Tiếng Đức là ngôn ngữ có tính toàn cầu cao, nhất là trong lĩnh vực kinh tế và thương mại. Những năm gần đây, nhu cầu học tiếng Đức ở Việt Nam tăng lên đáng kể.

1 Nhu Cau Hoc Tieng Duc O Viet Nam Ngay Cang Tang

Nhu cầu học tiếng Đức ở Việt Nam tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Ảnh: Ban tổ chức

Ngày 4.10, Trường Đại học Hà Nội phối hợp với Chi hội giáo viên tiếng Đức Việt Nam (VDLV) tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa Đức ở khu vực Đông (Nam) Á: Truyền thống và Đổi mới”.

Hội thảo có sự tham dự của 142 đại biểu đến từ các viện nghiên cứu và cơ sở giáo dục của 16 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là diễn đàn học thuật, giao lưu, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu giữa các giảng viên giảng dạy tiếng Đức và các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, văn hóa các nước nói tiếng Đức của Việt Nam và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, TS Lương Ngọc Minh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội - cho biết, tiếng Đức là một trong những ngôn ngữ phổ biến nhất trên thế giới, được sử dụng rộng rãi tại các quốc gia châu Âu và cũng là ngôn ngữ chính của các nước Đức, Áo và Thụy Sĩ. Đồng thời, tiếng Đức được xem là một trong những ngôn ngữ quan trọng và có tính toàn cầu cao, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và thương mại.

TS Lương Ngọc Minh cho hay, hiện nay Việt Nam có quan hệ đối tác chặt chẽ với các nước Đức, Áo, Thụy Sĩ ở nhiều lĩnh vực. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho người học tiếng Đức tìm kiếm việc làm tại các công ty của Đức, Áo, Thụy Sĩ hoặc các công ty có quan hệ kinh doanh với các nước này.

"Trong những năm gần đây, nhu cầu học tiếng Đức ở Việt Nam và khu vực đã tăng lên đáng kể. Điều này đã và đang tạo ra những cơ hội thuận lợi cho việc mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu tiếng Đức" - TS Lương Ngọc Minh nói và cho rằng, xu hướng quốc tế hóa các trường đại hoc cũng tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam và trên thế giới hợp tác, kết nối với nhau nhằm trao đổi kinh nghiệm, học thuật.

Đồng thời, TS Lương Ngọc Minh gợi mở, những tiến bộ công nghệ và kĩ thuật số, đặc biệt là sự ra đời của ChatGPT đã tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là trong việc giảng dạy ngoại ngữ như tiếng Đức. Cùng với đó, những thách thức mới xuất hiện - đó là việc điều chỉnh phương pháp giảng dạy để phù hợp với những phát triển công nghệ mới nhất, đồng thời bảo tồn những khía cạnh tích cực của phương pháp giảng dạy truyền thống.

Đây cũng chính là nội dung chính mà các đại biểu, nhà khoa học thảo luận, trao đổi tại hội thảo khoa học quốc tế “Giảng dạy và nghiên cứu ngôn ngữ - văn hóa Đức ở khu vực Đông (Nam) Á: Truyền thống và Đổi mới”.

Hội thảo tập trung vào các vấn đề như: Phương pháp giảng dạy ngoại ngữ truyền thống và hiện đại; Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong nghiên cứu và giảng dạy ngôn ngữ Đức; Xây dựng chương trình đào tạo tiếng Đức; Biên soạn học liệu, giáo trình giảng dạy tiếng Đức là ngoại ngữ; Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và giảng dạy tiếng Đức...

Theo LĐ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC