Trong bài phân tích đăng trên chuyên san Perspective của ISEAS - Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ĐNA) của Singapore, hai chuyên gia nghiên cứu chính trị và chiến lược Malcolm Cook và Ian Storey cho rằng chương trình nghị sự về đối ngoại của ông Biden sẽ bị một số vấn đề lớn ở châu Á chi phối. Một trong những trọng tâm chính là sự leo thang cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc (TQ).
Để có thể tấn công toàn diện Bắc Kinh, chính sách của ông Biden sẽ có những trụ cột mang tính toàn diện, không chỉ tập trung vào vấn đề an ninh.
Nhận thức được “mối đe dọa” từ Trung Quốc
Nhà nghiên cứu địa chiến lược Brahma Chellaney thuộc Trung tâm nghiên cứu chính sách New Delhi (Ấn Độ) cho rằng trong phần lớn sự nghiệp chính trị đã qua của mình, ông Biden có quan điểm sai lầm khi đặt niềm tin vào TQ.
Ông Jake Sullivan, người được chọn trở thành cố vấn an ninh quốc gia tiếp theo của Mỹ, đã đề xuất chính sách “cùng tồn tại trong kiểm soát”, cho rằng Bắc Kinh vừa là đối tác của Washington nhưng vừa là đối thủ cạnh tranh. Định hướng này được cho là tương đồng với quan điểm của Bắc Kinh về “sự cạnh tranh mang tính hợp tác”. Tuy nhiên, khác với thời ông Obama, sự cạnh tranh và đối đầu sẽ gia tăng đáng kể khi nhận thức của ông Biden về “mối đe dọa” từ TQ đã rõ ràng.
Chuyên gia Chellaney còn lưu ý rằng ông Biden và đội ngũ cố vấn Dân chủ hiếm khi sử dụng thuật ngữ “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” như chính quyền ông Trump mà dùng lại cụm từ “châu Á - Thái Bình Dương”. TQ ủng hộ thuật ngữ cũ hơn và truyền thông nước này còn muốn ông Biden bỏ hẳn khái niệm “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, hiện nay cái nhìn tiêu cực và tâm lý chống TQ được cho là đang gia tăng trên thế giới. Điều này có thể khiến ông Biden khó thay đổi mạnh mẽ chính sách của Washington đối với TQ. So với các đời tổng thống Dân chủ trước, ông Biden có thể sẽ có quan điểm cứng rắn hơn với TQ. Dù ít kinh nghiệm trong quan hệ với TQ, đội ngũ cố vấn chính sách đối ngoại và quốc phòng của chính quyền mới, bao gồm ông Sullivan, được cho là sẽ ủng hộ mạnh mẽ liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm kiềm chế Bắc Kinh.
Trong quan hệ thương mại với TQ, ông Biden rất có thể sẽ duy trì áp lực hiện có, theo The Economist. Căng thẳng thuế quan Mỹ - Trung có thể hạ nhiệt, song Washington nhiều khả năng sẽ gia tăng các biện pháp phi thuế quan như kiểm soát xuất nhập khẩu, hạn chế đầu tư hay trừng phạt tài chính.
Duy trì FONOP, kiên quyết bác bỏ yêu sách phi pháp của Trung Quốc
Trong bốn năm qua, Tổng thống Trump đã tăng tần suất tuần tra tự do hàng hải (FONOP) ở Biển Đông, cũng như chính thức bác bỏ yêu sách vô căn cứ của Bắc Kinh trong khu vực. Cùng với đó, Mỹ cũng hỗ trợ Nhật ở biển Hoa Đông, thậm chí là tuyên bố sẵn sàng điều quân hỗ trợ Tokyo tại nhóm đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.
Ở Biển Đông, ông Biden có vẻ bị đặt vào thế phải tăng hoặc ít nhất là không giảm tần suất FONOP, theo hãng tin Bloomberg. Ứng viên cố vấn Nhà Trắng Sullivan cũng định hướng chính sách theo hướng này. Cuối tháng 11-2020, ông Sullivan từng nói rằng Mỹ “nên dành thêm của cải và nguồn lực” cho việc bảo vệ quyền tự do hàng hải, cũng như duy trì các quan hệ đối tác ở Biển Đông.
Ông Biden cũng được cho là sẽ duy trì trừng phạt các công ty TQ liên quan tới việc bồi đắp và quân sự hóa trái phép các đảo nhân tạo ở Biển Đông, đặc biệt khi đây cũng là các mắt xích quan trọng trong “Sáng kiến Vành đai và con đường” mà Bắc Kinh dùng để gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Tương tự, ở biển Hoa Đông, ông Biden gần như chắc chắn không bao giờ nhượng bộ những yêu sách của Bắc Kinh đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, theo Viện CATO - một trung tâm nghiên cứu chính sách có trụ sở ở thủ đô Washington (Mỹ). Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga hôm 12-11-2020, ông Biden đã tái khẳng định cam kết hỗ trợ Nhật phòng thủ ở Senkaku/Điếu Ngư, cũng như toàn tỉnh Okinawa.
Ông Tập Cận Bình (khi còn là phó chủ tịch TQ - trái) và ông Joe Biden (khi còn là phó tổng thống Mỹ - phải) dự sự kiện ở Phòng Thương mại Mỹ đầu năm 2012. Ảnh: REUTERS
Cải thiện quan hệ với ASEAN và các đồng minh truyền thống
Theo nhận định của The Economist, ông Biden sẽ không thay đổi đáng kể chính sách của Washington đối với ASEAN. Chính quyền mới của Mỹ được cho là sẽ thúc đẩy hợp tác an ninh, theo đuổi chủ nghĩa quốc tế và tái tham gia các diễn đàn cấp cao ở Đông Nam Á. Định hướng này sẽ tạo sức ép với Bắc Kinh.
Mỹ cũng có thể khuyến khích các khoản đầu tư, cứu trợ để giúp các nước ASEAN khắc phục hậu quả sau đại dịch. Khác với “ngoại giao khẩu trang” của TQ với việc hỗ trợ sản phẩm y tế, Mỹ sẽ tiếp tục giúp đỡ các nước này nâng cao chuyên môn và cải thiện hệ thống y tế trong khu vực.
Chính quyền ông Biden được dự đoán sẽ đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia ASEAN để đứng cùng các bên có tranh chấp ở Biển Đông. Trong khi đó, Philippines sẽ trở thành trọng tâm trong chiến lược “đa phương hóa mới” của ông Biden ở châu Á, theo nhà nghiên cứu Richard Javad Heydarian thuộc ĐH Chính trị Đài Loan. Người dân Philippines có thể hy vọng vào một chính sách vẫn đủ cứng rắn nhưng “tinh tế và khác biệt hơn” so với chính sách chống TQ của ông Trump.
Còn ở Đông Bắc Á, chính quyền mới ở Nhà Trắng ít có khả năng sẽ duy trì những áp lực lên hai đồng minh là Nhật và Hàn Quốc, theo Viện CATO. Trong vấn đề này, từ bỏ chính sách của ông Trump không chỉ giúp dỡ bỏ áp lực đối với Tokyo và Seoul, mà còn giảm phí tổn tiềm tàng cho các hoạt động của Mỹ trong khu vực.
Vấn đề Triều Tiên sẽ ra sao?Ông Biden vẫn gặp thách thức lớn với vấn đề Triều Tiên. Nếu không nhanh chóng vạch rõ ưu tiên về đối thoại với Triều Tiên, ông Biden có thể tạo cơ hội cho Bình Nhưỡng có cớ đẩy mạnh chương trình tên lửa gây tranh cãi. Hướng đi cho chính quyền mới của Mỹ có thể là thúc đẩy đối thoại qua TQ (đồng minh của Triều Tiên) và Hàn Quốc khi chính quyền Seoul vẫn kỳ vọng cải thiện quan hệ với Bình Nhưỡng. |
Hoàn Đức
Nguồn: plo.vn