Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo phát hiện 57 ca nhiễm Covid-19 mới trong vòng 24 giờ kể từ đêm 13/6, con số cao nhất trong vòng 1 ngày ở quốc gia này kể từ giữa tháng tư. 36 trường hợp trong số này được ghi nhận ở thủ đô Bắc Kinh - siêu đô thị với dân số 20 triệu người.
Chợ đầu mối thực phẩm Tân Phát Địa là ổ dịch mới của Trung Quốc, sau khi hàng chục ca nhiễm Covid-19 được phát hiện đều có liên quan đến cơ sở này. Ảnh: Reuters.
Ổ dịch mới ở Trung Quốc - lại là một khu chợ
Tất cả ca nhiễm ở Bắc Kinh đều liên quan đến Tân Phát Địa - khu chợ bán buôn lớn nhất thành phố. Địa điểm này đã bị đóng cửa và phong toả kể từ 13/6. 26 ca nhiễm là người làm việc tại khu chợ và 9 người còn lại đều có lịch sử lui tới đây. Khu chợ trở thành ổ dịch mới của thành phố sau 55 ngày không ghi nhận ca nhiễm trong cộng đồng.
Trung Quốc, nơi đầu tiên bùng phát đại dịch vào cuối năm ngoái, và một số nước khác sớm bị ảnh hưởng bởi virus corona như Hàn Quốc, Italy và Tây Ban Nha đang chứng kiến số ca nhiễm giảm. Trong khi đó Brazil, Mỹ và Ấn Độ đang chứng kiến số ca nhiễm gia tăng.
Trung Quốc ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh bằng những biện pháp có thể coi là quyết liệt nhất thế giới, phong toả một khu vực rộng lớn với 60 triệu dân và đóng cửa phần lớn hoạt động kinh tế. Công thức này sau đó đã được học tập bởi chính phủ một số nước khác.
Sau khi tuyên bố chống dịch thành công vào cuối tháng 3, chính phủ Trung Quốc đã mở cửa trở lại phần lớn các hoạt động kinh tế và du lịch nội địa. Nhưng đến ngày 13/6 vừa qua, chính quyền Bắc Kinh đã phải phong toả 11 khu dân cư xung quanh khu chợ Tân Phát Địa sau khi phát hiện ổ dịch ở đây.
Cơ quan Hàng không Dân dụng Trung Quốc cũng đình chỉ đường bay nối thành phố Quảng Châu với thủ đô Dhaka của Bangladesh, sau khi phát hiện 17 hành khách nhiễm Covid-19 trên một chuyến bay của hãng hàng không China Southern Airlines.
Cùng lúc đó, Hàn Quốc cũng ghi nhận 34 ca nhiễm mới, cho thấy xu hướng gia tăng số ca nhiễm trong thời gian gần đây. Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc cho biết 30 trường hợp trong số này được phát hiện ở thủ đô Seoul, nơi chiếm một nửa dân số 51 triệu người của quốc gia này.
Số ca nhiễm ở Nhật Bản cũng có xu hướng đi lên, phần lớn được phát hiện tại các khu vực dịch vụ giải trí ban đêm của thủ đô Tokyo.
Các nhân viên tại một cơ sở mai táng ở thủ đô New Delhi, Ấn Độ - vốn đang bị quá tải do có nhiều người thiệt mạng do Covid-19. Ảnh: AP.
Trong khi đó, với hơn 10.000 ca nhiễm mới được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua, Ấn Độ đã có hơn 300.000 trường hợp dương tính với Covid-19, trở thành vùng dịch lớn thứ 4 thế giới. Các thành phố đông dân nhất như New Delhi hay Mumbai đều phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt giường bệnh nghiêm trọng, vì vậy tỷ lệ tử vong được dự đoán sẽ tăng lên trong những ngày tới.
Nam Mỹ trở thành điểm nóng của thế giới
Cũng trong ngày 13/6, Bộ Y tế Ai Cập ghi nhận 1.677 ca nhiễm mới. Quốc gia đông dân nhất thế giới Arab tới nay đã có 42.980 ca nhiễm và 1.484 người tử vong vì đại dịch. Saudi Arabia cũng ghi nhận tới 4.233 ca nhiễm mới hôm 14/6, mức kỷ lục trong ngày, nâng tổng số người nhiễm ở nước này lên 127.500 trường hợp.
Ở châu Âu, Ukraine thông báo có 753 ca nhiễm mới, nhiều hơn gấp đôi con số trung bình hàng ngày hồi đầu tháng. Giới chức Bắc Macedonia, quốc gia nhỏ bé với chỉ 2 triệu dân, cũng ghi nhận 196 ca nhiễm mới.
Tại Mỹ, tình hình vẫn đáng quan ngại, đặc biệt là ở các bang phía tây nam. Arizona ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, dù khi dỡ bỏ lệnh phong toả vào giữa tháng 5, con số này chỉ nằm dưới mốc 400. Thế nhưng, thống đốc bang là ông Doug Ducey vẫn không yêu cầu mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng.
Tại New Orleans, các quán bar bắt đầu mở cửa trở lại. Nhà hàng ở San Francisco cũng bắt đầu đón khách từ ngày 12/6 và chính quyền bang California, bang đông dân nhất nước Mỹ, đã cho phép các khách sạn, sở thú, bảo tàng và thuỷ cung đi vào hoạt động.
Utah và Oregon, hai bang ở phía tây đã quyết định hoãn dỡ bỏ phong toả, sau khi chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt trong thời gian gần đây.
Tại Mexico, mặc dù chưa kiểm soát được dịch bệnh nhưng chính phủ nước này đã cho mở cửa trở lại nền kinh tế từ ngày 1/6. Mexico ghi nhận 15.000 trường hợp tử vong, cao thứ 7 thế giới và 130.000 ca nhiễm, nhưng chính phủ cũng nói rằng số ca nhiễm trên thực tế còn có thể cao hơn, vì nước này chỉ xét nghiệm cho người có triệu chứng.
Các nhân viên vệ sinh đang khử trùng khu ổ chuột (favela) của Rio de Janeiro. Ảnh: AP.
Ở khu vực Nam Mỹ, Brazil trở thành quốc gia có nhiều ca tử vong thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong khi đó tại Chile, Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich đã phải từ chức sau khi người dân hoài nghi về số liệu thật sự các ca tử vong trên toàn quốc.
Theo thống kê của Đại học Johns Hopkins, ít nhất 430.000 người trên toàn cầu đã thiệt mạng vì Covid-19, và số ca nhiễm vào lúc này đã lên tới 7,78 triệu trường hợp, tăng gấp đôi chỉ sau hơn 1 tháng. Đại dịch đang lây lan mạnh mẽ ở khu vực Mỹ Latin, đe doạ hệ thống chăm sóc y tế yếu ớt ở đây, và có khả năng gây ra bất ổn chính trị.
Theo Zing