Các bác sĩ Ấn Độ nghiên cứu điều trị các trường hợp nhiễm virus Corona ngày 1-2. Ảnh: REUTERS
Tính đến ngày 3-2, số người nhiễm chủng virus Corona mới (2019-nCoV) trên thế giới đã lên đến 16.762 ca với 361 người thiệt mạng. Tại Trung Quốc có 360 người chết, tăng 56 người so với ngày trước đó.
Tạp chí Vox mới đây đã phỏng vấn một số chuyên gia về khả năng khi con người kiểm soát thành công dịch Corona trong tương lai.
Dịch Corona được kiểm soát bằng các can thiệp y tế công cộng
Đây là kịch bản tốt nhất, về cơ bản tương tự những gì đã xảy ra với đại dịch SARS năm 2003. Hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS, giống như 2019-nCoV, cũng xuất phát từ một chủng virus Corona, nhóm virus gây bệnh ở động vật có vú và gia cầm.
Nhân viên y tế di chuyển một bệnh nhân nhiễm virus Corona đến khu vực cách ly ở tỉnh Phụ Dương (Trung Quốc) hôm 2-2. Ảnh: AP
SARS chủ yếu lây nhiễm cho động vật nhưng có thể lây sang người và từ đó lây từ người sang người. SARS đã lây nhiễm 8.096 người (chủ yếu ở Trung Quốc) và làm 774 người tử vong ở 17 quốc gia.
Đáng chú ý, đến năm 2004, SARS về cơ bản hoàn toàn biến mất.
“SARS là trường hợp kinh điển cho thấy các biện pháp can thiệp sức khỏe cộng đồng khác nhau có thể ngăn chặn sự bùng phát” – GS Y học Jessica Jessicaley thuộc ĐH Emory (Mỹ), giải thích với tạp chí Vox.
Trong đại dịch SARS, tất cả cơ quan y tế đều nỗ lực xác định các ca nhiễm càng nhanh càng tốt và cách ly bệnh nhân. Bằng cách đó, hệ thống miễn dịch của họ có thể chống lại virus mà không lây lan sang bất kỳ ai mới. (Trong những trường hợp bệnh nhân tử vong thì virus sẽ chết theo vật chủ).
Theo Vox, dịch SARS được phát hiện lần đầu tiên vào tháng 2-2003. Đến tháng 3, hàng trăm người tiếp xúc với SARS bị cách ly tại nhà. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo ngay về việc đi lại tới các khu vực bị ảnh hưởng nhất.
Trong khi đó, các sân bay bắt đầu sàng lọc khách du lịch quốc tế. Các bác sĩ ngày càng thận trọng hơn trong việc chẩn đoán bệnh và đưa bệnh nhân vào chăm sóc cách ly. Vào giữa mùa hè năm 2003, nhiều quốc gia đã tuyên bố hết dịch SARS.
Virus tự hủy diệt
Dịch bệnh bùng phát giống như hỏa hoạn. Virus là ngọn lửa. Người dễ bị tổn thương là nhiên liệu. Cuối cùng, một ngọn lửa sẽ tự tàn lụi nếu nó hết mồi. Một đợt bùng phát virus sẽ kết thúc khi nó ngừng tìm những người nhạy cảm để lây nhiễm.
Chuyên gia dịch tễ học Michael Mina thuộc Trường Y tế công cộng Harvard, cho biết đại dịch virus Zika (năm 2015-2016) ở Puerto Rico và Nam Mỹ là một trường hợp điển hình về một bệnh dịch tự kết thúc.
Cụ thể, khi dịch bùng phát, hàng chục ngàn người bị nhiễm bệnh rất nhanh, với hơn 35.000 ca lây nhiễm ở Puerto Rico trong năm 2016. Tuy nhiên, số người dễ mắc bệnh theo thời gian giảm dần, do những người có nguy cơ cao nhất tiếp xúc với muỗi mang mầm bệnh đã mắc bệnh.
Dù vậy, với virus Corona mới ở thời điểm hiện tại, chuyên gia này cảnh báo khó có khả năng dịch bệnh có thể tự hết vì vẫn chưa biết chính xác ai là người dễ nhiễm.
“Có thể có những người có nhiều khả năng miễn dịch so với những người khác” – ông Michael Mina chia sẻ.
Virus Corona 2019 tiến triển thành một loại virus phổ biến khác
Chuyên gia Michael Mina cho hay điều này đã từng xảy ra trước đây. Vào năm 2009, chủng virus cúm H1N1 mới đã gây đại dịch toàn cầu.
“Nhưng theo thời gian, H1N1 đã trở thành một phần trong cuộc sống bình thường của chúng ta mỗi mùa cúm” – ông Mina giải thích.
Theo ông Amesh Adalja, học giả cao cấp tại Trung tâm An ninh y tế John Hopkins, hiện có bốn chủng virus Corona thường lây nhiễm ở người gây cảm lạnh thông thường hoặc viêm phổi. Có khả năng 2019-nCoV này sẽ trở thành chủng thứ năm và giống như bệnh cúm, nó có thể đến và đi theo mùa. Rất có thể nó sẽ trở thành một loại virus theo mùa ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Adalja nhấn mạnh rằng rất khó nói những gì sắp xảy ra. Đây là một khả năng nhưng không phải là kịch bản tốt đẹp.
“Nhân loại không thực sự cần thêm một loại virus thông thường khác nữa để đối phó. Có vẻ như nó có khả năng gây bệnh nghiêm trọng chứ không chỉ gây cảm lạnh thông thường” – ông Adalja nói.
Theo Vĩ Cường