Ngày cưới của dân Đức không quá rườm rà, cầu kỳ mà nhẹ nhàng, tinh tế. Họ thường mời người thân và bạn bè quan trọng chứ không mời hết họ hàng, đồng nghiệp, bà con lối xóm như ở Việt Nam.

Đối với người phụ nữ Đức thì trong ngày cưới, ngay sau khi ký giấy kết hôn cũng là lúc họ chính thức mang họ của chồng và được gọi theo tên người chồng - mặc dù kể từ tháng 4/1994 Luật mang họ trong gia đình (Familiennamengesetz) đã được thay đổi và người vợ có quyền chọn giữ họ riêng hoặc dùng họ kép - nhưng hầu hết các cặp vợ chồng Đức vẫn theo truyền thống này.

Đối với con cái, khi bố mẹ chưa đăng ký kết hôn thì người con "thuộc về" mẹ và mang họ mẹ (trừ trường hợp người bố làm giấy tờ xin nhận con), và sau khi bố mẹ đám cưới, chúng mới chính thức theo họ bố.

Mời đám cưới

Phong tục mời đám cưới này sàng siết chặt tình thân giữa các mối quan hệ của cô dâu chú rể với người được mời dự đám cưới nhưng có lẽ nó tốn thời gian, phong tục tên là "Kossenbitter".

Trong phong tục này, một trong những người thân của cô dâu sẽ hành động giống như "Kossenbitter" nghĩa là ăn vận một chiếc áo ximockinh (Tuxedo) và mũ chóp cao để đi phát giấy mời dự đám cưới cùng với chú rể và cô dâu. Những người được mời sẽ phải cho anh ta tiền và uống một ngụm rượu khoai tây với cô dâu chú rể. Phong tục phát giấy mời này thường mất đến vài ngày mới xong.

Bốn tục lệ quan trọng nhất trong đám cưới người Đức

Ba tục lệ quan trọng nhất mà hầu như từ xưa đến nay, ai tổ chức đám cưới đều cố gắng chuẩn bị bao gồm:

* Junggesellenabschiedsparty (Tiệc "độc thân" cuối cùng)

1 Nhung Net Thu Vi Trong Phong Tuc Cuoi Hoi Cua Nguoi Duc

Khoảng 2-3 tuần trước ngày cưới chính thức, chú rể sẽ cùng với nhóm bạn nam và cô dâu sẽ cùng với nhóm bạn nữ của mình tổ chức lễ hội gọi là "Junggesellenabschied/Junggesellinnenabschied" - một tập tục bắt nguồn từ Anh với tên gọi "Stag Night / Hen Night" - là một buổi lể hội họp với bạn bè khi vẫn còn mang danh "độc thân vui tính". Buổi lễ này sẽ do nhóm bạn của "nhân vật chính" tổ chức.

Thông thường họ không thông báo trước mà sẽ gây bất ngờ cho cô dâu hoặc chú rể. Trước đây, ngày này là ngày mà người bố của cô dâu sẽ cho gọi toàn bộ đàn ông trong nhà đến để "soi" người con rể tương lai, nhằm kiểm tra xem anh ta có đủ tư cách và trách nhiệm làm chồng con gái mình không!!

Chú rể sẽ phải nghe những bài giáo huấn và triết lý dài dòng về hôn nhân và gia đình, gần như là một "thử thách cuối cùng” trước khi được cưới cô dâu về.

Dần dần, người ta nghĩ ra các trò chơi để vừa thử vừa trêu chọc chú rể, và đến thời nay thì buổi lễ đã trở thành bữa tiệc vui nhộn, họ uống rượu và hò hét, họ ra đường và đi lòng vòng khắp nơi, mời thêm người đi đường tham gia như để thông báo với cả thế giới về tin vui của bạn họ.

Polterabend (Đêm đập phá)

"Đêm đập phá” là một phong tục đã có truyền thống từ thời cổ đại và được cô dâu và chú rể cùng tổ chức vào buổi tối trước lễ cưới. Lúc này cả chủ và khách sẽ đập vỡ một số lượng lớn những chiếc đĩa và bắt cô dâu cùng chú rể phải rửa hết số đĩa vỡ đó. Tuy nhiên, không được làm vỡ ly hay cốc thủy tinh, bởi đây lại là điều đại kỵ. 

2 Nhung Net Thu Vi Trong Phong Tuc Cuoi Hoi Cua Nguoi Duc

Người Đức tin rằng, việc phải rửa một đống những chiếc đĩa vỡ mà gia đình và bạn bè đã phải rất vất vả làm ra sẽ giúp đôi vợ chồng trẻ có được một cuộc sống mới tốt lành hơn.

Phong tục này có vẻ hơi phá phách nhưng mọi người lại rất thích thú và giống như hầu hết phong tục ở những nơi khác, họ đều chúc phúc và may mắn cho cô dâu chú rể. Có người cho rằng, tục đập vỡ những chiếc đĩa trong ngày cưới ở Đức được du nhập từ người Do Thái, những người đã chu du qua nhiều nước và sống cùng nhiều cộng đồng dân cư khác nhau. Trong lễ cưới, theo tục lệ, người Do Thái đập vỡ đĩa hay cốc hai lần.

Lần đầu tiên là khi viết hôn ước, thể hiện họ đã quyết định đi chung mà không quay lại. Những chiếc đĩa sẽ được cả mẹ của cô dâu và chú rể đập vỡ. Lần thứ hai là vào cuối lễ cưới và do chú rể thực hiện. Ý nghĩa của lần đập bể này là để tưởng nhớ đến sự tàn phá của ngôi đền thánh ở Jerusalem.

Phong tục đập vỡ những chiếc đĩa của người Đức lại mang ý nghĩa là vĩnh biệt cuộc sống cũ và bắt đầu một cuộc sống mới sau khi cưới. Phong tục này cũng được cho là một cách phòng ngừa trong tương lai, tức là khi xảy ra chiến tranh giữa hai người thì họ không cần đập thêm bát đĩa nữa.

Cưa gỗ

3 Nhung Net Thu Vi Trong Phong Tuc Cuoi Hoi Cua Nguoi Duc

Phong tục đám cưới này cũng khá thú vị và không tốn hao tài sản như đập vỡ đĩa, tuy nhiên sức lực cô dâu chú rể bỏ ra lại không hề ít.

Cưa gỗ thực chất chỉ là một phong tục trong cưới hỏi sẽ thử sức dẻo dai của cô dâu chú rể. Trong lễ cưới, một khúc gỗ được đặt giữa giá đỡ mà ở đó mỗi người phải đứng một đầu cầm cưa và đẩy đưa sao cho thật nhịp nhàng, uyển chuyển, không bị vấp, không nhanh, không chậm - đây là biểu tượng cho một cuộc hôn nhân hài hòa, nhịp nhàng, biết nhường nhịn lẫn nhau để đạt hạnh phúc.

Bộ váy và giày cưới của cô dâu - hành trang mang lại may mắn

Ngay từ ngày nhỏ, các bé gái người Đức cũng như mẹ của chúng sẽ cùng nhau "nhặt nhạnh" các đồng tiền 1-2 xu đem cất đi, không chỉ để tiết kiệm, mà để dùng mua giầy cưới cho hôn lễ của họ sau này. Đó là biểu tượng cho tính tiết kiệm của người vợ sẽ đem lại hạnh phúc cho gia đình mình. Vào ngày cưới, nhiều nhà sẽ chơi trò “đem giầy cô dâu ra cho khách mời đấu giá”, người làm chứng cho đám cưới sẽ cầm một cái mũ rồi đi một vòng, cứ đến người khách nào thì họ phải thả vào mũ khoản chênh lệch mà họ vừa trả giá với người trước đó. Người cuối cùng là chú rể sẽ được "mua" lại đôi giày để trả cô dâu - kèm theo cả khoản tiền đã thu được trong mũ (tất nhiên là cuộc vui nên trò đấu giá này chỉ giới hạn trong một khoản tiền nhỏ).

Vào ngày cưới, cô dâu sẽ phải mặc kèm theo váy cưới một số thứ sau đây: một vật đã cũ - biểu tượng của đoạn đường đời đã đi qua khi còn độc thân, một vật mới tinh - biểu tượng của đoạn đường đời sắp bước tới trong vai trò người vợ, một vật màu xanh da trời - biểu tượng của lòng chung thủy, một vật đi mượn về - biểu tượng của tình bạn và đặt một đồng 1 xu trong giầy - biểu tượng của sự no ấm, đầy đủ, may mắn.

4 Nhung Net Thu Vi Trong Phong Tuc Cuoi Hoi Cua Nguoi Duc

"Vũ điệu voan trắng" tiếng Đức gọi là "Schleiertanz" được nhiều gia đình tổ chức vào đúng 12 giờ đêm của ngày cưới, khi bước sang một ngày mới và cô dâu chính thức trở thành vợ “người ta”.

Voan cưới từ xa xưa đã là biểu tượng sự trinh trắng của cô dâu và nó cũng từng là vật màu trắng duy nhất trong bộ váy cưới, bởi thời đó, dân tộc Đức mặc đồ cưới màu đen, chỉ là một bộ váy lễ của ngày chủ nhật. Cô dâu sẽ nhảy "vũ điệu voan trắng" một mình và các cô gái chưa lập gia đình phải xông vào … xé voan của cô dâu. Giống như phong tục ném hoa cưới, người ta tin rằng, ai có được mảnh voan to nhất sẽ được thần Tình Yêu để ý và cũng chuẩn bị bước lên xe hoa.

Một số phong tục tập quán cưới hỏi khác ở Đức

5 Nhung Net Thu Vi Trong Phong Tuc Cuoi Hoi Cua Nguoi Duc

Ở một số vùng của nước Đức, khi đôi uyên ương vừa bước ra khỏi phòng đăng ký kết hôn, họ sẽ được gia đình và bạn bè ném gạo lên người với ý muốn chúc phúc cho đôi trẻ có được một cuộc hôn nhân hạnh phúc, con đàn cháu đống. Một tục lệ tương tự khác là sau khi đăng ký kết hôn xong, trẻ em trong gia đình sẽ luôn chạy phía trước để rải hoa cho mỗi bước đi của cô dâu. Họ mong cô dâu sé sớm được làm mẹ và có một con đường hôn nhân luôn trải đầy “gấm hoa”.

Một phong tục khác trong đám cưới mang đến nhiều sự thú vị và bất ngờ cho cô dâu chú rể đó là "Bắt cóc cô dâu". Ở nhiều ngôi làng nhỏ thuộc nước Đức, bạn bà của cô dâu sẽ bắt cóc cô dâu và đem giấu cô ở một nơi nào đó. Chú rể sau đó phải đi tìm cho ra cô dâu. Tất nhiên, cuộc tìm kiếm luôn được bắt đầu ở quán rượu địa phương vì những lý do hiển nhiên, đây sẽ là nơi mà chú rể phải mời mọi người tới để cùng tham gia cuộc tìm kiếm sau khi đã thết đãi họ một chầu nhậu.

Nhiều bạn bè của cô dâu và chú rể còn trêu chọc họ bằng cách ngấm ngầm đặt đồng hồ báo thức trong nhà của đôi uyên ương để đêm tân hôn họ sẽ bị "quấy rối"; hoặc có khi họ sẽ chơi trò đóng kịch - gọi là trò "Maschkern", cùng nhau đeo mặt nạ và diễn lại cuộc đời độc thân của cô dâu và chú rể, thêm nhiều tình tiết… éo le như người tình cũ xuất hiện và muốn "chiếm" lại tình nhân… Và cuối cùng, để đền đáp tình cảm cũng như công sức của những "diễn viên đặc biệt" này, cô dâu và chú rể sẽ mời họ nhậu một chầu ra trò.

Đeo nhẫn cưới tay phải

Hiện nay ở các quốc gia, người ta thường chuộng đeo nhẫn cưới ở tay trái, tuy nhiên ở các nước như Thụy Sĩ, Áo, Đức, họ lại đeo nhẫn đính hôn ở tay trái và nhẫn cưới ở tay phải. Liên quan đến vấn đề này có rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra như đao nhẫn cưới ở tay phải là tay thuận của đa số mọi người sẽ làm người ta có ý thức hơn về sự chung thủy.

Cũng có ý kiến cho rằng thế kỷ thứ 9, người Đức chuyển sang đeo nhẫn tay phải cho hợp với nghi thức hành lễ của các thầy tu, bởi theo họ đeo nhẫn ở ngón áp út phải sẽ kết linh họ với quyền lực siêu nhiên của Đức Chúa.

Nếu để ý kỹ khi quan sát, những người Đức am hiểu lễ nghi khi nhìn từ đằng sau, đàn ông bao giờ cũng đi bên trái phụ nữ, còn các nước Châu Âu khác, đàn ông bao giờ cũng đi bên phải người phụ nữ.

Việc đeo nhẫn cưới ở tay phải hiện nay tuy vẫn phổ biến nhưng không còn là bắt buộc nữa, đặc biệt trong bối cảnh nhiều người Đức kết hôn với người nước ngoài.

Những điều trên cho chúng ta thấy được một góc nhỏ trong nền văn hóa Đức. Nếu du khách có dịp đặt chân đến nước Đức trong hành trình du lịch Châu Âu, du khách hãy tự mình khám phá nhiều hơn để hiểu hơn về đất nước xinh đẹp này nhé!




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC