Đây cũng là thời điểm Luân Đôn và Bruxelles bắt đầu đàm phán về quan hệ tương lai giữa Anh Quốc và 27 thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu. Thời hạn đàm phán dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 31/12/2020.
Ngày 31/01/2020 là một ngày lịch sử đối với nước Anh. Những người ủng hộ Brexit thì vui mừng, còn những người muốn nước Anh ở lại Liên Âu thì không giấu được nỗi buồn và cả nỗi lo sợ. Để tránh gây chia rẽ dân chúng, chính phủ Anh không tổ chức nhiều hoạt động rầm rộ ăn mừng Brexit trong ngày hôm nay.
Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Muriel Delcroix tường trình :
« Mở màn là sáng hôm nay, một cách tượng trưng, cuộc họp Hội đồng bộ trưởng được dời đến Sunderland, thành phố đầu tiên hồi năm 2016 tuyên bố ủng hộ Brexit.
Việc chọn thành phố cảng này ở miền đông bắc đất nước là một cách để thủ tướng Boris Johnson thể hiện lòng biết ơn về việc cử tri tại vùng ủng hộ đảng bảo thủ về Brexit đã bỏ phiếu cho ông hồi tháng 12/2019. Đây cũng là cách để Boris Johnson cho họ thấy là ông muốn đáp ứng kỳ vọng của họ.
Ngày 31/01/2020, Anh Quốc chính thức rời Liên Hiệp Châu Âu. REUTERS/Toby Melville
Bài diễn văn được phát đi một giờ trước thời điểm Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đã được thủ tướng ghi âm trước.
Ông Johnson nói đây không phải là một điểm kết thúc mà là một điểm khởi đầu, là buổi bình minh của một thời kỳ mới, thời khắc của sự cách tân dân tộc thực sự và sự thay đổi. Thủ tướng kết luận đây là thời điểm để nước Anh bắt đầu đoàn kết lại, là lúc hòa giải đất nước vốn bị chia rẽ gần 4 năm qua vì Brexit và hiện vẫn còn đang bị chia rẽ nặng nề.
Tuy nhiên, những người ủng hộ nhiệt tình Brexit nhất sẽ không cảm thấy thỏa lòng, bởi Big Ben sẽ không đổ chuông.
Thay vào đó, một chiếc đồng hồ ánh sáng đếm ngược sẽ được chiếu lên mặt tiền tòa nhà số 10 Downing Street.
Một màn trình diễn ánh sáng phác họa hành trình 47 năm của nước Anh trong Liên Hiệp Châu Âu dự kiến sẽ diễn ra tại White Hall, khu vực tập trung trụ sở các bộ. Xa hơn một chút, tại quảng trường Nghị Viện, sẽ có hoạt động lễ hội sôi động hơn với sự tham gia của Nigel Farage, người được coi là kiến trúc sư Brexit.
Trái lại, những người ủng hộ nước Anh ở lại Liên Hiệp Châu Âu thì tập trung thắp nến, cho dù một số người không muốn yên lặng chịu cảnh nước Anh rời khỏi Liên Âu như vậy. Họ sẽ tập trung đi thành đoàn từ Downing Street và hát quốc ca Liên Hiệp Châu Âu, không phải là để nói lời vĩnh biệt Liên Âu mà để nói "Tạm biệt và hẹn gặp lại". »
Nguồn: Thuỳ Dương/ RFI