“Hành trình mùa đông” kể về một chàng trai đang gặm nhấm nỗi đau thất tình. Chàng trai đã gặp gỡ, yêu và có hẹn ước với một người con gái xinh đẹp vào những ngày ấm áp của mùa xuân trong tiết trời tháng Năm.
Nhưng vào thời điểm mùa đông rét buốt, cô gái đã phụ bạc tình cảm của chàng trai để cưới một người đàn ông giàu có khác.
Chàng trai lặng lẽ ra đi trong tâm trạng buồn bã chán chường với sự thất vọng bị ruồng bỏ, hành trình của anh đã tiếp diễn trên những chuyển động của tâm lý, những nối tiếc, sự cô đơn, cùng những chăn trở, suy tư về tình yêu và người con gái chàng đã từng yêu.
Cái lạnh, bóng tối, và phong cảnh mùa đông cằn cỗi phản ánh những cảm xúc trong trái tim người. Chàng cứ lang thang vô định mãi trên con đường mùa đông lạnh lẽo để cố vùng dậy khỏi những gánh nặng trong tâm hồn.
“Hành trình mùa đông” thể hiện góc độ về cảm xúc của một chàng trai, mà bất cứ ai đã từng trải qua những tháng ngày đau khổ và vực dậy cũng đều có thể hiểu được:
Một cuộc hành trình rất dài qua 24 lieder* là một câu chuyện kể
Mở đầu bằng bài hát Gute Nacht (Chúc ngủ ngon), bắt đầu từ 0:00 – 5:17: Một lời chia tay dịu dàng và đau buốt trước khi chàng tạm biệt nàng và lên đường trong đêm tối. Nàng đã không còn thuộc về chàng:
Ngủ ngon! Nàng yêu dấu
Chẳng đánh thức nàng đâu
Ta đã từng yêu nàng
Và đã định kết hôn
Thế giới thật ảm đạm
Trong đêm khuya mùa đông
Nàng đã phản bội ta
Nên giờ ta bỏ đi
Tình yêu thích lang thang,
Từ ta sang người kế
Ngủ ngon! Nàng yêu dấu
Chỉ còn dòng chữ thôi
Viết trên cánh cổng gỗ sồi
Như trái tim ta vậy
Ngủ ngon! Nàng yêu dấu! Chẳng đánh thức nàng đâu
Lieder thứ 2 – Die Wetterfahne (Cánh quạt gió), bắt đầu từ 5:23 – 7:02: Sau khi viết “Gute Nacht” lên cánh cổng, chàng trai ngoảnh lại nhìn một lần cuối ngôi nhà của cô gái và than thở:
Cánh quạt gió kèn kẹt
Trên ngôi nhà lạnh lẽo
Như chế giễu lòng ta
Cũng như báo hiệu rằng
Nàng đã thay lòng dạ
Ngoảnh lại và thở than:
“Gia đình kia của nàng
Đâu có quan tâm ta
Bởi vì con của họ
Sẽ làm dâu giàu sang”
Lieder thứ 4 – Erstarrung (Cóng lạnh), bắt đầu từ 9:40 – 12:32: Trên con đường rời khỏi ngôi làng, chàng tìm kiếm trên nền tuyết trắng dấu chân của người yêu, nơi họ thường đi dạo cùng nhau tay trong tay giữa những cánh đồng hoa và cỏ xanh mơn mởn. Chàng muốn hôn lên mặt đất, những dòng nước mắt nóng hổi rơi lã chã khiến băng tan chảy khiến chàng nhìn lại nơi mà hai người đã từng đặt chân lên. Nhưng những bông hoa đã chết bởi giá lạnh của mùa đông, giống như trái tim chàng vậy:
Băng qua đồng cỏ xanh
Ta muốn hôn mặt đất
Qua tuyết băng lạnh lùng
Dòng nước mắt nóng hổi
Chạm tới mặt đất trong
Nơi ta tìm thấy hy vọng,
Tươi như những cánh hoa
Cỏ đã mềm xanh mượt?
Nhưng những bông hoa héo
Trên đất cằn khô trắng
Sẽ chẳng còn kí ức
Theo đuổi tận nơi này
Nơi nỗi đau ngừng lại
Nơi không có tên nàng
Sẽ chẳng còn kí ức, theo đuổi tận nơi này (Ảnh: wallhere.com)
Lieder thứ 12 – Einsamkeit (Cô đơn), bắt đầu từ 37:09 – 39:47: Sau khi rời thị trấn, chàng nhớ lại mùa xuân trong thành phố và muốn quay lại . Thế nhưng vì đã quá mệt mỏi và đau đớn nên chàng quyết định đi tiếp trong sự lạnh giá của mùa đông:
Ta tiếp tục lang thang,
Như những đám mây buồn,
Nhưng xung quanh ta đây
Là cuộc sống tươi sáng
Và hạnh phúc xung quanh.
Ngay cả trước cơn bão.
Ta cũng không ngại ngần
Lieder thứ 19 – Täuschung (Lừa dố), bắt đầu từ 53:35 – 55:00: Chàng đi theo ánh trăng phản chiếu trên con đường đầy tuyết, nhưng chàng đã lạc lối và những ảo ảnh xuất hiện:
Ta lang thang khốn khổ
Vui sướng với ảo ảnh
Kia ánh sáng rực rỡ
Kia mái nhà yên ấm
Xa thật xa tuyết lạnh,
Sợ hãi trong đêm đen
Tâm hồn yêu thắp sáng
ÔI! Ảo ảnh lừa dối
Nhưng quá đỗi ngọt ngào.
Lieder thứ 22 – Mut! (Lòng can đảm), bắt đầu từ 1:03:55 – 1:05:15: Trong hành trình vô tận, chàng gặp một biển báo chỉ đường : “Tôi phải đi một con đường mà không ai có thể trở về”. Chàng quyết tâm đi trên con đường đã định với cây gậy của mình:
Ta lắc tuyết trên mặt
Và ca hát vui vẻ
Để bịt những rung động,
Trong trái tim tổn thương
Sải bước qua khắc nghiệt
Đứng vững trước gió dữ
Sải bước qua khắc nghiệt, đứng vững trước gió dữ (Ảnh: hdqwalls.com)
Lieder thứ 24 – Der Leiermann (Người chơi đàn quay), bắt đầu từ 1:08:00 – 1:11:17: Cuộc hành trình kết thúc khi chàng gặp một người ăn xin đang chơi đàn quay:
Người đàn ông xin ăn
Với chiếc bát trống rỗng
Những ngón tay đông lạnh,
Miệt mài với đàn quay.
Nhưng không ai lắng nghe
Những con chó dữ dằn,
Đang gầm gừ với ông,
Nhưng ông không dừng lại
Ta bước tới bên ông:
Này ông già kỳ lạ!
Chiếc đàn quay của ông,
Chơi bài hát của tôi?
Hành trình mùa đông – Tượng đài vĩnh cửu của thanh nhạc Đức
Franz Schubert đã phổ thơ những ca khúc này vào năm 1828 trước lúc ra đi vĩnh viễn ở cải tuổi còn rất trẻ (31 tuổi), vì thế ít nhiều chứa đựng những tâm sự, nỗi niềm của một tuổi thanh xuân đầy ước ao nhưng lại rơi vào nghịch cảnh của ông.
Trong “Hành trình mùa đông”, Schubert đã đẩy tầm quan trọng của nghệ sĩ dương cầm lên ngang bằng với các ca sĩ. Đặc biệt nhịp điệu của đàn piano liên tục thể hiện tâm trạng của nhà thơ. Cũng bởi vậy mà tổ khúc này luôn là tượng đài vĩnh cửu của thanh nhạc Đức về sự tạo tác âm thanh.
Hai tổ khúc của Schubert (chủ yếu cho giọng nam) là nền tảng tuyệt đối của ca khúc Đức, và đã ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ tới phong cách mà còn tới phương pháp thanh nhạc và kỹ thuật trong âm nhạc cổ điển Đức.
Mùa đông buốt giá của Franz Schubert
Franz Schubert, 1797 – 1828 (Ảnh: pintaram.com)
Qua rất nhiều những tài liệu, thư từ giữa Schubert và những người bạn – hầu hết là giới văn nghệ sĩ của thành Vienne ở vào đầu thế kỷ thứ 19, Schubert là một chàng trai có diện mao xấu xí: trán gồ, cầm quá nở so với cái mũi quá bé. Schubert cận thị, may lại được trời ban cho đôi mắt rất có hồn, gương mặt linh động.
Về tính tình, Franz Schubert ít nói, rất khiêm tốn, không thích biểu diễn trước công chúng, không thích phô trương. Schubert chỉ thích chơi đàn cho những người bạn nghệ sĩ của mình. Cũng chính vì vậy mà Schubert không hề soạn một bản Concerto nào trong suốt gần một ngàn bản sáng tác.
Schubert dửng dưng trước những lời phỉnh nịnh, thờ ơ với những cạm bẫy của danh vọng. Khác với những nhạc sĩ cùng thời, Schubert không màng giàu sang phú quý. Ông đã không lọt vào mắt xanh của một nhà mạnh thường quân nào đó trong giới quý tộc của Áo hay châu Âu thời bấy giờ. Cả sự nghiệp đồ sộ với trên dưới một ngàn tác phẩm, nhưng vì không có phương tiện, sinh thời chỉ có khoảng 10% những sáng tác của ông được in ấn.
Schubert dửng dưng trước những lời phỉnh nịnh, thờ ơ với những cạm bẫy của danh vọng. (Ảnh: Pinterest)
Thường xuyên trong cảnh bữa đói, bữa no, sáng tác trong giá rét, Schubert có thói quen soạn nhạc vào buổi sáng, thích đi xem kịch, uống bia với bạn bè. Thế giới của Schubert gần như không có bóng hình của phụ nữ. Theresa Grob và Caroline Esterhazy là những ngoại lệ hiếm hoi.
Thua Ludwig van Beethoven 27 tuổi, Schubert đã hơn một lần thốt lên rằng: “Có thể làm gì khi ta đến sau Beethoven?”. Có người kể lại rằng, Beethoven rất trọng tài năng Schubert. Trong một lần tâm sự, Beethoven nhận xét: “Tài nghệ của chàng trai này, một ngày sẽ vượt xa ta”.
Khi Beethoven qua đời vào tháng 3/1827, Schubert là một trong những nghệ sĩ được vinh dự rước đuốc trong tang lễ của người nhạc sĩ nhận nước Áo là quê hương thứ hai. Hơn một năm sau, vào một ngày mùa đông năm 1828 đến lượt Schubert từ giã cõi trần. Ông trút hơi thở cuối cùng trên nền nhạc bản Quatuor 14 của Beethoven.
Sự ngọt ngào trong đau khổ của Schubert đã thổi vào nền âm nhạc thế kỷ XIX những ngọn gió nhẹ trong lành, tươi mát mãi cho đến tận bây giờ…
Nguồn: Hoàng Lâm
DKN.tv