Một nghị sĩ từng ca ngợi Anh là "Đảo Kho báu" vì sự thịnh vượng, nhưng chủng nCoV mới khiến nước này giờ đây bị gọi là "Đảo Dịch bệnh".

42 1 Anh Nem Trai Dang Vi Chung Ncov Moi

Trung tâm thủ đô London, Anh, vắng lặng hôm 21/12. 

Tính đến ngày 22/12, hơn 40 quốc gia đã đình chỉ nhập cảnh với hành khách từ Anh, một số tuyến đường di chuyển huyết mạch bị chặn, trong nỗ lực kiểm soát chủng nCoV mới mà Thủ tướng Boris Johnson cho biết có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng đầu tiên. Trước đó, phần lớn vùng đông nam đất nước, bao gồm thủ đô London, cũng bị tái phong tỏa.

Mặc dù người Anh dường như đã chuẩn bị tinh thần cho viễn cảnh hỗn loạn sau khi đất nước hoàn tất cuộc chia tay lộn xộn với Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/12, việc đột ngột bị tách rời khỏi khối, cũng như thế giới nói chung do sự xuất hiện của một biến chủng virus khiến họ phải sớm nếm vị đắng của những điều có thể sẽ xảy ra trong tương lai, bình luận viên Benjamin Mueller và Isabella Kwai của NY Times nhận xét.

42 2 Anh Nem Trai Dang Vi Chung Ncov Moi

Dòng xe tải mắc kẹt trên đường đến cảng Dover ở Anh hôm 21/12.

Các chuỗi siêu thị lớn cảnh báo tình trạng khan hiếm rau quả. Những xe tải chở hàng mắc kẹt gần các cảng biển huyết mạch. Dòng người cố gắng rời khỏi Anh để trở về quê hương của họ trước khi các lệnh cấm di chuyển có hiệu lực. Nhiều người phải hủy kế hoạch nghỉ lễ Giáng sinh.

Pháp hôm nay bắt đầu tái mở cửa biên giới với Anh và chính phủ hai nước cũng đang nỗ lực giảm thiểu mối đe dọa về thiếu nguồn cung lương thực, do khoảng 1/4 lượng thực phẩm tiêu thụ tại Anh được nhập khẩu từ EU. Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh nên tạo điều kiện cho những hoạt động đi lại cần thiết và để người dân được trở về nhà.

Tuy nhiên, trong mắt nhiều người Anh, nỗi sợ hãi lớn nhất của họ về số phận đất nước thời kỳ hậu Brexit đã trở thành hiện thực với những lệnh cấm di chuyển và đóng cửa các bến cảng. Điều này đã đến sớm hơn dự kiến, theo cách họ không mong muốn.

"Đối với tôi, các rào cản đã tồn tại trong tâm tưởng vì Brexit. Giờ đây, nó trở thành hữu hình", Russell Hazel, một người nhiễm nCoV hồi đầu năm và mất 7 tuần để bình phục, nêu ý kiến.

Hazel có một người bạn đang tới thăm Tây Ban Nha, khiến ông lo lắng về việc người đó sẽ trở về nhà bằng cách nào. Theo ông, tình trạng rối bời này giống như một cuộc thử nghiệm cho khả năng Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận điều phối các quan hệ thương mại qua eo biển Manche.

Phần lớn người Anh đổ lỗi cho Thủ tướng Johnson vì những rắc rối họ đang phải đối mặt. Anh áp lệnh phong tỏa muộn hơn so với các quốc gia châu Âu khác vào mùa xuân, và đã phải trả giá cho sự chần chừ đó bằng tỷ lệ tử vong trên đầu người vì Covid-19 cao hàng đầu khu vực.

Nhưng đến mùa hè, chính phủ của Johnson lại khuyến khích người dân trở lại văn phòng, thậm chí trợ cấp cho những bữa ăn ngoài nhà hàng, khi dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Những động thái này đã tạo tiền đề cho sự hồi sinh của virus.

Hôm 16/12, chỉ ba ngày trước khi ban lệnh phong tỏa London và khu vực đông nam, Thủ tướng Johnson vẫn cam kết gắn bó với chính sách trợ cấp đặc biệt cho việc di chuyển dịp Giáng sinh. Đường phố London tấp nập người mua sắm. Chính phủ còn thực hiện hành động pháp lý để ngăn các trường học cho học sinh về nhà nghỉ lễ sớm, giữa lúc số ca nhiễm mới tăng vọt. Trong khi đó, các cố vấn khoa học phát hiện những dấu hiệu cho thấy trẻ em có thể dễ bị nhiễm nCoV chủng mới hơn.

"Tôi nghĩ phần còn lại của thế giới đang nhìn chúng tôi và lắc đầu. Thật không thoải mái khi sống trên 'Đảo Dịch bệnh' và bị các quốc gia khác xa lánh", Kelly Merris, một người gốc Australia phải hủy kế hoạch đoàn tụ với gia đình vào Giáng sinh, cho biết.

Aaron McDonald, chồng của Merris và cũng là người Australia, cho rằng chủ nghĩa biệt lệ của Anh mang một ý nghĩa khác trong đại dịch. "Người Anh thường coi bản thân hơi khác biệt so với phần còn lại của thế giới và lục địa châu Âu. Giờ đây, chúng tôi đã tự cô lập mình theo cách không hay lắm. Thật đáng thất vọng", McDonald nêu ý kiến.

Một số người Anh thậm chí nghĩ rằng "làn sóng cấm cửa" là một phần cái giá mà Anh phải trả cho nỗ lực tách khỏi EU kéo dài suốt nhiều năm. "Đây là thứ bạn nhận được khi đòi Brexit. Cớ gì người dân châu Âu phải đồng cảm hoặc giao thiệp với chúng ta?", Suraya Klein-Smith cho biết khi xếp hàng trước một cửa hàng thịt hôm 21/12.

Klein-Smith, một tiếp viên hàng không đã chứng kiến nhiều bạn bè mất việc trong năm nay, bày tỏ sự thông cảm với những người dân London "tháo chạy" khỏi thủ đô hôm 19/12 ngay sau khi chính phủ ban lệnh phong tỏa. Cô cho biết nhiều người, vốn đã đề phòng virus bằng cách tự cô lập bản thân, quá tha thiết được gặp gia đình.

Tuy nhiên, chính phủ không xứng đáng được thông cảm, Klein-Smith cho hay, nói thêm rằng cô mong Thủ tướng Johnson sẽ từ chức vào tháng 1. "Họ đảm bảo rằng người dân đã bỏ tiền mua sắm, chuẩn bị, nhận vé tàu. Việc quyết định hủy tất cả vào phút chót thật bừa bãi", cô đánh giá.

Piers Storey, một giáo viên, đã gượng cười khi được hỏi về quyết định cấm hành khách từ Anh của các nước châu Âu. "Bạn có thể nói gì được nữa? Không có điều gì gây cảm giác đơn độc như Brexit", Storey cho hay.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC