Hệ thống giao thông của Đức theo cảm nhận của cá nhân tôi là tốt nhất châu Âu.

Thú thật, khi cùng người bạn lên chương trình cho chuyến đi, tôi chỉ háo hức với các điểm đến ở ngoài nước Đức, nào là Hintertux (Áo); Venice, Florence, Milano (Italy); Como, Lugano, Zurich (Thụy Sĩ); Paris và Amsterdam, và chỉ nghĩ đơn giản là nước Đức (với những ấn tượng và kinh nghiệm cũ từ hồi còn ở Đông Đức) chẳng qua chỉ nên là nơi chuyển tiếp… Nhưng thực tế đã khác hoàn toàn làm tôi phải thay đổi quan niệm chủ quan lúc đầu.

1 Lan Dau Lai Xe Cam Nhan He Thong Giao Thong Tot Nhat The Gioi Tai Duc

Về giao thông, so với Mỹ, Đức không rộng lớn, hay đông dân bằng. Với tư cách là một người đã đến và từng trực tiếp lái xe trên đường bộ ở cả Đức và ở hai bang California và Nevada của Mỹ, thì tôi tin rằng chất lượng hệ thống đường bộ của Đức xứng đáng được coi là tốt hơn, it lra là ở hai bang nói trên, của Mỹ, thậm chí còn vượt trội khá xa.

Đường bộ của Đức, theo nhận xét chủ quan của tôi sau trải nghiệm trực tiếp lái xe qua tám nước phát triển nhất của châu Âu gồm: Đức, Áo, Italy, Thụy Sĩ, Công quốc Lichteinstein, Pháp, Bỉ và Hà Lan, thì đường bộ ở Đức cũng là tốt nhất.

2 Lan Dau Lai Xe Cam Nhan He Thong Giao Thong Tot Nhat The Gioi Tai Duc

Tấp huấn lái xe tại Đức. Ảnh: Nguyễn Thanh Tuân

Ngoại trừ các đường liên tỉnh, liên huyện và liên xã qua các cánh đồng, chỉ có một làn xe cho mỗi chiều, mà chất lượng luôn cho phép chạy đến 100 km/giờ…, đường cao tốc (Autobahn) ở Đức rất rộng, bề mặt phẳng, ma-sát cực tốt, có rất nhiều đoạn cho phép vượt nhau ở làn ngoài cùng bên trái với tốc độ không hạn chế. Ở những đoạn không giới hạn tốc độ, có những lúc chiếc Audi sedan của bạn tôi do tôi lái (trong thời gian vài ngày tập huấn cấp tốc cho kỹ năng lái xe ở châu Âu) đã chạy với vận tốc 170 km/h ở làn sát với làn ngoài cùng bên trái, thì chỉ nghe… vèo một cái, một chiếc Mercedes, BMW, hay Jaguar gì đó ào qua, rồi nhanh chóng mất dạng ở phía chân trời. Những xe đó hẳn là phải đã chạy với vận tốc trên 200 km/h. Người ta bảo có nhiều tay đam mê tốc độ vẫn lái xe đi với vận tốc 320-350 km/h trên Autobahn của Đức.

Đi nhanh là thế, nhưng dân Đức được đào tạo lái xe rất bài bản, kỹ năng điêu luyện và đi đúng luật, không hề tranh giành, vượt ẩu (cướp đường của nhau)… Đó có lẽ là do tính cẩn thận, kỷ luật và kỹ năng điều khiển xe tốt và có lẽ nếu có một cú va chạm ở vận tốc 280-300 km/h trên đường cao tốc lái xe sẽ tử vong hoặc thương tật suốt đời. Ở Đức cũng có nhiều hội của những người yêu thích lái xe, ở đó các chuyên gia vẫn thường hướng dẫn các tài xế rất nhiều điều bổ ích và lý thú một cách bài bản trong việc lái xe, bao gồm cả kỹ năng lái xe off-road, lái xe trên đường mùa đông, hay kỹ thuật nâng cao như drifting ở các góc ngoặt…

Nguyên tắc cơ bản để đi trên đường cao tốc là, trừ xe tải (bất kể loại nào), xe kéo rơ-moóc mà chỉ được phép đi ở làn trong cùng, bên phải với vận tốc trong khoảng 60-80 km/h, tất cả các xe con và cả môtô hai bánh phân khối lớn, đều được phép chạy tốc độ tối đa cho phép ở các làn giữa và làn ngoài cùng bên trái, nhưng không được “ôm” khư khư một làn đường (giữa hay ngoài cùng bên trái).

3 Lan Dau Lai Xe Cam Nhan He Thong Giao Thong Tot Nhat The Gioi Tai Duc

Nếu xe tôi đang đi ở làn giữa, phải “cắn” đuôi một “gã” nào đó đang đi với vận tốc 120 km/h, phát chán, thì tôi có quyền chuyển sang làn ngoài cùng ở bên trái, vượt qua gã ở vận tốc 150, 180 km/h hay nhanh hơn tùy thích, nhưng ngay sau đó nếu (các) làn trong (giữa) còn trống, thì tôi phải lập tức chuyển vào (các) làn đó mà đi tiếp.

Người nào cứ “ôm” khư khư chỉ một làn đường (khác với làn trong cùng bên phải) quá 4 km liên tục, mà bị cảnh sát bắt được, thì “tiêu đời”. Tóm lại, xe chạy với vận tốc không hạn chế chỉ áp dụng cho các làn ngoài phía bên trái, khi vượt nhau, nhưng phải tuân thủ quy tắc “Khi (các) làn trong bên phải mà còn trống thì phải vào ngay!”.

Khác với suy nghĩ chủ quan ban đầu của mình về sự phong phú đến rắc rối của các bảng cấm, bảng hướng dẫn, hay đèn hiệu… đường giao thông trên bộ ở Đức khá ít có các bảng, biển. Chủ yếu là biển báo tốc độ cố định, nhưng ở từng đoạn sẽ có các biển báo tốc độ tạm thời của cơ quan quản lý giao thông, hoặc trên các bảng điện tử to ở trên cao, cùng vị trí với các bảng, biển chỉ hướng đi … Để đề phòng trường hợp xe đi ở làn trong (giữa) bị các xe to ở làn phải bên cạnh che mất biển báo tốc độ, ở những chỗ có cắm biểm báo tốc độ cố định, thì họ cắm bảng ở cả hai bên lề đường. Tóm lại, đừng có đổ thừa là mình không nhìn thấy biển báo tốc độ. Không xong đâu!

Bên cạnh đó, cũng có một loại biển báo rất phổ biến, là biển báo có thú rừng đi qua đường (vẽ hình con hươu) hầu như ở tất cả các con đường (trừ cao tốc) mà xe chúng tôi đã đi qua. Người ta bảo, ở rất nhiều đoạn đường chạy qua rừng, hươu, nai và heo rừng vẫn thường hay đi qua, và nếu bạn lái xe cán phải nó, thì cũng khá rắc rồi, và không phải đương nhiên bạn được phép mạng xác “nạn nhân” về nhà làm “mồi nhậu” đâu nhé.

Trên nhiều con đường quốc lộ ở Đức, cầu cống và các trang thiết bị giao thông đường bộ được làm rất đẹp, chắc chắn và tiện dụng. Các xe, máy chuyên dùng cho giao thông đường bộ thuộc thế hệ mới, rất hiện đại, chúng tôi chưa từng thấy ở Việt Nam. Đặc biệt, người Đức đã đầu tư rất tốt về kỹ thuật, công nghệ cho lớp trải mặt đường và vật liệu làm các vạch kẻ trên mặt đường.

Khi đi trên đường vào ban đêm, khi ít xe cộ, không gian tương đối yên tĩnh, nếu hạ kính cửa sổ xuống, ta có thể nghe tiếng vọng của các lốp xe cán vào các loại vạch kẻ đườg khác nhau với âm thanh rất khác nhau, gần như tiếng nhạc. Chẳng hạn, khi bánh xe cán vào vạch liền ờ làn trong cùng bên phải, âm thanh kêu u u u.., còn khi bánh xe cán vào vạch đứt, tiếng kêu ú ú ú, ù ù ù hay ủ ủ ủ… Có thể nói họ đã chọn vật liệu, kết cấu các vạch và khoảng cách giữa các nét đứt rất khoa học, để âm thanh từ sự cọ xát giữa lốp xe với mặt đường ở các loại vạch khác nhau đều tạo ra âm thanh khác nhau, để chống sự đơn điệu, gây buồn ngủ hay mất tập trung cho người lái xe…

Khi đi qua các xóm nhỏ trên đường không phải cao tốc, dù chỉ khoảng chục nóc nhà, vẫn phải tuân thủ nguyên tắc chung 50 km/h, hoặc có khi chỉ 30km/h, vì đó là đi qua “đô thị”, dù khi đó là chiều tối, đêm khuya, chả có “ma” nào đi ngoài đường… Ở cửa ngõ đường vào các thị trấn, làng xã có những cột đèn hiệu, mà khi mình đi đến gần nó ở đầu thị trấn với vận tốc trên 50km/h, trên một cái đèn hiệu hình tròn sẽ hiện lên hình một khuôn mặt tròn, màu đỏ rực, với cái miệng mím chặt và cập chân mày nheo lại, chớp chớp liên tục (“nó” đang giận dữ đấy). Nhưng nếu bạn kịp đạp phanh, ra cái vẻ ngoan, hiền để xe giảm tốc độ chỉ còn dưới 50km/h, thì khuôn mặt đó ngay tức khắc đổi sang màu xanh và toét miệng đến mang tai để… cười (thay mặt chính quyền và nhân dân địa phương, “nó” khen bạn đấy). Rất thú vị!

4 Lan Dau Lai Xe Cam Nhan He Thong Giao Thong Tot Nhat The Gioi Tai Duc

Trừ những trường hợp xui xẻo, gặp cảnh sát đi tuần tra, hay ai đó phát hiện thấy một “gã” đang lái xe theo hình con rắn đang bò, khả năng cao là đang có cồn nhiều trong máu, để họ sẽ phải gọi cho cảnh sát công lộ, thì không hề thấy mấy chú ấy đâu cả, tức là không hề có chuyện “anh hùng núp”… Tuy nhiên, nếu bạn đi quá tốc độ, hay vượt đèn đỏ… thì camera giao thông sẽ “xử” bạn ngay, và lúc đó bạn chỉ bỗng chợt thấy một tia chớp chói lóa … Bị chụp hình rồi, biên lai phạt sau đó sẽ được gửi đến địa chỉ của chủ xe, để nộp phạt.

Khi bị chụp hình rõ ràng chiếc xe và bảng số đang vi phạm luật giao thông, mà không bị chụp rõ khuôn mặt người cầm lái đủ để nhận dạng, thì vẫn không có nghĩa là tay tài xế đã… “chết chắc” đâu nhé. Chủ xe, người từng đội mũ, đeo kính mát to bản chạy xe như điên như khùng bị camera “tóm” hôm qua, hôm nay vẫn có thể chối tội, với lý do hắn không lái xe hôm qua, mà có thể chỉ là “ai đó say xỉn đã chôm xe của họ, chạy chơi ẩu tả ngày hôm qua…, đứng có nói oan cho tôi nhá. Không đủ bằng chứng, không “…day tận trán”, thì cũng khó kết tội…

Nhưng đối với những người thuê xe để tự lái như chúng tôi mà vi phạm luật giao thông, thì cảnh sát chỉ việc gửi biên lai về cho “phụ huynh”, công ty cho thuê xe, để họ nộp phạt thay cho kẻ vi phạm luật giao thông, rồi yêu cầu người thuê xe hoàn lại tiền phạt cộng với “tiền công” nộp phạt giúp.

Có lần chúng tôi bị camera tự động chụp hình lúc 20 giờ (khi trời còn tương đối sáng), trong lúc lái xe ở vận tốc 56/50 km/h vào một làng nhỏ chỉ có khoảng 20-30 nóc nhà. Việc bị công ty cho thuê xe truy thu tiền phạt sau đó, đã cho thấy “công nghệ” xử lý vi phạm luật giao thông ở Đức tiến bộ đến mức nào. Phát hiện chính xác, xử phạt gián tiếp và không có ngoại lệ. Còn mình, đã vi phạm thì phải chịu phạt thôi.

Xe hơi lưu thông ở Đức, dĩ nhiên đa phần là xe Đức. Chúng ta có thể thấy nhiều chiếc Mercedes bóng loáng được sử dụng làm taxi. Ngoài ra, xe lưu thông ở Đức ít có các logo thể hiện đời xe ở sau đuôi. Tôi chưa nhìn thấy xe nào có ký hiệu C300, E 350 hay S 500. Mercedes đơn giàn chỉ là thương hiệu, thế thôi. Nhìn cái đuôi xe, thì cũng khó mà biết chiếc nào giá 30.000 EUR, chiếc nào giá 80.000 EUR. Chắc tại mình chạy xe Toyota Vios, nên không rành cái kiểu nhìn dáng “bàn tọa” không ghi ký hiệu của loại xe để phân biệt “sang- hèn”.

Tại Đức, khá ít khi thấy xe Nhật hay xe Hàn, trong khi người Đức vẫn lái những chiếc xe Audi sedan đã chạy đến hơn 400.000 km, mà vẫn chưa có vẻ gì là muốn đổi xe. Khác với người Việt ở nước Việt, người ở Đức dường như chả biết thế nào là hưởng thụ, ngồi xe nào thì cũng vẫn chỉ là ngồi… ôtô mà thôi.

Ở thời điểm chúng tôi thực hiện chuyến đi vào tháng 6/2018, ở Đức vẫn còn rất hiếm thấy các trạm tiếp (sạc) năng lượng cho các xe chạy điện và các trụ điện được lắp ở các bãi nghỉ giữa đường cho xe hơi. Chúng tôi chưa thấy trạm xăng nào lại có các trụ điện dùng cho xe điện. Bây giờ, sau hơn hai năm chắc là ở Đức đã có thêm nhiều trạm sạc cho xe điện rồi.

Hãy chia sẻ câu chuyện của bạn về một kỷ niệm đáng nhớ trên đường thiên lý.

Theo VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC