Từ việc Nga chỉ giúp Belarus nâng cấp cho tăng T-72
'Nhất cử nhất động' từ Nga đều khiến Ba Lan hốt hoảng
PolitNavigator ngày 11/5, dẫn lại Ấn bản Quốc phòng 24 của Ba Lan cho hay, giới chính trị, quân sự và truyền thông nước này yêu cầu NATO lập tức tăng cường hiện diện tại Ba Lan trước việc Nga chuyển những chiếc xe tăng T-72B3 sang Belarus.
Được biết Tập đoàn Công nghiệp Quốc phòng UralVagonZavod của Nga đang thực hiện hợp đồng hiện đại hóa các loại xe tăng T-72 cho Belarus. Ngày 6/5 vừa qua, 5 chiếc T-72B3 hoàn thành nâng cấp đã được xuất giao từ Nizhny Tagil sang Belarus.
Với lô hàng mới nhất từ Nga, hiện Belarus đã có khoảng 535 xe tăng loại T-72 được nâng cấp ở nhiều tính năng khác nhau, phù hợp với kế hoạch hành động và khả năng tác chiến của quân đội Belarus trong tình hình mới.
Thực tế đó khiến giới chính trị và quân sự Ba Lan lo ngại rằng, nếu "Nga và Belarus đồng loạt tấn công từ Kaliningrad và Brest, thì xe tăng của họ có thể tới Warsaw chỉ trong vài giờ", PolitNavigator dẫn thuật.
Vì vậy, Bộ Quốc phòng Ba Lan đã được yêu cầu tập trung vào việc tăng cường các biện pháp chống tăng. Cụ thể, Warsaw cần triển khai những hệ thống tên lửa chống tăng gắn trên các phương tiện bọc thép của quân đội Ba Lan.
Điều này cũng phù hợp với kế hoạch quân sự của Warsaw, vì tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak từng tuyên bố rằng các cuộc đàm phán với Mỹ về việc mua hệ thống tên lửa chống tăng FGM-148 Javelin đã hoàn tất.
Tuy nhiên, động thái của Warsaw bị cho là "lo lắng quá mức", bởi đây là xe tăng của Belarus chứ không phải của Nga, hơn nữa lúc này rất khó xảy ra chuyện Minsk phối hợp tấn công cùng Moscow, khi Belarus đang tăng cường hợp tác với NATO.
Chưa biết thực hư phía sau động thái của Warsaw như thế nào, nhưng rõ ràng "nhất cử nhất động" của Nga đều khiến Warsaw hoảng hốt và "yếu tố Nga" dường như đã trở thành mối đe dọa thường trực với Ba Lan.
Bởi ngày 26/4, phát ngôn viên Bộ An ninh Quốc gia Ba Lan Stanislaw Zaryn đã từng cho biết hệ thống cơ sở dữ liệu nước này đã bị tấn công bởi một "chiến dịch thông tin sai lệch" từ tin tặc Nga với mục đích làm suy yếu liên minh giữa quốc gia này với Mỹ.
"Ba Lan đã trở thành nạn nhân của nhóm tin tặc Nga có chất lượng cao trong nhiều năm. Và trong thời gian gần đây, những nỗ lực phá hoại kiểu này đang ngày một trở nên dày đặc hơn", Neweurope dẫn thuật lời ông Stanislaw Zaryn.
Nội dung sự việc - theo ông Zaryn - là những kẻ tấn công mạng đã đăng tải một bức thư với chữ ký giả của Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến tranh tại Warsaw, kêu gọi những người lính Ba Lan đứng dậy chiến đấu chống lại sự chiếm hữu của Mỹ.
"Nội dung của bức thư đó trùng khớp với những nội dung được nhóm tin tặc Nga đã đăng tải nhằm phá hoại mối quan hệ giữa Ba Lan và Mỹ, làm suy giảm nhuệ khí của binh sỹ Ba Lan và kích động tinh thần chống Mỹ trong quân đội Ba Lan...."
Theo phát ngôn viên Bộ An ninh Quốc gia Ba Lan thì bức thư giả nghi là của tin tặc Nga nhằm phá hoại liên minh Mỹ-Ba Lan đã được đăng tải trên rất nhiều cổng thông tin nên rất nguy hiểm, khiến cho Warsaw không thể im lặng được nữa.
Đến bức thư giả nghi của tin tặc Nga đều khiến Warsaw hốt hoảng
Như vậy, từ hiệu ứng của một bức thư giả bị cho có liên quan đến tin tặc Nga đến những động thái từ quan hệ Nga-Belarus diễn ra trong thời điểm Moscow và Minsk đang bị cho là "cơm không lành canh không ngọt", đều khiến Warsaw hoảng sợ.
Điều gì đã khiến Warsaw 'tự kỷ ám thị" với yếu tố Nga?
Giới phân tích cho rằng, Warsaw 'tự kỷ ám thị" với yếu tố Nga là do nhận thấy chiếc ô NATO đã bị thủng lỗ chỗ, không thể giúp Ba Lan che nắng che mưa, nên "nhất cử nhất động" từ Nga đều khiến Warsaw "quá mù ra mưa".
1. Sự gắn kết giữa các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương hiện giảm tới mức thấp nhất, điều này khiến cho khả năng phòng vệ tập thể dường như chỉ còn là nguyên tắc được ghi trong Hiến chương của NATO mà thôi.
Điều đó thể hiện quá rõ qua khả năng ứng phó với đại dịch Covid-19, khi NATO phải chuẩn bị một kế hoạch hành động 8 điểm, được thiết kế nhằm gia tăng sự gắn kết giữa các thành viên và khả năng chống dịch Covid-19 của liên minh quân sự này.
Việc xây dựng "Kế hoạch dự phòng đối phó với đại dịch" - Kế hoạch 8 điểm - được các Đại sứ NATO quyết định gấp rút trong một cuộc họp bí mật với Tổng thư ký Jens Stoltenberg, theo Der Speigel.
Trước việc NATO phải xây dựng Kế hoạch 8 điểm để đối phó đại dịch Covid-19, Tổng thư kýStoltenberg đã bày tỏ sự thất vọng, khi cho rằng NATO ứng phó quá kém với đại dịch, trong đó đặc biệt là thiếu sự gắn kết giữa các thành viên.
Theo quan điểm của Tổng thư ký NATO, vấn đề nghiêm trọng nhất đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 không chỉ là vấn đề y tế, mà là sự gắn kết nội khối. Vì vậy, cần phải có kế hoạch khắc phục.
Người đứng đầu Ban điều hành NATO và các nhà ngoại giao NATO đã rất lo lắng về sự nguy hại từ việc Tổng thống Putin nhanh chóng cho triển khai kế hoạch giúp đỡ Italy chống đại dịch Covid-19 và Kế hoạch 8 điểm là nhằm hoá giải sự nguy hại này.
Bởi lẽ, ngày 21/3 diễn ra cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Italy Giuseppe Conte với Tổng thống Nga Vladimir Putin, thì đến ngày 23/3, chính phủ Nga đã điều 14 máy bay vận tải Ilyushin Il-76 chở chuyên gia và trang thiết bị y tế từ Nga đến hỗ trợ Italy.
Theo giới lãnh đạo NATO, từ lúng túng trong ứng phó đại dịch, NATO không thể sẵn sàng đối phó với hậu quả của đại dịch. Sự tệ hại này sẽ khiến NATO gặp nguy hiểm, khi lực lượng xung kích quá thua kém Nga trong ứng phó tình huống bất ngờ.
2. Khả năng công-thủ và xử lý tình huống của NATO rất đáng lo ngại, từ đó khiến cho việc tích cực hóa nguy hiểm không thể thực hiện được - không thể biến mối đe dọa với mình thành cơ hội tung đòn hồi mã thương với đối thủ.
Điều này bộc lộ rõ qua việc chính quyền Warsaw không cho phép máy bay quân sự Nga sử dụng không phận Ba Lan phục vụ sứ mệnh nhân đạo tại Italy, mặc dù Italy là thành viên sáng lập NATO.
Phải nhìn nhận rằng để máy bay Nga sử dụng không phận của Ba Lan là cơ hội quá tốt cho NATO thực nghiệm khả năng công-thủ cũng như khả năng xử lý tình huống của mình, vốn bộc lộ yếu điểm qua vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga năm 2015.
Về thực nghiệm khả năng công-thủ : Khi máy bay Nga vào không phận Ba Lan, nếu Moscow giở quẻ bằng việc thực hiện hành động do thám hay quấy nhiễu, thì các lực lượng công-thủ của NATO có thể hành động dằn mặt ngay tức khắc.
Với hành động này, NATO có thể chôn vui danh tiếng quân đội Nga và có thể biến ngay chính nước Nga thành tiền đề tồn tại của NATO - điều mà hơn 1/4 thế kỷ qua liên minh quân sự hùng mạnh này vẫn chưa tìm được. Nhưng NATO đã không dám.
Về thực nghiệm khả năng xử lý tình huống : Khi máy bay Nga vào không phận Ba Lan, việc xử lý tình huống khẩn cấp hoàn toàn có thể được áp dụng, đặt máy bay Nga trong sự giám sát của các lực lượng phòng thủ hay xử lý nhanh của NATO.
Song dường như lo sợ lặp lại thảm hoạ của "khủng hoảng 17 giây", nên Washington -Brussels-Warsaw chọn giải pháp an toàn : không cho máy bay Nga sử dụng không phận Ba Lan thực hiện sứ mệnh nhân đạo tại Italy.
Dù với bất cứ lý do gì thì qua việc này cũng đã chứng tỏ Mỹ-NATO vẫn chưa tự tin về cả kỹ-chiến thuật để có thể đối đầu với Nga, dù chi phí quân sự của khối gấp tới hơn 20 lần của Nga. Trước thực tế đó mà Warsaw không lo lắng mới lạ.
Putin sẽ khiến Warsaw còn phải quay cuồng vì yếu tố Nga
3. Khi NATO hiện nguyên hình chỉ là "con hổ giấy" sau các nước cờ của Tổng thống Putin, thì Warsaw hướng sang người đồng minh vĩ đại bên bờ tây Đại Tây Dương và việc nguy hiểm hóa mối đe dọa từ Nga là nhất cử lưỡng tiện.
Bởi tăng hiềm khích với Moscow, chính quyền Warsaw biến Ba Lan thành vị trí tiền tiêu chống Nga và đương nhiên sẽ nhận được sự ưu ái của Washington, từ đó khẳng định vị thế của mình trước Mỹ so với các đồng minh tại lục địa già.
Bên cạnh đó, Warsaw tăng hiềm khích với Moscow sẽ khiến Brussels phải dè chừng Washington, không dám chủ động cải thiện quan hệ với Moscow. Warsaw thành tay trong của Washington giúp kiềm chế các đồng minh có chuyển động lệch chuẩn Mỹ.
Như vậy, "tự kỷ ám thị" với yếu tố Nga có thể giúp Warsaw tìm kiếm lợi ích tốt nhất từ đồng minh. Tuy nhiên, hành động của Warsaw lại vô hình chung giúp Putin "khoan thủng mạn thuyền NATO" nhanh hơn, nên Warsaw sẽ còn phải quay cuồng với mối đe dọa từ Nga.
Nguồn: Ngọc Việt/ baodatviet