Anh ban đầu thể hiện cách tiếp cận chậm rãi với Covid-19, từ chối ban hành các biện pháp kiểm soát quyết liệt, chiến lược được cho là "buông lỏng" để virus lây lan cho một tỷ lệ đáng kể dân số nhằm xây dựng khả năng miễn dịch, còn được các nhà virus học gọi là "miễn dịch cộng đồng".
"Chúng tôi không hướng đến ngăn chặn sự lây nhiễm. Đấy là điều không thể và cũng không lý tưởng, bởi mục tiêu là đạt được một phần miễn dịch trong dân số. Chúng ta cần có khả năng miễn dịch để tự bảo vệ bản thân trong tương lai", Patrick Vallance, cố vấn trưởng về khoa học của chính phủ Anh, phát biểu hôm 12/3.
Tiến sĩ Johan Giesecke, cựu chuyên gia dịch tễ của chính phủ Thụy Điển, đồng thời là cố vấn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đồng tình với chiến lược này, cho rằng cả Anh và Thụy Điển đều đang đi đúng hướng, trong khi phần còn lại của thế giới hối hả phong tỏa ngăn Covid-19.
Người dân tận hưởng thời tiết nắng ấm tại một nhà hàng ngoài trời ở Stockholm, Thụy Điển, hôm 26/3, bất chấp Covid-19. Ảnh: Reuters.
Quốc gia Bắc Âu Thụy Điển cũng theo đuổi mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" với chiến lược chống Covid-19 mềm mỏng. Họ không áp lệnh phong tỏa quyết liệt, đặt niềm tin vào ý thức tự giác phòng dịch của người dân thay vì dùng những chế tài bắt buộc. Học sinh tiểu học và trung học vẫn đến lớp. Các cửa hàng, phòng gym hay nhà máy hoạt động bình thường và thường xuyên đông đúc.
Tuy nhiên, khi người dân Stockholm vẫn dùng bữa tại nhà hàng, thưởng thức bia lạnh dưới ánh nắng trong quán bar ngoài trời, London bỗng chốc hóa "thành phố ma" khi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson áp lệnh phong tỏa toàn quốc, đưa Anh rẽ sang một con đường khác với Thụy Điển.
Bước ngoặt này xuất phát từ bản báo cáo gây chấn động của nhà dịch tễ học Neil Ferguson và nhóm phản ứng Covid-19 của ông tại Đại học Hoàng gia London, công bố hôm 16/3. Họ quả quyết rằng nếu không làm gì để ngăn nCoV lây lan, 510.000 người tại Anh và 2,2 triệu người ở Mỹ sẽ chết khi làn sóng truyền nhiễm "nhấn chìm" hệ thống y tế.
Với uy tín của Ferguson cùng nhóm của ông, bản báo cáo nhanh chóng được tiếp thu tại cả hai bên bờ Đại Tây Dương, đầu tiên là Phố Downing, sau đó là Nhà Trắng.
Chính phủ của Thủ tướng Johnson ban đầu đề xuất cách tiếp cận khá nửa vời, với những biện pháp không quá hà khắc, tương tự con đường Thụy Điển theo đuổi. Tuy nhiên, Ferguson cảnh báo ngay cả khi áp dụng chiến lược làm chậm sự lây lan mà không ngăn dịch triệt để, số người chết tại Anh vẫn có nguy cơ lên đến 250.000.
Giới chức y tế nhanh chóng mường tượng ra viễn cảnh hàng nghìn bệnh nhân tràn ngập bệnh viện, phòng chăm sóc đặc biệt quá tải, vật tư cạn kiệt. Do đó, chính phủ Anh cuối cùng cũng ban lệnh phong tỏa toàn quốc, một nỗ lực ngăn chặn virus toàn diện. Những người ủng hộ phong tỏa cho rằng sai lầm lớn nhất của Anh là đã chần chừ quá lâu, khiến virus có cơ hội "đi trước một bước".
Theo nhà dịch tễ học Giesecke, mô hình Ferguson đưa ra đã khiến chính phủ Anh bị sốc, thúc đẩy họ "quay ngoắt 180 độ" và rơi vào hoảng loạn. Ông thẳng thừng đánh giá bản báo cáo "không ổn lắm" và "bi quan quá mức", lưu ý thêm rằng nó chưa được các chuyên gia khác thẩm định, cũng không được đăng trên tạp chí khoa học nào.
Trong một cuộc họp báo trực tuyến do nhóm nghiên cứu Chatham House ở London tổ chức, Giesecke thậm chí nói rằng ai đó nên viết sách về "cách một báo cáo không quá khoa học làm thay đổi chính sách của cả một quốc gia".
Trả lời Washington Post, Giesecke nhận xét báo cáo của Đại học Hoàng gia London mắc những sai sót cơ bản khi đưa ra các giả định gây tranh cãi, như tỷ lệ người nhiễm không triệu chứng nhưng vẫn truyền virus, khiến vai trò dự báo của nghiên cứu "mất toàn bộ giá trị".
Các nhà khoa học thường xuyên bất đồng. Tuy nhiên, cuộc tranh luận giữa những chuyên gia bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Stockholm và London thu hút sự chú ý bởi tính công khai, thông qua Twitter, các hội nghị trực tuyến hoặc YouTube, nổi bật là cuộc phỏng vấn của tạp chí điện tử Anh UnHerd.
Tại đây, Ferguson phản bác chỉ trích từ phía Thụy Điển, tuyên bố "phần lớn nhà dịch tễ học trên thế giới" ủng hộ quan điểm của ông. Ngay cả ở Thụy Điển, một số nhà khoa học cũng cáo buộc chính phủ đặt người dân vào tình thế nguy hiểm. Ferguson nói hầu hết quốc gia khác "sẽ không tha thứ" cho quyết định của chính phủ Thụy Điển, khi nó đồng nghĩa với việc để nCoV lây lan tự do hơn.
"Ông ấy về cơ bản đang nói rằng chúng ta nên để tất cả người già chết đi, bởi ông ấy không tin chúng ta có thể duy trì các biện pháp hạn chế", Ferguson nói, đề cập đến Giesecke.
Chuyên gia Anh còn chỉ ra rằng Thụy Điển vẫn chứng kiến tình trạng gia tăng số người nhiễm và chết vì nCoV, với tỷ lệ tử vong "gần tiến tới mức của thành phố New York", tâm dịch tại Mỹ hiện nay. "Ngược lại, Anh hành động kịp thời, giúp đất nước không bị áp đảo", ông nói thêm.
Một con đường vắng lặng tại thủ đô London, Anh, hôm 2/4, khi chính phủ áp lệnh phong tỏa nhằm phòng chống Covid-19. Ảnh: AFP
Thủ tướng Johnson tỏ ra nghiêng về quan điểm của Ferguson. Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi vắng mặt vì nhiễm nCoV, Johnson cho biết Anh đã tránh được tình trạng "thảm khốc và mất kiểm soát", có thể khiến nửa triệu người chết, đồng thời trích dẫn những con số trong bản báo cáo của Ferguson. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng ám chỉ về dự báo của Ferguson và nói rằng hàng triệu người đã được cứu nhờ chính sách hạn chế nCoV của ông.
Anh hiện ghi nhận số người chết vì nCoV cao nhất châu Âu và đứng thứ hai thế giới, sau Mỹ, với hơn 31.000 người. Trong khi đó, Thụy Điển báo cáo hơn 3.000 ca tử vong, cao nhất vùng Scandinavia. Số người chết vì nCoV trên một triệu dân của Anh là 451, còn Thụy Điển là 314. Vẫn chưa rõ liệu có phải những yếu tố văn hóa, địa lý và nhân khẩu học khiến cách tiếp cận của Giesecke phù hợp với Thụy Điển hơn Anh, cũng như một số quốc gia khác, hay không.
Theo Giesecke, nCoV về cơ bản không thể ngăn chặn được, cho tới khi đạt mục tiêu "miễn dịch cộng đồng" (2/3 dân số nhiễm virus và sản sinh kháng thể), hoặc điều chế được loại vaccine hiệu quả, có khả năng phân phối rộng rãi.
Trong thư gửi tạp chí y khoa Lancet của Anh, Giesecke viết rằng "mọi người đều sẽ bị phơi nhiễm", những biện pháp hạn chế nghiêm ngặt chỉ kéo lùi thời gian với các ca nghiêm trọng mà thôi.
Chuyên gia này cho biết cả Anh và Thụy Điển đều thất bại trong công tác bảo vệ người cao tuổi, khi để nCoV tràn lan khắp các viện dưỡng lão. Ông cũng thừa nhận lệnh phong tỏa sẽ giúp kiềm chế quá trình virus lây lan trong một thời gian.
"Nhưng sau đó thì làm gì tiếp?", Giesecke đặt câu hỏi. Ông cho rằng không tồn tại xã hội dân chủ nào có thể duy trì các biện pháp hạn chế suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm, bởi nền kinh tế không có khả năng chịu đựng được, công chúng cũng không cho phép điều đó xảy ra.
Khi được hỏi về lý do Anh, cũng như nhiều quốc gia khác, áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, Giesecke nhận định các lãnh đạo chính trị muốn thể hiện quyền lực, ý chí, sự quyết đoán của mình. Ông bày tỏ tin tưởng rằng người dân Thụy Điển "không ngu ngốc" và sẽ tự giác làm theo các chỉ dẫn phòng chống dịch.
"Nếu bạn nói việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang hoặc rửa tay rất quan trọng, họ sẽ làm theo", ông giải thích. Tuy nhiên, nhiều vùng dịch khác ở châu Âu đã cho thấy một điều rằng không phải người nào cũng tự giác tuân thủ khuyến cáo mọi nơi, mọi lúc.
VnExpress (theo WashingtonPost)