Văn hóa thặng dư sinh thái là tập hợp các thái độ, giá trị, niềm tin và hành vi bảo vệ và tôn tạo môi trường được chia sẻ bởi một cộng đồng nhằm giảm tác động tiêu cực của con người tới môi trường, giúp bảo tồn và phục hồi thiên nhiên [1].
Đây được xem là giải pháp để con người có thể sống hòa hợp với thiên nhiên và hướng tới bảo vệ môi trường một cách dài hạn và bền vững [2].
Việc phổ biến và xây dựng văn hóa thặng dư môi trường trên quy mô dân số lớn hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải là không thể. T là một ví dụ điển hình [3]. Nằm ở vị trí cảng biển và có cuộc sống gắn liền với tự nhiên, người dân thành phố Kiel đã thực hiện các hoạt động giảm, phân loại, và tái chế rác thải tích cực trong nhiều năm và dành được chứng nhận đặc biệt này.
Thành phố Kiel (nguồn: Zero Waste Cities [3]) |
Chứng nhận Zero Waste được cấp để ghi nhận nỗ lực của các thành phố đạt đủ yêu cầu về các hoạt động tăng cường thu gom, hạn chế, và tái chế rác thải, kiểm soát và phân tích lượng rác còn sót lại, và tích cực tuyên truyền hoạt động này trong giáo dục và truyền thông. Việc nhận được chứng nhận Zero Waste không có nghĩa là thành phố đã hoàn toàn thoát khỏi rác thải, mà là thành phố có kế hoạch rõ ràng cụ thể và đã được kiểm chứng là hiệu quả để hướng tới mục tiêu không rác thải thật sự.
Đức được biết đến là quốc gia đi đầu tại châu Âu về việc hạn chế rác thải thông qua tái chế. Năm 2013, Bộ Môi trường Liên bang Đức đã xây dựng một chương trình ngăn ngừa rác thải nhằm tăng cường các chính sách giảm thiểu rác thải phát sinh, đặc biệt tại các bãi chôn lấp. Người dân ở Đức từ lâu cũng đã xây dựng văn hóa giảm thiểu tối đa rác thải và ứng dụng trên quy mô rộng [4].
Ở Kiel, chính quyền còn áp dụng những biện pháp chặt chẽ hơn. Người dân phải trả phí cho lượng rác thải họ vứt đi mỗi ngày, và mức phí cao nhất là cho rác hỗn hợp (loại không phải rác hữu cơ và cũng không phải rác có khả năng tái chế). Nếu rác không được phân loại chính xác, người thu gom có quyền từ chối thu gom, và nếu tình trạng này tiếp diễn dài ngày thì hộ gia đình có thể bị phạt nặng. Để tiết kiệm loại phí này, người dân ở Kiel đã nghĩ ra rất nhiều cách tái chế rác sáng tạo [5].
Ở các tiệm làm tóc, tóc được thu gom để tái chế thành các tấm thảm nhỏ giúp lọc dầu ra khỏi nước. Đồ ăn thừa trong nhà hàng được phục vụ miễn phí cho khách vào gần giờ đóng cửa, cho phép nhân viên mang về, hoặc tặng cho những người có nhu cầu. Học sinh được dạy về việc phân loại và tái chế rác từ khi còn nhỏ và thực hành các hoạt động phân loại rác nghiêm ngặt theo quy định [5].
Dù được coi là “lá cờ đầu” tại Đức và châu Âu về các hoạt động hạn chế rác thải, bảo vệ môi trường, chủ tịch hội đồng thành phố Kiel cho rằng ngoài tái chế thì việc giảm mua sắm và tăng tái sử dụng các sản phẩm đang sở hữu sẽ giúp giải quyết vấn đề rác thải triệt để hơn. So với lượng nhựa sử dụng ngày càng tăng lên tại Kiel, kể cả việc người dân đã rất tích cực tái chế thì lượng rác nhựa thực sự được tái chế vẫn còn rất nhỏ.
Mặc dù nỗ lực để hướng tới mục tiêu “không rác thải” đang được thực hiện rất tốt, để đạt được ngưỡng “không rác thải” thực sự còn rất nhiều thử thách cho người dân Kiel. Tuy vậy, với văn hóa thặng dư sinh thái đang được thúc đẩy xây dựng như một nền tảng văn hóa - xã hội thì hy vọng thành phố Kiel sẽ sớm trở thành một thành phố tiên phong theo đúng nghĩa không rác thải, cổ vũ cho các thành phố và quốc gia khác trên thế giới.
*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.
Tài liệu tham khảo
[1] Vuong, Q. H. (2021). The semiconducting principle of monetary and environmental values exchange. Economics and Business Letters, 10(3), 284-290. https://reunido.uniovi.es/index.php/EBL/article/view/15872
[2] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9
[3] Bonnici, T. (2023, Feb. 23). Kiel becomes Germany’s first Zero Waste certified city. https://zerowastecities.eu/kiel-becomes-germanys-first-zero-waste-certified-city/
[4] Mintz, K. K., Henn, L., Park, J., & Jurman, J. (2019). What predicts household waste management behaviors? Culture and type of behavior as moderators. Resources, Conservation and Recycling, 145, 11-18. https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0921344919300539?via%3Dihub
[5] Niranjan, A. (2023, Oct. 18). The zero-waste city: what Kiel in Germany can teach the world. https://www.theguardian.com/lifeandstyle/2023/oct/18/the-zero-waste-city-what-kiel-in-germany-can-teach-the-world
Nguyễn Thị Quỳnh Yến