kiện số (Az: VII ZR 6/13), một chủ sở hữu nhà đã thuê hàng xóm lát gạch cho đường xe ô tô vào nhà và trả 1.800 Euro tiền mặt, không có hóa đơn và thuế doanh thu. Nhưng lối vào bị sạt lở và người thuê làm chui phải hứng chịu hậu quả, không được bồi thường.

Với những phán quyết này, Tòa án tối cao đã khiến cho hai bên phải hoài nghi với thỏa thuận làm chui và việc làm chui có nguy cơ rủi ro hơn về mặt pháp lý.

Giám đốc IAW Boockmann và đồng nghiệp ở trường Đại học Linz Friedrich Schneider, hai chuyên gia về làm chui cũng cho rằng các phán quyết này hỗ trợ cho việc phòng chống làm chui.

Theo ước tính của Viện kinh tế Đức, khoảng 95% người giúp việc trong gia đình ở Đức là trốn thuế, không báo với Sở thuế, cho rằng đây chỉ là việc nhỏ, mà không nghĩ rằng đây là một dạng tội phạm, gây thiệt hại kinh tế hàng triệu Euro.

Thoạt nhìn, việc làm chui có lợi cho cả hai bên. Người thuê nhân công phải trả tiền ít hơn và người làm thuê kiếm được nhiều tiền hơn vì không phải đóng thuế. Nhưng xem xét kỹ, việc làm chui này tiềm ẩn những nguy cơ lớn, đặc biệt đối với chủ thuê nhân công.

Khi bị phát hiện và chứng mình được thuê người làm chui, chủ thuê nhân công sẽ phải chịu những hình phạt nặng nề. Một mặt, họ bị truy thu tiền bảo hiểm xã hội có thể tới 4 năm, mà phải trả toàn bộ, chứ không phải chỉ một nửa như bình thường.

Ngoài ra, người thuê nhân công làm chui có thể bị phạt tới 500.000 Euro và thậm chí bị phạt tù tới 10 năm.

 

Kim Trang
Báo Người Việt/ Hội người Việt Nam tại Đức




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC