Ngày 12/6, ba hãng hàng không British Airways, easyJet và Ryanair thông báo đã khởi động quy trình pháp lý nhằm vào Chính phủ Anh về quy định cách ly 14 ngày đối với hành khách nhập cảnh vào nước này.
Trong tuyên bố của mình, ba hãng hàng không trên cho rằng quy định cách ly hiện hành có "thiếu sót," sẽ để lại hậu quả "tàn phá" đối với ngành du lịch Anh nói riêng và nền kinh tế nước này nói chung, cũng như khiến hàng nghìn người mất việc làm.
Ba hãng này muốn chính phủ tái áp đặt các biện pháp được ban hành vào ngày 10/3, theo đó chỉ cách ly những hành khách đến từ các nước "có nguy cơ cao."
Tuyên bố nhấn mạnh đây sẽ là giải pháp thực tế và hiệu quả nhất, cũng như đảm bảo các nhân viên công vụ tập trung giải quyết các vấn đề khác quan trọng hơn phát sinh do đại dịch, trong khi cũng đảm bảo nước Anh có sự đồng bộ với phần lớn các nước châu Âu vốn dự kiến sẽ mở cửa biên giới vào giữa tháng Sáu.
Ba hãng trên đồng thời đề nghị chính quyền xem xét khiếu nại này, lập luận rằng không có sự tham vấn hay căn cứ khoa học nào làm cơ sở cho "chính sách khắc nghiệt" trên.
Kể từ ngày 8/6, Chính phủ Anh yêu cầu người nhập cảnh nước này phải tự cách ly trong 2 tuần để phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Quy định này được áp dụng đối với cả công dân Anh và người nước ngoài, trừ một số trường hợp ngoại lệ, nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ hai từ nước ngoài.
Theo đó, người đến Anh bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển hoặc tàu hỏa phải cung cấp chi tiết hành trình và địa chỉ sẽ tự cách ly. Công dân Anh và hành khác nước ngoài nếu vi phạm quy định này sẽ bị phạt tiền lên đến 1.250 USD hoặc bị truy tố.
Tuy nhiên, quy định trên đã vấp phải sự bất bình từ ngành hàng không, cũng như các công ty du lịch và khách sạn vốn đang chật vật vượt qua khó khăn do dịch COVID-19 khi cho rằng biện pháp này càng gây thêm thiệt hại nặng nề cho các lĩnh vực kinh doanh này.
Với đội tàu bay ngừng hoạt động từ cuối tháng Ba, nhiều hãng hàng không hy vọng có thể hoạt động trở lại vào tháng Bảy./.
Theo Vietnamplus