Hội sách Frankfurt chia rẽ vì nhà văn Trung Quốc Hội chợ sách Frankfurt 2009 sẽ khai cuộc vào 13/10 với khách mời danh dự là các nhà văn Trung Quốc. Nhưng tranh cãi nổi lên trước thềm sự kiện này khi Trung Quốc dọa tẩy chay hội sách vì có sự tham dự của 2 nhà văn Hoa kiều lưu vong.

Để chuẩn bị cho Hội chợ sách, Frankfurt đã tổ chức hội thảo chủ đề "China and the world - perception and reality" (Trung Quốc và Thế giới: Nhận thức và Thực tế) hôm 12/9 với mục đích "tạo ra cuộc đối thoại mở về các vấn đề đương đại liên quan đến Trung Quốc". Các nhà tổ chức cho rằng, đây là "dịp cần có để trao đổi ý kiến nhằm xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau, vượt qua những hiểu lầm và định kiến" về đất nước Vạn Lý Trường Thành. Tuy nhiên, khi Bei Ling (Bối Lĩnh) và Dai Qing (Đái Tình) - 2 nhà văn Trung Quốc hiện sống lưu vong ở nước ngoài - xuất hiện trên diễn đàn hội thảo, đoàn nhà văn Trung Quốc đại lục đã lập tức rời khỏi hội trường để bày tỏ thái độ phản đối. Juergen Boos - trưởng ban tổ chức hội chợ sách - bày tỏ: "Tôi rất thất vọng, rất thất vọng". Tuy nhiên, ngay sau đó, ông đã phải xin lỗi đoàn Trung Quốc để họ tiếp tục quay lại hội thảo. Phía Trung Quốc nói, họ bất bình vì không được thông báo trước về nội dung và thành phần khách mời.

Chiều 12/9, phát biểu với báo giới, Juergen Boos giải thích: "Tôi và Hội Văn bút Đức nhận thấy, cần tạo cơ hội cho Bei Ling và Dai Qing phát biểu vào đầu hội thảo. Chương trình vì thế đã có sự thay đổi mà chúng tôi không kịp thông báo đến tất cả người tham dự".

Bei Ling và Dai Qing đều là những cây bút bị cấm xuất bản tại Trung Quốc. Sau sự việc này, cả hai đều bị loại khỏi danh sách khách mời tại Hội chợ sách diễn ra từ 13 đến 18/10. Dai Qing khẳng định, họ không phải là những vị khách không mời. Họ nhận được giấy mời nhưng đã bị hủy vào phút chót.

Thông tin này làm dấy lên nghi ngờ rằng hội sách đã phải chịu áp lực trước đoàn nhà văn Trung Quốc. Tuy nhiên, Juergen Boos khẳng định: "Hội chợ sách Frankfurt với tư cách là một bộ phận của ngành xuất bản Đức nói riêng và thế giới nói chung, đại diện cho quyền tự do ngôn luận, sẽ không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào gây áp lực cả. Hội thảo này là một trong nhiều sự kiện mà hội chợ sẽ tổ chức cùng với các khách mời danh dự đến từ Trung Quốc. Mục đích của chúng tôi là tạo ra cuộc đối thoại với nhau chứ không phải công kích lẫn nhau".

Hội sách Frankfurt chia rẽ vì nhà văn Trung Quốc _0
Trưởng ban Juergen Boos bị đặt vào tình thế khó xử. 

Tuy nhiên, hai nhà văn bị tước quyền tham dự vào phút cuối không thỏa mãn với cách giải quyết này. Dai Qing phát biểu: "Khi một hội thảo quốc tế được tổ chức ở Frankfurt, các nhà văn Trung Quốc cần có cơ hội được phát biểu, đặc biệt là khi chủ đề hội thảo lại là về văn học Trung Quốc. Dai Qing cho rằng, các nhà tổ chức phải đưa ra lý do xác đáng khi không cho phép bà bày tỏ quan điểm của mình. "Tôi thấy thật thấy vọng khi Hội chợ sách Frankfurt không biết nói 'không' hoặc không thể làm chủ tình huống này". 

Sự việc này đã khiến Hội chợ sách Frankfurt trở thành tâm điểm của những lời chỉ trích từ phía các nhà văn và giới chính trị trên thế giới. Họ cho rằng, Frankfurt đã thiếu tôn trọng quyền tự do ngôn luận.

Đây không phải là lần đầu tiên, Hội chợ sách Frankfurt gây ồn ào vì sự cố tương tự. Năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ là khách mời danh dự. Nhà văn đoạt giải Nobel Orhan Pamuk đã sử dụng bài phát biểu của mình để thể hiện thái độ chỉ trích đối với chính sách kiểm duyệt của đất nước này đối với các nhà văn. Vì vậy, một nhóm tác giả Thổ Nhĩ Kỳ khác đã tẩy chay hội sách. Năm 2007, khi khách mời danh dự là các nhà văn khu tự trị Catalonia, những cây bút Tây Ban Nha như Carlos Ruiz Zafon và Javier Cercas đã quay lưng với hội sách khi các nhà tổ chức cho rằng, chỉ có những tác giả viết bằng tiếng Catalan mới là khách mời chính thức, trung tâm.

Theo Guardian.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC