Sau 14h hằng ngày, con tôi gần như chẳng động gì vào sách vở, thoải mái vui chơi, nghỉ ngơi và học các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Gần đây, có nhiều ý kiến chia sẻ về việc học sinh Việt phải học 12 tiếng một ngày. Tôi đem câu chuyện này kể lại cho hai đứa con của mình (đang học cấp một và hai), chúng đều tỏ ra vô cùng ngạc nhiên, thậm chí còn nghĩ tôi nói đùa. Các con tôi đang học tại Đức. Ở cấp 1, các con hoàn toàn không có bài tập, lên cấp hai mới thỉnh thoảng có một hai bài nhỏ. Tất cả kiến thức, con đều được học ở trên lớp.

1 Con Toi Hoc Khong Qua 6 Tieng Mot Ngay O Duc Hoc Sinh Viet Phai Hoc 12 Tieng1 Ngay

Mỗi ngày, con tôi học trên lớp rất ít, không học thêm, về nhà cũng không có bài tập hay phải động đến sách vở. Ở Đức, giáo viên không bắt học sinh trả bài hàng ngày, mà thỉnh thoảng mới có bài kiểm tra viết. Học sinh cũng không bị áp lực phải biết gì làm đó. Ở đây, người ta tập trung giáo dục trẻ các kỹ năng sống, học sinh được đi thực hành thường xuyên tại các trung tâm nghề, cơ sở tại trường, tiếp xúc trực tiếp với máy móc, công cụ chứ không chỉ học thuộc lý thuyết suông.

Đến lớp 9, ngoài sự tự lập, các kỹ năng sống (trẻ có thể kéo vali đi dã ngoại tự túc dài ngày sang nước ngoài với lớp, tự lo ăn uống, sinh hoạt mà không có người lớn theo kèm), học sinh còn có thể giao tiếp thành thạo bằng tiếng Anh và biết thêm một ngoại ngữ khác. Kiến thức các môn học, các con đều nắm vững và áp dụng được vào thực tế đời sống.

Xin nói thêm về lịch học chi tiết của con trai tôi ở Đức để các bạn hiểu rõ hơn về sinh hoạt một ngày của trẻ em bên này khác xa với trẻ Việt:

- Từ 6h30 - 6h45: con tôi thức dậy, vệ sinh cá nhân.

- 7h: con ăn sáng ở nhà.

- 7h30: con đạp xe tới trường.

- 8h: con vào tiết học.

- Từ 13h - 14h: con đạp xe về nhà.

- Từ 14h - 15h: con tự nấu và ăn uống.

- Từ 15h - 16h: con tự do vui chơi, nghỉ ngơi.

- Từ 16h - 18h: con làm việc nhà hoặc đi siêu thị mua thức ăn giúp mẹ.

- Từ 18h - 22h: con thoải mái nghỉ ngơi, vui chơi, nếu có bài tập thì làm, không thì thôi. Đặc biệt, con tôi không phải học bài, chuẩn bị bài trước cho ngày mai.

Cháu tôi cũng đang học tiểu học tại một trường quốc tế có tiếng ở TP HCM. Tôi thấy lịch học của cháu cũng tương tự nhưng nội dung chương trình vẫn nặng so với chương trình học ở Đức. Trường tư dù đỡ hơn các trường công nhưng nhìn chung vẫn học nặng về lý thuyết, phải học bài mỗi ngày và tới khi thi cử sẽ có đề cương học các môn. Còn ngay lúc này đây, con tôi đang được nghỉ học một tuần vì kết thúc mùa thu và chuẩn bị hết học kỳ I.

Nhiều người sẽ thắc mắc: học ít như thế thì có kiến thức không? Thật ra, người Đức không coi trọng hình thức, học giỏi hay dở không có sự phân biệt, cuối năm cũng không tổ chức phát thưởng, tuyên dương học sinh giỏi như ở ta. Thay vào đó, vào buổi tổng kết, tất cả học sinh đều được tặng một cành hoa.

Học ít nhưng ở lớp 9, học sinh đã nói giỏi tiếng Anh và giao tiếp được một ngôn ngữ khác (tiếng Pháp, Nga, Tây Ban Nha...). Kiến thức mà các con có được không chỉ ở trong sách vở mà là kiến thức thực tế nhờ thường xuyên trao đổi với giáo viên trên lớp và thực hành tại trung tâm nghề.

Mọi việc lớn nhỏ trong nhà, từ nấu ăn, giặt đồ đến lắp ráp giường tủ, đóng gỗ, sửa xe... con tôi đều biết làm ở mức cơ bản. Thậm chí, nhiều bạn bè của con còn tháo được cả chiếc xe máy cũ rồi tìm kiếm các chi tiết, linh kiện để lắp ráp chiếc xe lại theo ý mình. Có đứa đăng lên mạng rao bán tài sản cũ của mình và giao dịch thành công với giá cao. Nói chung là ở tuổi 14-15, chúng tôi không xem chúng là trẻ con nữa vì đã phát triển vượt bậc.

Nguồn: vnexpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC