Nhân có nhiều chuyện nổi lên trên các thông tin đại chúng và đọc bài “Người nổi tiếng quyên tiền làm từ thiện: Cần một thiết chế pháp lý” trên báo VietNamNet, tôi cũng muốn tham gia vài ý nhỏ làm thêm tư duy cộng đồng về từ thiện và làm từ thiện.
Bằng trải nghiệm cá nhân, tôi theo bản năng từ nhỏ làm theo rồi tự nghĩ việc từ thiện là từ chính bản thân mình và một mình tự làm.
Thấy người khác làm là mình làm; thấy cộng đồng đau thì mình bày tỏ lòng thương, muốn chia sẻ, hỗ trợ. Vậy từ thiện có sẵn trong mỗi con người và nó thuộc nhóm tự sinh loài người, có đặc trưng là không phân biệt lứa tuổi, tôn giáo, dân tộc, chính trị. Nếu có sự khác nhau thì cũng do những yếu tố văn hóa, đạo đức cộng đồng quy ước tạo nên mà thôi.
Còn việc làm từ thiện tôi muốn tách bạch ở đây là hành vi có chủ đích, có bàn bạc, có trách nhiệm của người thực hiện thay hoặc hỗ trợ người khác thực hiện từ thiện.
Biểu hiện lớn nhất là có tổ chức pháp nhân, được nhà nước thừa nhận chuyên thực hiện hoạt động từ thiện (ví dụ như quỹ xã hội, quỹ từ thiện). Tùy mức độ ảnh hưởng khác nhau mà mỗi quốc gia trong mỗi giai đoạn quy định trách nhiệm cho hoạt động làm từ thiện này.
Nhìn người
Tôi có điều kiện trực tiếp thực hiện dự án với một tổ chức tôn giáo của nước Đức tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho người khuyết tật Việt Nam. Tổ chức tôn giáo của Đức là một pháp nhân được phép của chính phủ hai quốc gia cho thực hiện việc này.
Việc chủ yếu và tiếp cận ban đầu là quan tâm đến tiền, vật chất và những hoạt động cụ thể của nhóm thiện nguyện của nước Đức mang sang cho người khuyết tật Việt Nam.
Khi kết thúc dự án, chuyên gia của Đức đưa ra 1 điều khoản kèm bộ hồ sơ kết quả (bao gồm cả thanh quyết toán) rằng: “Ông/bà hãy vui lòng cùng chúng tôi giải trình với Bộ Kinh tế Đức trong vòng 5 năm kể từ ngày kết thúc dự án này về những khoản đã chi tiêu tại Việt Nam”.
Tôi rất ngạc nhiên với tư duy, tiền từ thiện sao Chính phủ (Bộ Kinh tế) phải quản lý!
Cùng với sự chưa thông tỏ, tôi trao đổi với chuyên gia trong dự án để hỏi ngọn ngành câu chuyện. Chuyên gia đáp nhanh và rất chắc chắn rằng, ở Đức, mọi hoạt động từ thiện có tổ chức (không nhân danh cá nhân tự làm - khi có tranh chấp với ai thì ra tòa án giải quyết), còn nhân danh cho người khác là phải đăng ký với chính quyền (về việc mình làm).
Foto: Trao sách vở, áo ấm, sữa... cho học sinh xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị tháng 10/2020 sau lũ lụt. Ảnh: Quang Vĩnh
Thêm nữa, mọi hoạt động, kể cả từ thiện cũng phải đóng thuế và gửi công khai đến cơ quan chính quyền và được kiểm soát thống nhất trong toàn hệ thống kinh tế quốc gia.
Thắc mắc nữa nảy sinh! Sao đi làm từ thiện lại phải đóng thuế! Sự giải thích rất đơn giản: Mình là công dân, nộp thuế để nhà nước nuôi bộ máy duy trì ổn định xã hội cho mình hoạt động và quân đội để bảo đảm bờ cõi chủ quyền quốc gia.
Hoạt động như chuyên gia nói đó là hoạt động phi chính phủ - không do nhà nước thành lập chứ không phải hoạt động vô chính phủ nên chính phủ quốc gia vẫn có trách nhiệm quản lý bằng pháp luật (thật lòng là tôi bị chạnh lòng sau khi được giải thích vì mình cũng đã là công dân hơn 30 tuổi, có trình độ cử nhân luật). Vì vậy, mọi hoạt động từ thiện ở bất kỳ nguồn nào cũng phải khai báo, có quyết toán theo chế độ và phải giải trình trước kiểm toán khi cần thiết.
Rồi nghĩ về ta
Mặc dù quy định pháp luật đã có nội dung quy định về hoạt động từ thiện, những cơ quan và tổ chức được làm hoạt động xã hội và hoạt động từ thiện nhưng dường như còn trống mảng tổ chức tự phát (tổ chức không đăng ký pháp nhân mà tự hình thành khi xã hội có sự cố, cần chung sức cộng đồng; cá nhân tự nhân danh hình thành hoạt động có tổ chức khi làm từ thiện) chưa có quy định.
Theo lập luận và tư duy của nhóm chuyên gia làm dự án của Đức thì phải chăng, rất cần đến khuôn khổ pháp lý cho các hoạt động từ thiện (có tổ chức - chính thức hay không chính thức). Chúng ta cần học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, từ thiện cần được quản lý bằng pháp luật.
Pháp luật được hình thành có thể bằng mọi cách khác nhau và thể hiện bằng văn bản pháp luật khác nhau như luật, pháp lệnh… nhưng cần có những nội dung quy định về làm từ thiện như: điều kiện làm từ thiện, những điều không được làm, trách nhiệm với nhà nước, trách nhiệm với người đóng góp, trách nhiệm giải trình…
Khi có dư luận và công luận về câu chuyện một nghệ sĩ có tên tuổi thực hiện việc từ thiện nhưng có khuất tất, không minh bạch thì việc dễ thực hiện nhất là có một trong những người có tạo nguồn quỹ cho nghệ sĩ kia gửi đơn đến tòa án để phân xử theo quy định về việc đăng ký hoạt động từ thiện và trách nhiệm giải trình của nghệ sĩ đã đại diện cho mình.
Tiến Minh, VNN