“Tôi đang tồn tại chứ không sống”, một nữ y tá năm nay đã 71 tuổi sống tại thị trấn Gelsenkirchen, Đức cho biết.
Theo bà Dorris chia sẻ, cuộc sống của bà hiện vô cùng khó khăn. “Tôi không dám mơ đến việc có 10 euro đi xem balle hay đi xem phim. Nhưng điều khiến tôi đau xót nhất chính là tôi không thể có tiền mua quà cho các cháu nhỏ của mình”, bà buồn rầu. Theo Financial Times, những câu chuyện giống như bà Dorris vô cùng phổ biến tại Đức, đặc biệt tại các vùng nông thôn. Nó trái ngược hẳn với tuyên bố của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng người Đức đang sống trong một nước Đức giàu có chưa từng thấy trước đây.
Nếu ai đó không hiểu bản chất của xã hội Đức hẳn sẽ thấy rất ngạc nhiên với khẩu hiệu giảm bất bình đẳng xã hội.
Nếu chỉ nhìn vào thành tích tăng trưởng kinh tế Đức, thật khó để nghĩ rằng trong xã hội Đức tồn tại vấn đề như vậy. Đức hiện đang là một nước giàu, thu nhập bình quân đầu người cao nhất tại Liên minh châu Âu (EU), cao hơn hẳn so với Anh, Pháp và Ý. Thất nghiệp thấp nhất EU, tình trạng khan hiếm lao động khiến các ông chủ Đức đau đầu đã nhiều năm. Tuy nhiên, bên trong một xã hội có vẻ như hoàn hảo đó, khoảng cách giàu nghèo đang nới rộng hơn nhiều so với trước. Ngay cả nhiều người Đức cũng không tin rằng xã hội Đức có chênh lệch giàu nghèo lớn bởi theo họ, bất bình đẳng xã hội đã biến mất sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Trong cuộc khảo sát được thực hiện bởi kênh truyền hình ARD mới đây, cử tri Đức đã coi bất bình đẳng xã hội như vấn nạn tồi tệ thứ hai tại Đức hiện nay, sau vấn đề nhập cư trái phép. Trong khi đó, trên khắp châu Âu, bất bình đẳng xã hội chỉ đứng thứ năm trong nhóm những vấn đề tồi tệ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, chính Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng rất lo lắng về tình trạng bất bình đẳng xã hội. Vậy nước Đức đã trở nên bất công hơn với chính công dân Đức như thế nào? Và tình trạng bất bình đẳng xã hội thay đổi ra sao sau 12 năm bà Merkel nắm quyền.
Các số liệu thống kê cho thấy tính từ sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, nước Đức đã ngày một bất bình đẳng hơn.
Tuy nhiên trong năm năm gần nhất, bất bình đẳng xã hội giảm bớt đi nhờ lĩnh vực sản xuất, mức lương người lao động tăng trưởng mạnh. Nếu xét riêng về thu nhập của các hộ gia đình, một trong những chỉ số quan trọng nhất khi đo lường bất bình đẳng xã hội, mức của Đức cũng gần tương đương với mức trung bình của EU. Thế nhưng nếu xét về tổng tài sản nắm giữ, tình trạng bất bình đẳng tại Đức khá tồi tệ.
Tỷ lệ tài sản do các gia đình giàu có sở hữu cao hơn rất nhiều so với tỷ lệ chung của phần lớn các quốc gia Tây Âu. Chênh lệch giàu nghèo giữa nhóm 10% nghèo nhất và 10% giàu nhất tại Đức bắt đầu nới rộng từ giữa thập niên 1990, toàn cầu hóa và thất nghiệp khiến xu thế này trở nên tồi tệ hơn.
Sau khi nước Đức thống nhất vào năm 1990, kinh tế Đức phục hồi nhờ xuất khẩu tăng trưởng mạnh, mức lương người lao động được giới hạn, hàng loạt chương trình cải cách thị trường lao động và phúc lợi xã hội được đưa ra.
Những yếu tố trên giúp xây dựng cho vị thế hàng đầu châu Âu của Đức và củng cố thêm vị thế cho bà Merkel, người bắt đầu lên nắm quyền vào năm 2005. Tuy nhiên dù thất nghiệp giảm, mức lương lao động của những người đang còn đi làm tăng quá chậm, đặc biệt nhóm thu nhập thấp có tỷ lệ tăng thu nhập thấp hơn nhiều so với nhóm thu nhập cao. Tình trạng này có cải thiện nhẹ trong năm năm gần đây nhưng chưa đủ lớn để tạo nên sự thay đổi cục diện.
Thất nghiệp trong xã hội Đức thực sự đã giảm, nhưng rất nhiều người chỉ có được việc làm bán thời gian với mức lương vô cùng bèo bọt.
Đáng chú ý tỷ lệ này đang tăng nhanh chóng. Nếu như vào năm 2002, Đức có 4,1 triệu người làm việc bán thời gian thì đến nay, con số này đã tăng lên mức 7,5 triệu. Nhiều người ủng hộ việc tăng số lượng việc làm bán thời gian khẳng định rằng khi việc làm bán thời gian đang mang đến nhiều cơ hội cho những người yếu thế như bà mẹ có con nhỏ, sinh viên hay người về hưu.
Tuy nhiên trên thực tế, khi tỷ lệ việc làm bán thời gian tăng lên trong tổng số lượng việc làm, nhiều người đang làm việc toàn thời gian cố định mất việc khi ông chủ muốn tuyển thay phiên người làm bán thời gian.
Theo một chuyên gia tư vấn cho đảng Dân chủ Xã hội Đức, khoảng 10% người Đức giàu nhất nắm quá nhiều tài sản sinh lời từ thế hệ này qua thế hệ khác trong khi đó nhóm khoảng 40% người nghèo nhất gần như không có gì. Các con số trên được đưa ra hoàn toàn dựa trên cơ sở thực tế.
Hiện nay, chỉ khoảng 45% người Đức có nhà riêng. Giá nhà tại Đức nếu thống kê trên bình diện chung cả nước không thay đổi trong suốt nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, từ sau khủng hoảng tài chính toàn cầu, giá nhà tại các thành phố lớn tăng nhanh chóng mặt khiến chênh lệch giàu nghèo ngày một nới rộng hơn.
Ngoài ra, chế độ hưu trí của Đức cũng đang chỉ ưu tiên cho những người đi làm suốt những năm tháng tuổi trẻ, không bị ngắt quãng. Tuy nhiên trong xã hội còn quá nhiều người không thể đi làm đều đặn như vậy. Nói tóm gọn, người dân Đức không thể trông vào tiền hưu trí để sống như tại Anh hay Mỹ.
Với những yếu tố trên, bất bình đẳng xã hội Đức duy trì ở mức cao và không có nhiều dấu hiệu cho thấy nó có thể sớm được giải quyết trong một sớm một chiều.
Nguồn: nhipsongdoanhnghiep