Vụ kiện, do hai bang Texas và Montana dẫn đầu cho rằng ông Biden đã vượt quá thẩm quyền bởi việc thu hồi giấy phép đường ống dẫn dầu xuyên biên giới là "quy định thương mại liên bang và quốc tế" và nên để Quốc hội quyết định.
"Hành động của các bị đơn trong Nội các có khả năng tước đoạt hàng triệu USD của các bang và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các bị đơn không đưa ra được lời giải thích hợp lý về lý do họ hành động như vậy", đơn kiện nêu rõ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Reuters)
Phát ngôn viên Nhà Trắng từ chối bình luận về vụ kiện. Bộ Tư pháp Mỹ cũng chưa phản hồi khi được liên lạc.
Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, ông Biden ký sắc lệnh thu hồi giấy phép của dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL, chấm dứt dự án gây tranh cãi trong 12 năm qua.
Quyết định này vấp phải sự phản đối gay gắt từ phe Cộng hòa, nhưng nhận được lời tán dương từ các nhà bảo vệ môi trường.
Trong tuyên bố đưa ra về vụ kiện, Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen gọi việc hủy giấy phép là ví dụ cho thấy ông Biden vượt trên vai trò hiến pháp của mình để gây bất lợi cho người dân Montanan.
Trong sắc lệnh, ông Biden khẳng định đường ống này có hại cho lợi ích quốc gia và việc duy trì giấy phép không phù hợp với các yêu cầu về kinh tế và khí hậu của chính quyền.
Được khởi công từ năm 2008, Keystone XL dài khoảng 2.000 km, vận chuyển dầu thô từ các mỏ dầu ở tỉnh Alberta (Canada) đến các nhà máy lọc dầu ở nhiều tiểu bang Mỹ. Dự án này là vấn đề gây tranh cãi trong một thời gian dài.
Năm 2015, cựu Tổng thống Obama từng đình chỉ giai đoạn bốn của đường ống, kéo dài từ Alberta tới bang Nebraska (Mỹ) với lý do dự án chỉ tạo ra lợi ích kinh tế cho Canada và làm trầm trọng thêm vấn đề hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức, cựu Tổng thống Trump cho phép dự án hoạt động trở lại.
Nhiều nhà hoạt động môi trường cũng như các bộ lạc địa phương phản đối quyết định này. Trong khi đó, những người ủng hộ chỉ ra rằng dự án sẽ mang lại việc làm và doanh thu.
SONG HY (Theo: The Hill)
Nguồn: vtc.vn