Để thu hồi và tái chế vỏ chai, lon bia hiệu quả, ở Đức có một hệ thống "thu hồi ve chai", gọi là Pfand.

Tôi rất ủng hộ ý tưởng khởi nghiệp làm ve chai công nghệ. Sống ở châu Âu lâu năm làm tôi cứ nghĩ mãi về chuyện rác thải sinh hoạt gia đình.

Ở châu Âu rác được phân loại và bỏ vào thùng riêng, giấy riêng, nhựa riêng, rác hữu cơ riêng, rác thải sinh hoạt riêng. Tôi đã quen với điều đó nên khi về Việt Nam tôi cũng làm như thế, nhưng chung cư tôi ở chỉ có hai thùng rác, một là rác thải sinh hoạt và hai là rác thải tái chế, mà tái chế được thì nhiều vô kể.

Sống đâu theo đó, vậy là nhà tôi cũng chỉ có hai thùng rác, nhựa và giấy cho vào cùng nhau, và tôi đổ ra thùng rác tái chế. Có lẽ người thu gom thùng rác tái chế này cũng phải lựa ra bằng tay.

Tôi nghĩ để giảm thiểu rác thải cho thành phố thì mỗi gia đình nếu tự làm thì số lượng rác thải phải đem chôn sẽ ít hơn đi nhiều. Tôi vào trong phòng rác của chung cư thấy đa số rác đổ chung hết vào thùng rác thải sinh hoạt, nhưạ và giấy, chai lọ có cả. Người dân chưa thực sự có động lực để tự phân loại rác thải.

Nay có ứng dụng này thì có lẽ nếu càng nhiều người dùng thì sẽ càng giảm thiểu số lượng rác thải không phân loại.

42 1 Mot Buoi Di Nhat Ve Chai O Duc Duoc Vai Chuc Euro

Tôi nghĩ để hoạt động hiệu quả, thì VECA nên kết hợp trực tiếp với ban quản trị của các chung cư để thiết lập các máy thu mua tại các phòng rác. 

Người dân sống trong chung cư đỡ phải tích góp nhiều trong nhà, mang ra phòng rác rồi phân loại tại chỗ, được máy ghi nhận, là sẽ tự động có ý thức phân loại rác ra ngay.

Tiền có thể tích luỹ vào tải khoản, khi nào thích thì lấy ra, hoặc tích điểm đổi quà. Ghi nhận bằng máy sẽ có trường hợp người dân cố tình tăng nặng số kg của rác thải để đổi được nhiều tiền hơn, vì vậy có thể áp dụng hình thức phạt trừ trực tiếp vào tài khoản đã đăng ký.

Rác thải muốn tái chế được thì phải sạch sẽ, nhựa cũng phải được rửa sạch trước khi đem vào thùng tái chế, chai lọ cũng vậy, bên trong phải rỗng không được chứa dung dịch hoặc nước uống.

Ở Đức có khái niệm Pfand, tức là khi mua chai nước gì đó uống, bạn phải thế chân luôn tiền vỏ chai, mỗi vỏ chai lại quy đổi ngay ra tiền mặt, chai nhựa, lon bia là 25 cents, chai thuỷ tinh chỉ có 8 cents.

Người dân sau khi mua nước, bia về nhà đều giữ lại vỏ chai rồi đem ngược ra các siêu thị cho vào máy đổi vỏ chai. Máy sau khi thu gom vỏ chai thì phân loại tự động đâu là vỏ chai nhựa, đâu là vỏ chai thuỷ tinh, rồi cho vào từng thùng và túi tương ứng để đem đến các nhà máy xử lý. Vì thế mà trong các thùng rác của cư dân, rất hiếm để tìm thấy vỏ chai. Hầu như là không có gì.

Ở các sự kiện văn hoá diễn ra ngoài trời, người dân có thể vứt vỏ chai ra ngoài đường vì số lượng người quá đông mà số lượng thùng rác thì hữu hạn. Vậy nên cũng có thể thấy nhiều người mang túi rất to đi thu gom vỏ chai để trả lại cho các siêu thị, lấy tiền thế chân ra. Một buổi nếu nhặt nhiều cũng được vài chục euro là chuyện có thể.

Cái này muốn làm được phải có quy hoạch chính sách của nhà nước, các nhà máy sản xuất chai lọ phải có in mã vạch, mã vạch được dùng để quét khi máy thu gom đọc được mã vạch và ghi nhận tương ứng, nếu nhà máy sản xuất chai mà không in mã vạch thì không thể nào biết được chai nào là loại nào mà thu gom.

Thực tế ngay cả bên Đức cũng có nhiều loại chai lọ mà máy không nhận được, đành phải bỏ vào thùng rác cạnh đó để đem đổ đi, chẳng hạn, bia Sài Gòn hay bia Hà Nội được nhập vào bán nhiều ở chợ Đồng Xuân, Berlin, đều không thể được máy thu gom của siêu thị chấp nhận, nên phải bỏ đi.

Chúc startup này thành công trong việc thu gom rác thải của thành phố để mỗi ngày có ít rác hơn được đem đến chôn bên bãi rác Đa Phước bên quận 7, dân phía nam Sài Gòn đỡ phải ngửi mùi nồng nặc bốc ra từ bãi rác mỗi khi tới mùa.

Hoang Pham

Nguồn: VnExpress




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC