Tính đến sáng ngày 6-8, thế giới có hơn 18,9 triệu ca mắc COVID-19 với hơn 710.000 người tử vong. Trong đó, hơn 12,1 triệu người đã hồi phục.
Nhiều nước châu Âu tái áp đặt hạn chế
Hy Lạp tuyên bố siết chặt các biện pháp chống dịch sau khi số ca mắc COVID-19 mới trong nước vượt hơn 380 kể từ đầu tháng 8-2020. "Chúng tôi đang cố cảnh tỉnh người dân với các thông điệp và tuyên bố mỗi ngày về các biện pháp bổ sung", hãng tin AFP ngày 6-8 dẫn lời người phát ngôn chính phủ Hi Lạp Stelios Petsas nói.
Scotland cũng tái áp đặt hạn chế tại thành phố Aberdeen đang bùng phát các ca nhiễm mới. Các biện pháp, sẽ được đánh giá lại sau mỗi tuần. Hà Lan buộc người dân ở Rotterdam và nhiều khu vực ở Amsterdam phải đeo khẩu trang.
Thuỵ Sĩ đưa Tây Ban Nha vào danh sách buộc cách ly, trong khi đó, Đức thêm tỉnh Antwerp của Bỉ vào danh sách khu vực rủi ro, yêu cầu những người đến từ khu vực này phải cách ly 14 ngày trừ khi họ có kết quả âm tính với COVID-19.
Với số lượng ca lây nhiễm tăng kỷ lục trong những ngày gần đây, khoảng 680 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong ngày 4-8, Ba Lan sẽ tăng cường hoạt động kiểm tra tại các cửa hàng và tiệc cưới, đồng thời phạt tiền nặng hơn nếu vi phạm quy định phòng, chống dịch bệnh. Những người vi phạm sẽ bị phạt tại chỗ lên tới 500 PLN (113 euro) và thậm chí là 30.000 PLN (6.800 euro) nếu tiếp tục tái phạm.
Nhiều nước châu Âu tiếp tục chứng kiến số ca mắc COVID-19 mới kỷ lục. Pháp ngày 5-8 ghi nhận thêm 1.695 ca mới, cao nhất trong vòng 2 tháng qua. Tây Ban Nha cũng có thêm 1.772 ca mới, kỷ lục kể từ khi nước này gỡ bỏ phong toả vào tháng 6-2020.
Mỹ: Florida vượt nửa triệu ca
Số ca mắc COVID-19 tại bang Florida của Mỹ đã vượt hơn nửa triệu trong bối cảnh các nỗ lực xét đang được nối lại sau một thời gian gián đoạn vì bão Isaias cuối tuần qua. Với hơn 21 triệu dân, con số này đồng nghĩa cứ 43 người ở Florida thì có một người mắc COVID-19.
Việc gián đoạn xét nghiệm được cho là góp phần khiến thống kê số ca mới ngày 5-8 giảm còn hơn 5.400 ca sau vài tuần ghi nhận khoảng 10.000 ca mỗi ngày.
Trong khi đó, tại New York, thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố sẽ lập các chốt kiểm soát mới trên các con đường vào thành phố. "Chúng ta sẽ tiếp tục làm mọi điều có thể để giữ người dân New York an toàn và khoẻ mạnh", ông Blasio nói.
Các nước đổ tiền tỉ vào vắcxin
Các nước vẫn đang dốc tiền cho vắcxin đối phó với COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Chính phủ Mỹ cho biết sẽ chi 1 tỷ USD để đặt cọc 100 triệu liều vắcxin phòng ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Johnson & Johnson nếu hãng này điều chế thành công.
Tập đoàn Johnson & Johnson cho biết sẽ giao vắcxin cho Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển y sinh tiên tiến (BARDA) trên cơ sở phi lợi nhuận để đưa vào sử dụng sau khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua. Hiện loại vắcxin mà Johnson & Johnson phát triển đang được thử nghiệm trên các tình nguyện viên ở Mỹ và Bỉ trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu.
Công ty dược phẩm Pfizer Inc và Công ty công nghệ sinh học BioNTech SE của Đức ngày 5-8 đã ký thỏa thuận cung cấp cho Canada một loại vắcxin thử nghiệm BNT162 mRNA. Việc cung cấp ứng cử viên vắcxin này dự kiến sẽ diễn ra trong cả năm 2021, tùy thuộc vào thành công lâm sàng và sự chấp thuận của Bộ Y tế Canada.
Ngoài ra, hãng điều chế vắcxin Valneva của Pháp ngày 5-8 cho biết Anh cam kết đầu tư một khoản tiền ban đầu trị giá 10 triệu bảng (13 triệu USD) để tăng cường khả năng phát triển vaccine, và dự kiến sẽ hoàn tất một gói đầu tư đầy đủ trong vài tuần tới.
Giám đốc Tài chính Valneva David Lawrence cho biết hãng này sẽ cung cấp 60 triệu liều vaccine sau khi bào chế thành công cho Anh trong nửa cuối năm 2021.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online