Nếu bạn quyết định tự học trong việc học tiếng Đức thì bài viết này sẽ có ích cho bạn rất nhiều đấy.

 

Cái cách học của người Việt ta trước giờ, dù vô tình hay cố ý, là học để thi, học cốt chỉ để hiểu và có thể suy luận trong lúc thi. Nên khi rơi vào tình huống trong giao tiếp thực tế, người học không thể nhớ được câu từ cần thiết dùng để giao tiếp. Cái cốt lõi của ngôn ngữ là phải nhớ câu từ.

Nhưng người học lại cứ loay hoay như người mù trong bóng tối, lần mò tìm một phương pháp học tiếng Đức mới. Có nhiều ý tưởng phát sinh trong quá trình này, tuy nhiên hầu như kết quả vẫn không khả quan hơn.

Hãy luôn nhớ rằng, vốn kiến thức mà bạn học trong các bước dưới đây phải được hấp thu đến ngưỡng có – nghĩa là trong vòng vài giây bạn phải nhớ ra câu từ cần nhớ - bạn mới có thể giao tiếp lưu loát được.

Có có nghĩa là nghe phải nhận ra ngay và muốn nói phải nhớ ngay. Để nghe được, bạn cần nhận ra ngữ âm mà người nói đang dùng. Nếu bạn cũng phát âm từ với đúng âm bạn nghe được thì bạn sẽ nghe được từ đó. Để âm gọi là có, thì mỗi khi mở miệng nói từ đó không cần suy nghĩ và nói đúng với âm chuẩn.

1. Lên kế hoạch, hạ quyết tâm học trong 1 năm:

Sắp xếp và dành ra mỗi ngày từ 20 phút đến 2 tiếng, chia làm nhiều lần trong ngày, bất kể giờ nào có thể sắp xếp, kể cả trong lúc chạy xe. 20 phút là để tập trung học bài, nếu thời gian dài hơn bạn sẽ không tập trung được sau vài ngày, dù động lực của bạn cao đến đâu, bạn sẽ cảm thấy chán nản mà bỏ cuộc.

Thời gian còn lại là bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy có được vài phút, hãy tận dụng để tập đi tập lại câu từ đã học trong ngày hôm đó.

 

Công cụ tự học nói tiếng Đức lưu loát trong 1 năm - 0

Hãy nhớ rằng, tuyệt đối không nôn nóng vì kế hoạch của bạn là 1 năm. Vì thế, học mỗi ngày một ít theo tiến độ, một năm sau chắc chắn bạn sẽ giỏi. Trong thời gian học tập, mỗi khi bạn cảm thấy chán nản và muốn bỏ cuộc hãy nhớ tới lý do bạn bắt đầu và hãy nghĩ tới những tháng ngày khi mà bạn đã thành thạo tiếng Đức. Con đường nào cũng có gian khổ và khó khăn cả quan trọng là ai sẽ đi hết con đường để có được thành công.

2. Sửa âm theo giọng chuẩn nhất:

Có một nguyên tắc khi học tiếng Đức, khi âm của bạn càng giống hoặc gần giống âm bản xứ, thì sẽ giúp bạn nghe được giọng người bản xứ dễ dàng. Khi giọng quá khác, thì dù người ta nói tiếng Việt cũng rất khó để bạn nhận ra. Hãy tưởng tượng một người Miền Tây Nam Bộ lần đầu tiên ra Huế sẽ rất vất vả để nghe được chất giọng ở đây.

Trong tiếng Đức có tổng cộng có 21 nguyên âm (ngắn, dài và đôi) và tổ hợp âm tiêu biểu khi các nguyên âm này kết hợp với phụ âm còn lại. Khi nhuần nhuyễn các nguyên âm đơn lẻ các tổ hợp âm tiêu biểu, bạn sẽ sửa được toàn bộ âm trong những từ khác mà không gặp chút khó khăn nào.

Để sửa âm, bạn phải bắt đầu từ việc học chính xác các nguyên âm trong 1 từ. Sau đó, tập ghép nguyên âm đó với các phụ âm trước và sau nó một cách độc lập nhau và sau cùng ghép tất cả âm trong từ lại với nhau, từ chậm đến tốc độ bình thường. Âm hình thành từ ghép một nguyên âm với các phụ âm có thể có trong các từ khác nhau gọi là tổ hợp âm.

Để lập được tất cả các âm và tổ hợp âm, bạn chỉ cần học nhuần nhuyễn 100 từ đầu tiên là bạn đã có thể sửa được toàn bộ âm của mình. Sau đó là thời gian bạn lặp lại âm đúng trong những từ mới để biến âm chuẩn thành âm tự nhiên của mình.

3. Mỗi ngày phải học 5 từ mới.

Mỗi ngày bạn chỉ cần học 5 từ vựng và không hơn không kém. Hãy học thuộc nhuần nhuyễn 5 từ vựng mới này.

Đối với một từ, không phân biệt là đã biết từ này trước đây hay chưa, hãy bắt đầu học tiếng Đức bằng việc nhận dạng nguyên âm chính xác hình thành nên từ này và tập nguyên âm đó riêng lẻ. Nhận biết cách đặt vị trí của lưỡi, răng, môi… Hãy nghe giáo viên đọc trước rồi sau đó cố gắng đọc chầm chậm cho đến khi giống chính xác 100%.

Sau đó hãy tiếp tục nghe để nhận biết cách ghép nối nguyên âm đó với phụ âm đứng trước. Rồi tập riêng tổ hợp âm này nhiều lần. Tiếp theo, nhận biết các tổ hợp âm khi nguyên âm ghép với phụ âm sau nó. Tập riêng tổ hợp âm này nhiều lần nhé. Chầm chậm ghép phụ âm đứng trước, nguyên âm, phụ âm đứng sau để hình thành nên âm của từ đó.

Kể từ khi phát âm đúng một từ bạn hãy dành thời gian rảnh rỗi lặp lại âm của từ đó ít nhất là trên 100 lần cho đến khi mở miệng nói tự nhiên và không cần suy nghĩ là nói được từ đó theo giọng mới.

Nguồn: Tiengduc.edu.vn

 

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC