Cụ thể, nhà báo Theo Sommer nhắc đến về việc xây dựng Nord Stream 2, một thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc và tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP. Về tất cả những vấn đề này, Brussels và Berlin phải hình thành lập trường rõ ràng, dựa trên lợi ích của chính họ, bỏ qua sự kiêu ngạo và đạo đức giả với Mỹ.
Nhà báo Đức nhớ lại rằng Nga luôn là nhà cung cấp nhiên liệu xanh đáng tin cậy. Ngay cả ở đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, quan hệ đối tác năng lượng Nga-Đức vẫn hoạt động tốt. Việc từ bỏ than đá và năng lượng hạt nhân tạo ra tình trạng thiếu điện ở Đức, tuy nhiên, các nguồn năng lượng tái tạo lại chưa đáp ứng được nhu cầu.
Ba cuộc ‘xung đột lớn’ đang chờ châu Âu dưới thời ông Biden. (Ảnh: Reuters)
Ông Sommer cho biết, Đức không hoàn toàn phụ thuộc vào khí đốt của Nga, chỉ một nửa số hàng nhập khẩu đến từ đó. Những tuyên bố của cựu lãnh đạo Nhà Trắng Donald Trump rằng Berlin sẽ trở thành “con tin” của Moscow là biểu hiện của sự “ngạo mạn”. Bất chấp quan hệ đối tác năng lượng, các nhà chức trách Đức chưa bao giờ “cúi đầu” trước Điện Kremlin.
“Tất cả những lo ngại về Đông Âu là không có cơ sở, bởi vì nhiên liệu xanh có thể được cung cấp từ Tây sang Đông theo chiều ngược lại. Ngoài ra, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có thể đạt được thỏa thuận mới giữa Moscow và Kiev, đảm bảo phí vận chuyển đến Ukraine”, ông Sommer nói.
Mặt khác, người Mỹ đang tỏ ra “đạo đức giả”, khi cho rằng bằng cách mua các nguồn năng lượng của Nga, người Đức sẽ bổ sung thêm “ngân sách cho ông Putin”. Nhưng, bản thân Mỹ cũng là nhà nhập khẩu dầu lớn thứ hai của Nga. “Vì vậy, sẽ là sai lầm nếu phá vỡ sợi dây cuối cùng vẫn kết nối chúng ta với Nga”, ông Sommer cảnh báo.
Ngược lại, Liên minh châu Âu (EU) cần đối thoại với Điện Kremlin, thảo luận các vấn đề khó khăn và các triển vọng có thể xảy ra. Đồng thời, Đức có thể bắt đầu một cuộc đối thoại như vậy.
Ngoài ra, ông Sommer cũng nhắc về sự cần thiết phải tăng chi tiêu quân sự của Đức lên 2% GDP. Theo ông, thực tế là trong một trận đại dịch nền kinh tế suy yếu, đất nước có thể đạt 1,5% so với kế hoạch, cho thấy sự “vô lý” của yêu cầu này. “Xét cho cùng, giảm năng suất kinh tế không thể có lợi đáng kể đối với lực lượng vũ trang”, ông Sommer giải thích.
“Giờ đây Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang yêu cầu tăng thêm ngân sách quân sự, và đây là việc “hoàn toàn liều lĩnh”. Không có ý nghĩa gì khi đặt ra các mục tiêu mới cho các nước thành viên của liên minh, vốn sẽ không thể thực hiện được do gánh nặng ngân sách quá cao trong thời kỳ đại dịch”, Nhà báo Đức cho hay.
Ngoài ra, trước khi tăng chi tiêu cho quân đội, tổ chức phải tự trả lời một số câu hỏi: “Người dân Đông Âu sợ hãi những mối đe dọa nào? Mối đe dọa thực sự là gì? Có thể chúng ta đang chuẩn bị cho cuộc chiến sai lầm trong thời đại công nghệ mạng?”.
Đồng thời, ông Sommer cũng nói về thỏa thuận đầu tư với Trung Quốc. Theo ông Sommer, Bắc Kinh đối với Brussels là “đối tác, đối thủ cạnh tranh và là đối thủ có tính hệ thống”. Trung Quốc không phải là một phần của phương Tây. Nhưng cùng với Mỹ, nước này là đối tác thương mại quan trọng nhất của EU. Nền kinh tế châu Âu và Trung Quốc gắn bó với nhau đến mức “một chiến lược đối đầu dựa trên ý thức hệ là không thể chấp nhận được”.
Tuy nhiên, các quan hệ kinh tế phải được xây dựng trên cơ sở các nguyên tắc công bằng và có đi có lại. Sau 7 năm đàm phán cuối cùng EU và Trung Quốc đã ký được thỏa thuận liên quan tới các hoạt động đầu tư song phương có tên chính thức Thỏa thuận toàn diện về đầu tư (CAI).
Tất nhiên, thỏa thuận này không hoàn hảo nhưng vài tháng trước đó Bắc Kinh đã đưa ra nhiều nhượng bộ tưởng chừng như không thể. Thỏa thuận cho phép tiếp cận các thị trường quan trọng của Trung Quốc. Ngoài ra, hiện nay để hợp tác, các công ty châu Âu sẽ không cần phải liên doanh với Trung Quốc và cung cấp miễn phí công nghệ.
“Những cáo buộc của Mỹ cho rằng EU đã quá vội vàng trong việc ký kết thỏa thuận này là một ví dụ điển hình cho sự ‘đạo đức giả’ của Mỹ. Trong khi, trước đó chính ông Trump đã ký một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.
Cho đến nay, chỉ có những ý tưởng chung mới được hình thành trong tài liệu Châu Âu. Các chi tiết vẫn sẽ cần được phối hợp. Sớm hay muộn, ông Biden sẽ nối lại các cuộc đàm phán với Bắc Kinh, và điều này sẽ cho phép Mỹ – châu Âu theo đuổi chính sách chung để bảo vệ các giá trị và lợi ích của phương Tây mà không có chính sách xoa dịu cũng như biến Trung Quốc thành đối thủ số một”, Nhà báo Đức kết luận.
Nguồn: Infonet