4 máy bay chở khách BAE-146 thuộc Phi đội 32 của Hoàng gia Anh sẽ bị rút khỏi biên chế từ năm 2022 sau Đánh giá Tích hợp của Bộ Quốc phòng về hiện đại hóa các lực lượng và nhằm tiết kiệm chi phí. Nữ hoàng và các thành viên khác của Hoàng gia sẽ phải mượn máy bay của Thủ tướng Boris Johnson để di chuyển.
Động thái của Bộ Quốc phòng đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử, Hoàng gia Anh không có chuyên cơ.
Nữ hoàng Anh Elizabeth đi ngang qua các lá cờ của Khối thịnh vượng chung được trưng bày trong sảnh lâu đài Windsor, đông nam nước Anh hôm 5/3. Ảnh: AFP.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp phương tiện hàng không phù hợp cho các yếu nhân và chỉ huy. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không né tránh những quyết định khó khăn và sẽ luôn tìm cách tận dụng tối đa giá trị đồng tiền trong các chương trình mua sắm", Bộ Quốc phòng Anh cho hay.
Chiếc RAF Voyager của Thủ tướng Johnson được tân trang năm ngoái với chi phí 900.000 bảng Anh (hơn 1,2 triệu USD), gồm thiết kế cờ Liên minh trên phần đuôi và sơn màu trắng thay vì màu xám theo phong cách quân đội trước đó. Theo văn phòng thủ tướng, "thương hiệu quốc gia" mới sẽ giúp máy bay đại diện tốt hơn cho Anh ở nước ngoài, nhưng một số nghị sĩ chỉ trích khoản chi tiêu này.
Phi đội 32 có trụ sở tại căn cứ Không quân Hoàng gia RAF Northolt, được thành lập năm 1916 như một phần Quân đoàn bay Hoàng gia. Phi đội 32 trở thành phi đội hoàng gia năm 1995 sau khi hợp với The Queen's Flight, đơn vị giống The King's Flight phục vụ vua Edward VIII năm 1936.
Sau khi 4 máy bay BAE-146 được bán, phi đội sẽ chỉ còn chiếc trực thăng AW-109. Kết quả đánh giá của Bộ Quốc phòng sẽ được công bố ngày 16/3.
Thủ tướng Anh cuối năm ngoái thông báo tăng chi tiêu 24 tỷ bảng Anh (hơn 33 tỷ USD) cho Lực lượng vũ trang, nhưng quân đội dự kiến giảm 10.000 binh sĩ trong thập kỷ tới do Bộ Quốc phòng tính tập trung vào không gian và phòng thủ mạng. 14 máy bay vận tải 'Super Hercules' C-130J sẽ được rút khỏi biên chế, trong khi đơn đặt hàng máy bay do thám và tiêm kích F-35 cũng sẽ giảm.
Nguồn: Vnexpress.net